Hạ Nông, xưa là một tổng nằm gần phủ lỵ Điện Bàn. Nay, đó là mảnh đất mà cái lõi là xã Điện Phước, được bao bọc bởi các dòng sông, lạch nước mang theo tình tự xứ sở như Thu Bồn, Câu Nhí, Bình Long… Bề dày lịch sử và văn hóa của đất ấy, bồi đắp qua bao tháng năm, như một lời gọi mời về vùng quê đang ngày một thay da đổi thịt…
Theo bước chân của vua Lê Thánh Tông đi mở cõi, các bậc tiền nhân đặt chân vào Điện Bàn, xứ Quảng, rồi khẩn hoang, lập làng lập xã. Hạ Nông xã, Câu Nhí xã, Châu Minh xã, Mỹ Á xã… những cái tên xưa cũ đã từng lưu dấu trong “Bắc địa tấu từ”. Và trong “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An biên soạn năm 1553, các làng của Hạ Nông xưa, Điện Phước nay, đã được xác lập như Nông Sơn, Minh Châu, Bất Nhị… Nhắc đến Bất Nhị, ai là người Quảng mà không nhớ câu hát ru: “Bồng em mà bỏ vô nôi/ để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An”. Hương cau Bất Nhị nồng đượm đã tác tạo nên hình hài, tư chất của những người con Điện Phước vang danh tên tuổi như chí sĩ Duy tân Trần Quý Cáp, hay cử nhân Mai Dị,…
Tham quan cánh đồng mẫu lớn xã Điện Phước. Ảnh: VĂN SỰ |
Lịch sử vang danh
Chỉ có hơn 11 cây số vuông, nhưng Điện Phước quần tụ đến 12 ngôi làng cổ, 50 tộc họ. Xã được thành lập vào tháng 11.1948, trên cơ sở hợp nhất 4 xã Quý Cáp, Hiệp Lực, Nông Chánh, Liên Châu. Xã Quý Cáp hẳn là lấy tên của người chí sĩ sinh ra ở làng Bất Nhị. Cụ Trần Quý Cáp (1870 – 1908) cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, hợp thành “bộ ba Quảng Nam” nổi tiếng, khởi xướng phong trào Duy tân với triết lý “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” còn giá trị đến vô bờ. Bên cạnh cụ Trần có cử nhân Mai Dị (1880-1928), đỗ đạt nhưng không ra làm quan và lui về quê, cùng các nhà Duy tân mở trường dạy học. Ông từng tham gia sáng lập và dạy học tại trường Diên Phong, bị giặc Pháp nghi án và bắt bỏ tù trong phong trào Kháng thuế năm 1908. Ở Điện Phước còn có tên tuổi vang danh là nhà ngoại giao Nguyễn Thành Ý. Cụ Thành Ý quê từ Túy La qua cư trú tại Bất Nhị, là một trong “Ngũ tử đăng khoa” (5 anh em trong một nhà có 3 người đỗ tú tài, 3 cử nhân). Cụ Nguyễn Thành Ý từng được vua Tự Đức cử làm Tổng lãnh sự tại Sài Gòn - Gia Định.
Dâng hương tưởng niệm tại nhà bia ghi công các anh hùng liệt sĩ Điện Phước. |
Sớm có những con người yêu nước làm ngọn cờ nên phong trào tranh đấu giành quyền tự do, độc lập được phát động rất sớm. Trong hàng ngũ Nghĩa hội Quảng Nam, Điện Phước từng có cụ Tú Năm (Trương Trọng Hữu), tổ chức cho nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu trú ẩn làm bàn đạp tấn công thành tỉnh La Qua. Sau đến phong trào Kháng thuế, cụ Hữu cũng là người dẫn đầu đoàn dân đi kiện, vây phủ đường. Có lẽ được xem là một cái nôi của văn hóa và yêu nước, nên năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của phủ Điện Bàn chọn làng Bất Nhị, Điện Phước để thành lập với 3 đồng chí Nguyễn Thành, Nguyễn Tụy, Đỗ Thành, do Nguyễn Thành làm Bí thư. Nguyễn Thành bị bắt vào cuối tháng 10.1930, giam tại lao Hội An, bị chỉ điểm khai báo nên kẻ thù tra tấn dã man và hy sinh, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thâm lúc đó có đôi câu đối tưởng tiếc ông: “Nhớ lúc treo cờ đỏ, rải truyền đơn, chủ nghĩa Mác mở rộng tuyên truyền gắn nửa tỉnh nghe theo, thuở ấy vui mừng cùng lý tưởng/ nay thân chốn tù này, nơi khắc ngục, bọn đế quốc thẳng tay đàn áp ba kỳ tù tội, ngày kia thành tựu tiết tri âm”. Cũng tại Bất Nhị, năm 1945 thành lập chi bộ đảng, được xem là chi bộ đầu tiên của Đảng bộ xã Điện Phước.
Đất Điện Phước trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ (1945-1975) ghi dấu nhiều đau thương mà anh dũng. Bom đạn chiến tranh đã hủy hoại, thiêu cháy gần nửa vạn nhà ở, đình chùa, trường học, nhà thờ tộc, còn tổn thất và di chứng thương đau của đồng bào nơi đây không thể nào đo đếm hết. Hơn 1.500 người con Điện Phước đã thoát ly tham gia kháng chiến, trong đó quá một nửa trở thành liệt sĩ, và gần 700 dân thường thiệt mạng vì bom đạn giặc. Đau thương là vậy nhưng Điện Phước đã đứng lên cầm súng đánh giặc bảo vệ xóm làng, làm nên chiến công còn vang mãi như các trận Bình Long, Nông Sơn, cây số 3, cây số 6, Cống Cửu Duật, Cống Ca… Vì những thành tích đó, Điện Phước đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Xanh thắm đồng quê
Phát hành công trình “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Phước (1945-1975)” Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ Điện Phước còn chú trọng việc đền ơn đáp nghĩa, xây dựng các công trình tri ân anh hùng liệt sĩ, chăm lo phụng dưỡng người có công… Trong dịp kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng quê hương năm nay, Điện Phước phát hành công trình “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Phước (1945-1975)”. Đây là công trình biên soạn công phu với những khái quát về địa chí, lịch sử vùng đất, mô tả hành trình 30 năm đấu tranh đầy gian khổ hy sinh và cũng đầy anh dũng, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Điện Phước. “Phát hành cuốn sách này, cùng với kỷ niệm 69 năm Chi bộ Bất Nhị, là dịp để “ôn cố tri tân”, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, nhằm xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh trên hành trình phát triển Điện Phước ngày càng phồn vinh”- ông Phạm Phú Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Điện Phước giãi bày. |
Điện Phước giờ là vùng quê đặc trưng với sắc xanh ruộng đồng, vườn cau, biền bắp… Trong quy hoạch phát triển đô thị Điện Bàn, Điện Phước giữ vai trò là vành đai xanh, nơi gió ngoại ô còn giữ hương thơm đồng nội. Vì vậy, trong mấy năm trở lại đây, Điện Phước tập trung xây dựng nông thôn mới. Trên những cánh đồng đầy thương tích chiến tranh khi xưa như La Hòa, Hạ Nông, Nông Sơn… đã thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Xã đã quy hoạch và xây dựng vùng chuyên canh lúa giống 200/500ha, vùng sản xuất lúa chất lượng cao rộng hơn 100ha. Cây lúa Điện Phước hôm nay không chỉ cho gạo thơm, mà còn cho giống chất lượng cao. Nhớ xưa, có cuộc càn “Tám thơm ly thị” của liên quân Mỹ ngụy kéo theo lũ gặt cướp lúa, người dân Điện Phước đã phải liều mình chặn đầu xe tăng giặc. Mẹ Mới là người mẹ dẫn đầu đoàn quân tay không đấu với giặc, giành giật từng hột gạo của làng, để lại bài ca: “Ai về qua đất Hạ Nông/ Có bà mẹ Mới bên sông Thu Bồn…”. Nay thì trên cánh đồng ấy, người dân tự do làm lụng, gặt hái thành quả của mình. Nhờ sản xuất chuyển biến đa ngành, đa nghề, nhất là sự phát triển bền vững của nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,84%. Cũng nhờ xây dựng nông thôn mới, Điện Phước có mạng lưới điện -đường - trường - trạm khá cơ bản, đường giao thông nông thôn kéo ra tận đồng. Thu nhập của người dân cải thiện khá rõ, bình quân thu nhập đầu người đã đạt 21 triệu đồng/năm.
Về Điện Phước hôm nay, theo con đường tỉnh lộ 100 lên Ái Nghĩa, vừa qua cây tháp Bằng An là gặp những khu vườn nối tiếp, thấp thoáng bóng cau che mát. Phía lạch Bình Long, hay từ Thu Bồn qua, cả biền bãi ngút ngàn rau quả. “Sông Thu Bồn xuôi về Cửa Đại/ lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn…”, từ vùng đất này men theo sông sẽ ra phố, từ phố Vĩnh Điện đến Đà Nẵng. Nguồn mạch ấy vẫn tưới tắm phù sa đất này, để cau Bất Nhị còn võng ru hồn người, để Điện Phước vang danh trong lịch sử, văn hóa sẽ tiếp bước đi lên…
NGUYỄN ĐIỆN NAM