Chợ Vạn là trung tâm thương mãi của vùng Tam Kỳ xưa. Khu chợ này từng được sách Đại Nam nhất thống chí (soạn vào giữa thế kỷ XIX) ghi nhận là một trong các ngôi chợ lớn của Quảng Nam. Một thời, nói đến Tam Kỳ là liên tưởng đến chợ Vạn…
Một bài vè thịnh hành ở Tam Kỳ từ cuối thế kỷ XIX có các câu: “Kể từ Ông Bộ kể ra/ Cây Trâm, Trà Lý bước qua Bầu Bầu/ Tam Kỳ - chợ Vạn bao lâu/ Bước qua đường cái thấy cái lầu ông Tây...”. Bốn địa danh đầu thuộc về Núi Thành bây giờ. Còn Tam Kỳ - chợ Vạn nay thuộc địa bàn các phường Hòa Hương, Phước Hòa (Tam Kỳ) hiện tại.
Ngả sông Bàn Thạch dẫn vào chợ Vạn. Ảnh: H.X.H |
Tại sao người xưa lại gắn tên Tam Kỳ với tên chợ Vạn trong khi phủ Tam Kỳ xưa, trước đó là huyện Hà Đông, lại bao gồm một phạm vi rộng hơn nhiều? Gọi như thế là có lý do, bởi cho đến khi thành lập phủ Tam Kỳ (1906), khu chợ Vạn xưa vẫn chỉ một “thôn” trực thuộc vào xã Tam Kỳ, tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ. Thôn ấy bắt đầu được “biệt lập thôn hiệu” sau đó 10 năm (1916). Một tư liệu gốc hiện còn lưu trữ tại tộc Hồ - một trong 7 tộc tiền hiền của thôn Tứ Bàn, chợ Vạn - làm chứng cứ cho điều đó.
Từ “Bàn Thạch điền thổ bộ”…
Tư liệu ấy là một bộ địa bạ được lập vào ngày 29 tháng 10 âm lịch năm Khải Định nguyên niên (1916) với đầy đủ chữ ký xác nhận của lý hào thuộc ba địa phương liên hệ là xã Tam Kỳ, xã Dưỡng An, thôn Tứ Chánh Bàn Thạch và bút phê của tri phủ Tam Kỳ đương thời (họ Nguyễn, không rõ tên). Tập “Bàn Thạch điền thổ bộ” này ghi cụ thể 129 đơn vị trích lục đất đai được chứng nhận là thuộc sở hữu của thôn Tứ Chánh Bàn Thạch (gọi tắt là Tứ Bàn) với tổng diện tích là “13 mẫu, mười một xích, một thốn”.
Trong tổng số đất nêu trên chia ra 101/129 đơn vị đất thuộc xứ Truông Dài, 22/129 đơn vị đất thuộc xứ Nhà Núi, 3/129 đơn vị đất do bổn thôn Tứ Bàn phân trưng (trong đó có đất chùa Tam Bảo và đất vườn thuộc chùa này) và 3/ 129 đơn vị đất là nơi tọa lạc các cơ sở thờ tự là miếu Thiên Hỏa, miếu Ngũ Hành và miếu Thành Hoàng. Toàn bộ đất đai kê trên này được tòa Công sứ Pháp ở Hội An, đồn Đại lý Pháp tại Tam Kỳ, phủ đường Tam Kỳ đương thời khám độ và cho phép tách thành một đơn vị hành chánh độc lập; được lập bộ điền thổ riêng - tách biệt hẳn với xã Tam Kỳ (là xã mà thôn Tứ Bàn - chợ Vạn trực thuộc trước đó) vào ngày 2 tháng 2 âm lịch năm Duy Tân thứ 9 (1915).
Từng đơn vị đất nêu trên đều được ghi cụ thể tên từng sở hữu chủ với diện tích và tứ cận rõ ràng, Nhờ vậy, người đời sau không những biết địa điểm tọa lạc của một số miếu mạo, chùa chiền..., biết tên từng chủ hộ dân cư mà còn có thể dựng lại một tờ bản đồ khu Tứ Bàn - chợ Vạn, Tam Kỳ vào thời điểm hai thập niên đầu thế kỷ XX.
Các trang địa bạ có ghi xuất xứ cuộc đất chợ Vạn, ghi tên một số cơ sở thờ tự của dân thôn Tứ Bàn và xác định thời điểm lập bộ địa bạ thôn Tứ Bàn (tư liệu năm “Khải Định nguyên niên”). Ảnh: PHÚ BÌNH |
… đến “Thất phái tiền hiền tự sở”
Căn cứ vào lời khai của lý hào sở tại đính kèm trong bộ địa bạ này, có thể biết “thôn Tứ Bàn” trước năm 1915 là một thôn trực thuộc xã Tam Kỳ, tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Bộ điền thổ của Tứ Bàn được xem là “phụ bộ” của bộ điền thổ xã Tam Kỳ; đến kỳ nạp thuế cũng phải nạp cho xã Tam Kỳ như các đơn vị dân cư khác thuộc phạm vi quản lý của xã ấy. Nói khác đi, về mặt công quyền, đến thời điểm năm 1915 Tứ Bàn chưa được công nhận như một đơn vị hành chính độc lập. Do đó, mọi thiết chế thờ tự đều được xem như “chung” cho cả xã Tam Kỳ; mặc dù có nhiều cơ sở thờ tự đã được cư dân địa phương thành lập từ trước đó như miếu Thành Hoàng, miếu Ngũ Hành, miếu Thiên Hỏa, chùa Tam Bảo...
Vì là một đơn vị “phụ bộ”, chưa thực sự hưởng quy chế là một “làng” nên cho đến khi thành lập bản địa bạ Tứ Bàn, chưa thấy ghi tên trụ sở tiêu biểu cho thiết chế làng là “Thất phái tiền hiền tự sở” (nơi thờ tự tiền hiền 7 phái lập thôn Tứ Bàn, sau quen gọi là đình Tứ Bàn). Và, tuy danh tính Hoa kiều được ghi với số lượng khá đông trong bộ địa bạ, nhưng những trụ sở do cộng đồng Hoa kiều thành lập như chùa Chiêu Ứng, hội quán Hải Nam cũng chưa thấy ghi danh. Có thể cắt nghĩa, do những trụ sở của người Việt và người Hoa nêu trên chỉ mới được xây dựng từ khi thôn Tứ Chánh Bàn Thạch được tách ra thành một đơn vị hành chính riêng với tất cả thiết chế đầy đủ của một làng - dù là một làng nhỏ.
Tìm hiểu qua các cư dân cao niên hiện còn sống ở thôn Tứ Bàn thì được biết: Trước khi Tứ Bàn được “biệt lập thôn hiệu”, 7 tộc Nguyễn, Trần, Hồ, Đỗ Đinh, Huỳnh, Lê (đến vùng chợ Vạn sớm nhất) đã đặt bàn thờ 7 vị tiền hiền trong gian hậu tẩm của chùa Tam Bảo. Sau đó, cư dân người Hoa cũng xin đặt bàn thờ Quan Thánh đế quân vào nơi này để tiện việc thờ tự. Do lẽ đó, vị trí chùa Tam Bảo được gọi là Thất phái tiền hiền tự sở; lại cũng được gọi là chùa Ông. Trước chùa Tam Bảo, người xưa đã xây một cổng tam quan rất bề thế, khảm 4 chữ bằng sứ “Hiệp thiên linh miếu”.
Vì sao “chùa Tam Bảo” lại có tên khác là “Hiệp thiên linh miếu”? Vì sao nơi thờ tự Thất phái tiền hiền lại đặt trong chùa này? Vì sao con cháu Thất phái tiền hiền lại đồng ý cho người Hoa tại chợ Vạn đặt tượng Quan Công vào cùng thờ trong đó? Tất cả điều đó cần được gia công tìm hiểu cẩn thận.
Mấy lời kết
Lai lịch Thất phái tiền hiền Tư liệu gia tộc tộc Nguyễn (tiền hiền thôn Tứ Chánh Bàn Thạch) cho biết thủy tổ là ông Nguyễn Phước Doãn quê gốc làng Vân Thê, tổng Đường Pha, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế) vào vùng Bàn Thạch vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Tư liệu gia tộc tộc Trần (tiền hiền thôn Tứ Bàn) cho biết vị đầu tiên của tộc vào đây là ông Trần Công Mân, quê gốc Nghệ An, ban đầu định cư tại làng Phong Nhất (xã Điện An, huyện Điện Bàn), sau vào buôn bán tại vùng Bàn Thạch khoảng đầu thế kỷ XIX. Tư liệu gia tộc tộc Hồ (đồng tiền hiền thôn Tứ Bàn) cho biết vị đầu tiên đến buôn bán ở vùng Bàn Thạch là ông Hồ Đức Bảo, quê gốc ở làng Tú Tràng, tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa (một số xã ở Phú Ninh hiện nay), cư ngụ tại đây vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Qua tìm hiểu, có thể tạm kết luận: Ông tổ 3 tộc tiền hiền Nguyễn, Trần, Hồ cùng ông tổ các tộc đồng tiền hiền khác là Huỳnh, Đỗ, Đinh, Lê đến vùng chợ Vạn sớm nhất là giữa thế kỷ XVII, muộn nhất là giữa thế kỷ XIX. |
Theo một số tư liệu gia tộc còn lưu lại, đến cuối thế kỷ XIX, chợ Vạn vẫn còn mang tên “Bàn Thạch man” (man: đơn vị dân cư sống ven sông và trên thuyền neo cố định ở ven sông). Các sách Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn) và Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) đều có ghi nhận đơn vị hành chánh “man” này. Đến đầu thế kỷ XX, do cư dân đa số chuyển lên ở trên bờ, “Bàn Thạch man” đổi thành Bàn Thạch thôn. Tên “Tứ Chánh” đứng trước địa danh Bàn Thạch là từ xưa dùng để chỉ nơi có buôn bán (tứ: bày ra, chánh: các hướng; tức bày hàng hóa ra bốn phía để buôn bán).
Như vậy, cư dân Bàn Thạch không phải là những người đến vùng ven các con sông Tam Kỳ sớm nhất. Các vị tiền hiền Thất phái của thôn Tứ Bàn là những người có công thành lập chợ Vạn - khu thương mãi chủ yếu của vùng Tam Kỳ xưa. Đến 2 thập niên đầu của thế kỷ XX, số lượng người Hoa ở chợ Vạn là khá đông nhưng, chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động buôn bán; mọi thiết chế văn hóa, xã hội, hành chính đều do cư dân Việt ở Tứ Bàn thành lập và điều hành. Các cơ sở thờ tự tại đây in đậm dấu ấn văn hóa làng xã Việt Nam. Vì thế, tuy lịch sử thành lập làng khá muộn, chợ Vạn - Tứ Bàn xứng đáng được xem là một trong những địa chỉ văn hóa cần được nghiên cứu và bảo tồn.
PHÚ BÌNH