Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đằng đẳng hơn hai thập niên của dân tộc, có biết bao người con miền Bắc đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Những tâm tư, suy nghĩ của các anh được ghi lại qua các trang thư, nhật ký để rồi khi hậu thế bắt gặp không khỏi giật mình ám ảnh về một thời ông cha ta đã sống. Một trong số đó là liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh, quê ở xã Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), nguyên trợ lý tác chiến Tiểu đoàn 2 (V25) Mặt trận Quảng Đà. Trong nhật ký của mình, anh viết: “Ai về đất Quảng sao quên/ Dốc Bu, Ông Thủ chiến công lẫy lừng”.
Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm, nhưng “Nhật ký Hoàng Lếnh” vẫn mang trọn sự gian khổ của một thời “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”: “Sau khi bước chân đến khu vực này chúng tôi đã phải chịu đựng một mức độ gian khổ chưa từng thấy không những về sinh hoạt ăn uống mà căng thẳng về tình hình địch. Những ngày đầu mới lên chúng tôi phải ngủ mỗi người một công sự, có những hôm trời mưa rét mướt, ướt đẫm và thức trắng bởi chưa củng cố được chỗ ở thậm chí nước uống cũng không có phải uống nước hố bom… Có những hôm trời gió như bão, đi bị ngã, chúng tôi phải đốt lửa sưởi”. Những năm 1968 - 1970, địch liên tục càn quét, đánh phá vùng A, B (Đại Lộc) và tây Duy Xuyên - những địa điểm Tiểu đoàn 140 đứng chân. Vì vậy, cái tết của bộ đội hết sức đạm bạc. Đêm giao thừa năm Canh Tuất - 1970 được Hoàng Lếnh ghi lại: “Toàn đại đội ngồi quây quần ở một chiếc hầm và ăn bữa cơm cuối năm là một chén bắp hầm. Sau khi nghe anh Thép - Đại đội phó nói chuyện ngày tết, chúng tôi không sao nén nổi xúc động nhớ quê, có đồng chí phải rớt nước mắt rồi lại ra về. Còn tôi đêm đó ở lại nghe đài nhưng vì đói và mệt, tôi đã ngủ thiếp đi không biết giao thừa qua lúc nào. Những ngày sau đó, tình hình lại càng trở nên trầm trọng, cả đại đội hơn 40 người mà trong kho không còn một hạt gạo, chỉ còn khoảng một cân muối và nửa lon mì chính”.
Những trang nhật ký của liệt sĩ Hoàng Lếnh.Ảnh: NGUYỄN SỸ LONG |
Điều kiện chiến trường gian khổ thiếu thốn, người lính phải luôn đối mặt với “bốn Đ”: địch, đói, đau, đạn, nhưng các anh đã sống, chiến đấu thật kiên cường. Có lẽ không còn sự thật nào “thật” hơn những trang nhật ký của người trong cuộc. Hoàng Kim Lếnh đã chứng kiến, trực tiếp chiến đấu và ghi lại: “Trận 29.8.1972: Tôi ở hầm chỉ huy. Lúc này bọn ngụy nhào vào cách 20m. Sau bị đánh mạnh, chúng lui ra nằm bắn vào và gọi cối, pháo, máy bay tới bắn xối xả. Đến 6 giờ tối, chúng gọi 15 xe từ Điện Hồng xuống để hỗ trợ nhưng chúng tôi đã chiến đấu và bắn cháy 6 chiếc. Cuộc chiến đấu kéo dài tới 20 giờ tiếng súng con mới yên, chỉ còn những đợt pháo bắn từ Bồ Bồ tới. Chúng tôi rời vị trí theo đường cầu Kỳ Lam tới Gò Nổi (Điện Quang) dừng ở đó”. Sau trận đánh ở Điện Nhơn (Điện Bàn), bước chân của người cán bộ trinh sát Hoàng Lếnh lại tiếp tục in dấu trên nhiều địa danh như: Xuyên Thanh, Vùng B Đại Lộc, Châu Ký... Để rồi có thêm những trận đánh: “Tôi lúc này chỉ còn một băng đạn và 4 lựu đạn. Bọn địch vào cách tôi 50m. Tôi thấy rất nguy nhưng quyết chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Tôi vừa bắn vừa ra hiệu cho Sáu và T. lui về phía sau. Thấy chỉ còn một súng ở một hướng, bọn ngụy dựa vào xe đông đã dẫn đi tới. Tôi lúc ở chỗ này, lúc chỗ khác ra bắn nghi binh” (trận chốt điểm Châu Ký ngày 1.2.1973).
Đọc những trang nhật ký được viết trong khói bom, lửa đạn, tôi có cảm tưởng Hoàng Lếnh không phải viết cho mình mà viết cho lịch sử. Tiếc rằng dòng nhật ký đã không đi hết cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Người con miền Bắc đã vĩnh viễn nằm lại trên đất mẹ Quảng Nam ngày mùng 2.8.1974. Nhân dân, đồng đội nơi đây sẽ luôn nhớ tới anh, cũng như anh từng viết “Ai về đất Quảng sao quên” khi đặt chân đến vùng đất này.
NGUYỄN AN KHÁNH