Ai về Bến Trễ ngó xem...

Phóng sự của MỘC MIÊN 03/11/2018 01:14

Ông Nghĩa, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Bến Trễ xã Cẩm Hà (Hội An) nói qua điện thoại: “Ô nhiễm môi trường vẫn còn, nhưng có đỡ hơn”. Ông mắc họp ở xã nên không thể gặp được. Tôi phóng xe vô thôn, chưa tới đầu thôn, dò hỏi, một bà nói: “Ui trời, ở phía trong nớ, bác có đứa cháu nhà gần chỗ trại heo gà, khổ trăm bề vì hôi”.

Nhiều trại chăn nuôi quây kín sát khu dân cư Bến Trễ.Ảnh: MỘC MIÊN
Nhiều trại chăn nuôi quây kín sát khu dân cư Bến Trễ. Ảnh: MỘC MIÊN

1. Một cậu chừng 20 tuổi, đang lướt điện thoại trong quán cà phê, nói xéo qua từ góc bên kia: “Viết làm răng mà để họ dẹp nghĩa trang đi”. Ông Nguyễn Ngọc Tân, cán bộ hưu trí, nay 81 tuổi, nói: “Chú hoạt động vùng ni từ thời chống Pháp. Chỗ mình ngồi đây nguyên là mồ mả với xương rồng. Sau giải phóng, thực hiện giãn dân, di dân nên bà con lên đây. Điện, nước làm chi có. Hiện chừ cũng còn các tổ 31, 32 dùng giếng đóng. Vì sát nghĩa địa nên nước ô nhiễm. Chú có người quen làm ở nhà máy nước, năm 2000 có lần lấy thử một chai đem phân tích, kết luận là ô nhiễm nghiêm trọng, trong nước có lớp váng mỡ. Ở đây, mùi hôi từ mấy trại  chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc, bay mùi xuống tận dưới phố. Dân kêu la, kiện cáo, đơn trương, nói khách quan là thành phố vào cuộc liền, chú nhớ hồi ông Sự còn làm, ổng lên tận đó, gọi về Sở TM-MT tỉnh đề nghị can thiệp, nhưng rồi cũng chịu thôi”.

Tôi chạy xe qua khu vực tổ 18, nơi  phát ra mùi hôi. Đường cát chật chội chèn lìa bánh xe. Một bên là dương liễu, một bên là tường bê tông cao quá đầu. Những trại gà, heo, tường rào kín, bốc mùi hôi kinh khủng. Bên kia tường bê tông, tiếng máy xay ầm ầm của nhà máy bê tông Việt - Hàn. Tôi tấp xe vào nhà cuối xóm sát hàng rào bê tông, anh Dương Tấn Hiệp tiếp chuyện liền: “Mưa, gió bấc thì hôi, nắng thì ruồi. Mùa mưa rồi, tụi tôi kêu là mùa ruồi, ruồi bu đen nhà luôn, mấy năm trước tôi nhậu, bưng dĩa mồi vô mùng ngồi, nay ra quán cho chắc ăn”. Anh cười chua chát. “Chưa hết đâu, mùa mưa, cá tươi sấy ở cơ sở chế biến thức ăn gia súc, hôi lắm”. Anh kéo tay tôi ra sau nhà: “Đó là nhà máy rác và nhà hỏa táng. Rác cả thành phố đổ về đây. Còn nhà hỏa táng rứa đó, cũng thành nơi chứa rác. À, răng là 10 trại” - anh bác liền khi tôi nhẩm có chừng 10 trại nuôi heo, gà, vịt ở đây - “hơn chứ, tùm lum, tính chi hết. Anh coi, gió tây thì mùi hôi trại gia súc, nhà máy cá; gió nam thì mùi rác, dù nhà máy đó xử lý đốt thì vẫn có mùi; ở đây là nghĩa địa cũ, nên ai hỏi tôi ở đâu, tôi nói liền ở nơi xác - rác - cát. Chứ chi nữa, nghĩa địa, rác thải ô nhiễm, rồi đây chỉ có cát. Bà con ở đây làm đơn kêu như cắt họng mà có được chi mô. Ở đây ai bị xoang, viêm mũi dị ứng là biết liền, quanh năm khạc với nhổ. Khách tới nhà chơi, một lần là không dám quay lại. Đó đó, hỏi ông nớ là biết…”.

Nhà hỏa táng dừng thi công từ năm 2012.
Nhà hỏa táng dừng thi công từ năm 2012.

2. “Ông nớ” tên là Lê Trung, nhà đối diện ông Hiệp, chuyên trồng quật. Ông Trung vào sân, thở ra chán ngán: “Phóng viên tới rồi, cũng rứa thôi. Hôi thối là thừa, chỉ có khí sạch là thiếu”. Ông trồng quật, mà như lời ông là hơn bốn nghìn cây. “Đất tôi có hơn bốn nghìn mét vuông, nghe nói ở đây chuẩn bị giải tỏa để làm nghĩa trang”. “Tôi trông giải tỏa, đi trất cho rồi, chứ ở đây trước sau cũng lãnh bệnh vì hôi thối”. “Nhưng đi là đi răng chứ?” - ông Trung quay qua ông Hiệp - “nói thì rứa nhưng đừng tưởng dễ”. Âu lo trùm lên mắt ông, kèm theo giọng tha thiết: “Mời anh qua vườn tôi mà coi, lo lắm”.

Tôi theo ông ra vườn. Đất mênh mông. Ông nói như phân trần: “Nói thiệt với anh, tôi lo lắm. Nếu như giải tỏa, tôi sẽ được tính đền bù ra răng? Đất của tôi có sổ là gần 700 mét vuông, còn lại là đất Nhà nước. Mười mấy năm trước, đây là đất trũng, cỏ lùng, cỏ ống. Đây” - ông chỉ miếng đất chừng mấy chục mét vuông sót lại chưa cải tạo - “nguyên đất ni là rứa đó”. “Mất bao nhiêu công cải tạo?”. “Làm răng mà tính được. Tôi đã kêu mấy chục xe công nông, cuốc nhổ cỏ, lấy đất phèn lên, chở đi, rồi chở cát đổ xuống lại”. Ông xoay qua tôi, lo lắng: “Nếu họ giải tỏa, họ tính cho tôi răng?”. “Thì anh có đất vườn, đất ở, công bồi trúc, họ sẽ tính hết”. “Nghe nói làm nghĩa trang, nhưng có chắc làm không, nếu họ không nói thiệt mà lấy đất bán cho doanh nghiệp thì răng?”. “Tôi không nghe thông tin này, nhưng nếu có, bà con phải có ý kiến liền”. “Chúng tôi chấp nhận di dời để tránh ô nhiễm môi trường, nhưng chính sách đền bù, hỗ trợ, đất sản xuất ra răng, đó là quan trọng nhất”.

Ông Trung và nỗi lo phải ra đi.
Ông Trung và nỗi lo phải ra đi.

Chưa biết sẽ thế nào, nhưng một mớ… nỗi niềm đang thường trực ở người dân Bến Trễ. Cái lò hỏa táng ấy, trị giá 12 tỷ đồng, tôi đã vào một lần cách đây bốn năm, dở dang, giờ vẫn như thế, đầu tư xây dựng kiểu “đầu voi đuôi chuột”, trơ gan cùng tuế  nguyệt, cỏ rác lút chân, hoang tàn, lại thành nơi cho các đệ tử của “cái chết trắng” tập trung tới hút chích, kim tiêm bao bì loạn xạ. Được phê duyệt từ năm 2004, dự tính 2006 đưa vào sử dụng, nhưng không biết đến bao giờ nó mới… khai trương. Trong khi đó, nghĩa trang xã Cẩm Hà đã chật cứng, chỉ còn một diện tích rất nhỏ, nguy cơ hết chỗ chôn cất hiện hữu. Hiện tại Hội An, tổng diện tích để chôn cất,  làm nhà hỏa táng, tang lễ chỉ có khoảng 169 héc ta, tập trung chính ở Cẩm Hà và Thanh Hà. Chính quyền, nếu như không tiếp tục đầu tư nhà hỏa táng, thì người chết sẽ không có chỗ nằm trong nghĩa trang. Bức bách kinh khủng về nhu cầu chôn cất đã được đặt ra từ lâu. Hỏa táng, là chuyện đương nhiên, không có đường lùi. Mà khi chưa làm được thì phải giải tỏa dân để mở rộng nghĩa trang. “Tôi hỏi anh, 12 tỷ đồng đem phơi rứa, tiền ai?” - ông Trung gay gắt. Một chủ trương đúng của chính quyền Hội An, đã bị bỏ trôi. Thấy mà xót tiền thuế của dân, nguyện vọng của nhiều người. Thông tin mới nhất là thành phố quyết xem xét tái đầu tư để… giải nhiệt chôn cất! Khu Bến Trễ  nằm trong phương án di dời để mở rộng nghĩa trang, nhưng cả thôn mấy trăm hộ dân đã định cư ổn từ mấy chục năm qua, ra đi đâu có dễ, trong khi quỹ đất của thành phố không còn nhiều. Giải bài toán dân sinh, từ chỗ ở đến công việc, không đơn giản chút nào.

3. “Chưa đi được thì phải chịu xác - rác - cát thôi” - ông Hiệp cười như mếu. Chuyện mùi hôi ở những khu trại chăn nuôi, TP.Hội An bó tay bao nhiêu năm qua, chỉ vì một lý do đơn giản: các trại đó nằm trên đất Điện Dương thị xã Điện Bàn! Muốn can thiệp, phải là tỉnh. Chuyện đặt nhà máy, trại chăn nuôi gây ô nhiễm sát khu dân cư, là “chuyện thường ngày ở huyện”, không phải riêng Hội An - Điện Bàn chi hết, mà rất nhiều nơi cũng vậy. Tôi đứng ngó mấy cái trại quây kín, vẳng ra tiếng gà heo kêu, nghĩ đến điểm nghẽn bao nhiêu năm rồi trong tư duy quản lý của những người có trách nhiệm, loanh quanh khoanh vùng đâu đó mà không ngó ra cho rộng, dự lường 10 - 20 năm nữa sẽ ra sao, mới được vài ba năm là bể chuyện ra, thế là cố chạy tìm… nước dập lửa.

Tầm nhìn hạn hẹp trong chỉ đạo, là giềng mối của những rắc rối lớn, có khi xuất phát từ những chuyện tưởng chừng nhỏ. Nói đâu xa, nhà máy thép ở Điện Bàn gây ô nhiễm khu dân cư, thành điểm nóng, di dời đi phải đền bù cho người ta chứ không phải ưng trồng là trồng, ưng nhổ là nhổ. Thông tin là đưa lên Nam Giang, chỗ khu vực Khe Hoa. Đó là đầu nguồn nước, dân tình lo lắng, cả TP.Đà Nẵng cũng phản ứng.

Mang vội khẩu trang vào, nhớ lời ông Trung tha thiết về chuyện ở - đi, lo nghĩ bị chính quyền giải tỏa bán đất cho doanh nghiệp, tôi phì cười. Hôi hám kiểu ni, ngó dưới chân là cát và mồ mả, cho vàng chưa chắc họ vào…

Phóng sự của MỘC MIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ai về Bến Trễ ngó xem...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO