Ai về Kỳ Bích - Tam Xuân

LÊ NĂNG ĐÔNG 25/10/2014 08:34

“Ai về Kỳ Bích Tam Xuân/ Dừng nghe câu chuyện nhân dân kể rằng/ Có người phụ nữ anh hùng/ Vì dân vì nước chết không nề hà/ Đó là chị Ái thôn Ba...”. Trong những ngày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng ác liệt, những câu vè trên được cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Kỳ Hưng, Kỳ Bích nói riêng, nhân dân đất Quảng nói chung truyền tai nhau, nhằm ca ngợi sự hy sinh anh dũng của chị Nguyễn Thị Ái - một đảng viên, cơ sở cách mạng kiên trung của mảnh đất Kỳ Bích, Kỳ Hưng (nay là xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2, huyện Núi Thành). Đồng thời thổi bùng ngọn lửa cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trong những ngày kháng chiến.

Sau Hiệp định Giơnevơ, phong trào cách mạng gặp muôn vàn khó khăn. Ở xã Tam Xuân cũng như các địa phương khác, ta thực hiện việc giải tán tổ chức đảng. Cán bộ đảng viên một phần đi tập kết ra miền Bắc, một bộ phận được bố trí ở lại hoạt động. Lúc này địch chia xã Tam Xuân thành hai xã Kỳ Hưng (nay là xã Tam Xuân 2) và Kỳ Bích (nay là xã Tam Xuân 1), số cán bộ kiên trung được bố trí ở lại có các đồng chí Mười Chấp (Đỗ Thế Chấp), Tư Chuyển (Vũ Ngọc Hải), Đỗ Viết Can, bí mật hoạt động xây dựng cơ sở thông qua cơ sở hợp pháp - Nguyễn Thị Ái.

Nguyễn Thị Ái, sinh năm 1926, tại Vĩnh An, xã Kỳ Hưng, nhưng lấy chồng và sinh sống tại thôn 3, xã Kỳ Bích. Năm 1954, chồng đi tập kết, Nguyễn Thị Ái một mình lam lũ nuôi mẹ già và 3 đứa con thơ. Hàng ngày chị dạo hết làng trên xóm dưới của xã Kỳ Hưng, Kỳ Bích rồi đến Kỳ Trung, Đức Bố (nay thuộc xã Tam Anh, Núi Thành) để buôn bán hàng hóa, thực phẩm, có lúc bán bánh xèo hoặc mỳ Quảng. Nhưng có ai biết chị Ái là cơ sở bí mật của Huyện ủy. Ngoài việc bí mật cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, chị làm nhiệm vụ đưa, chuyển tài liệu. Trong suốt những năm 1955 - 1960, chị Nguyễn Thị Ái đã làm tốt nhiệm vụ liên lạc cho cán bộ nằm vùng của huyện, đồng thời cung cấp lương thực, thuốc men cho các đồng chí hoạt động. Thời gian này, địch không hề hay biết hoạt động của chị, ngoài việc chúng chú ý đến chị với lý do có chồng tập kết ra miền Bắc.

Thế rồi vào một đêm đầu tháng 7.1960, địch tổ chức một cuộc mít tinh tại thôn 3 Kỳ Bích. Nhưng đúng đêm đó, như đã hẹn từ trước, các đồng chí Vũ Ngọc Hải, Đỗ Viết Can sẽ về lấy lương thực, thực phẩm, thuốc men. Do đó chị Ái cáo bệnh với tên liên gia trưởng là bị ốm không đi được. Khuya hôm đó, đồng chí Vũ Ngọc Hải, Đỗ Viết Can về nhận hàng, vừa xong thì bất ngờ bị bọn dân vệ đi kiểm tra, nhưng thực chất chúng có mật báo rằng: cộng sản từ Tam Tiến lên. Nghe tiếng chó sủa ngoài sân, biết đã bị bọn dân vệ phát hiện, chị Ái ra hiệu cho các đồng chí rút ra ngoài. Khi rút lui, các đồng chí Vũ Ngọc Hải, Đỗ Viết Can bị bọn địch phát hiện, bủa vây. Trong lúc chống trả, các đồng chí của ta bắn một tên dân vệ bị thương, số còn lại bỏ chạy tán loạn. Các đồng chí Vũ Ngọc Hải, Đỗ Viết Can thoát đi trong đêm tối.

Biết mình không thoát khỏi tay kẻ thù, chị dặn dò mẹ và các con: “Cả nhà phải bình tĩnh. Nếu chúng có hỏi gì thì một mực trả lời: Tôi ngủ mê không biết gì! Nếu chúng có đánh đập dọa dẫm gì cũng ráng chịu, không được khai lung tung. Nếu khai lung tung, chúng càng đánh đập, thậm chí giết chết...”. Một lát sau, có toán dân vệ kéo đến nhà chị Ái lục soát và tra khảo. Chúng hỏi chị Ái: “Chồng mày hay thằng nào về bắn chết dân vệ? Cả nhà muốn sống thì khai thật, quốc gia sẽ khoan hồng, còn không thì cả nhà phải đền tội”. Chị Ái bình tĩnh trả lời: “Các ông sáng suốt suy xét. Thật tình cả nhà tôi không hay biết gì hết... Đang ngủ, nghe tiếng la hét, tôi dậy thắp đèn, mở cửa thì các ông tới”. Một tên dân vệ quát to: “Mày ngoan cố, để rồi mày giỏi... Trói nó lại, giải về trụ sở”. Sau đó chúng cũng bắt mẹ và các con của chị giải về trụ sở xã Kỳ Bích, giam tại nhà thông tin xã.

Tức tối vì để vuột mất cộng sản nằm vùng, bọn địch tra tấn chị Ái hết sức dã man nhằm khai thác thông tin. Chúng trói chị nằm trên một chiếc bàn, căng hai tay hai chân, rẽ đôi mái tóc quấn vào hai chân bàn và bắt đầu tra tấn với nhiều hình thức vô cùng dã man... mặc những tiếng la hét của chị. Chúng đã đóng đinh vào 10 đầu ngón tay của chị, rồi tẩm xăng đốt... Dù phải chết đi sống lại nhiều lần trước đòn roi của kẻ thù nhưng chị Ái vẫn kiên trung, giữ vững ý chí cách mạng. Không thể khuất phục được ý chí của chị Ái, tối ngày 23.7.1960 (nhằm ngày 30.5 năm Canh Tý), địch đưa chị Ái ra bắn tại miếu Kỳ Yên. Để che giấu hành động dã man của mình, chúng vu cáo rằng, trong lúc dẫn chúng đi lấy tài liệu, chị Ái bỏ chạy nên bị bắn chết.

Nhằm ghi nhớ công lao và những đóng góp của chị Nguyễn Thị Ái đối với phong trào cách mạng, ngày 24.6.2005, Chủ tịch nước đã truy tặng chị danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước tặng thưởng cho người con gái kiên trung.

(Ghi theo lời kể của đồng chí Đỗ Viết Can - nguyên Huyện ủy viên Huyện ủy Tam Kỳ phụ trách phong trào cách mạng xã Tam Xuân lúc bấy giờ và các nhân chứng cùng thời).

Để ca ngợi sự hy sinh anh dũng của chị Nguyễn Thị Ái, đồng thời thổi lên ngọn lửa đấu tranh chống kẻ thù, một bài vè phát động phong trào thi đua yêu nước, đánh giặc theo gương của chị Ái đã được sáng tác và phổ biến trong toàn quân và dân trên địa bàn Quảng Nam. Toàn bộ nội dung bài vè như sau:

“Ai về Kỳ Bích - Tam Xuân,
Dừng nghe câu chuyện nhân dân kể rằng,
Có người phụ nữ anh hùng,
Vì dân vì nước chết không nề hà.
Đó là chị Ái thôn Ba,
Đầu đuôi câu chuyện xảy ra thế này:
Sống trong tủi nhục đắng cay,
Của quân Mỹ Diệm ngày ngày khảo tra,
Chị Ái hiểu được chính tà,
Chị tìm cách mạng tham gia phong trào,
Một đêm mưa gió ào ào,
Có anh cán bộ ghé vào nghỉ chân,
Bỗng đâu dân vệ mấy thằng,
Nó vào lục soát ngoài sân, trong nhà,
Thấy anh cán bộ của ta,
Nó liền hò hét kêu la om sòm,
Bỗng nghe một tiếng nổ đùng,
Một thằng dân vệ trước sân ngã nhào,
Chúng liền bắt chị đi ngay,
Đem về trụ sở ngày ngày khảo tra,
- Con này mày hãy khai ra!
Mấy thằng Việt Cộng trong nhà phải không?
- Ta đây vì nước vì dân,
Mi đừng che giấu cái quân giết người.
Căm thù giặc cướp trào sôi,
Đành lòng chị nói tao không biết gì,
Chúng liền đánh chị ngất đi,
Bầm mình, bầm mẩy đen sì cả thân,
Rồi chúng lấy giẻ tẩm xăng,
Chúng đem đốt chị tay chân sưng vù,
Qua bao tra tấn ngục tù?
Nhìn thân thể chị quân thù khiếp kinh,
Hôm sau tại miếu Kỳ Yên,
Chúng đem bắn chị giữa đêm tối trời,
Một phát súng nổ vang trời,
Chị liền ngoảnh mặt hô to:
“Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”
Tiếp một phát nữa trúng xuyên qua người,
Sắc máu tươi tràn cả thân tàn,
Chị gắng ngập ngừng hô to:
“Chúng con vĩnh biệt Bác Hồ!”
Chị liền ngã xuống bên bờ ruộng xanh,
Quân thù khiếp vía hồn kinh,
Liền rơi tay súng lạnh lùng,
Chị ơi chị đã chết rồi!
Đàn con của chị sống mãi với đời mai sau,
Nhân dân nguyện hiến mai sau,
Thành gươm, thành súng chém đầu Mỹ Ngô”.

LÊ NĂNG ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ai về Kỳ Bích - Tam Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO