Nhà văn Canada Alice Munro, người giành giải thưởng Nobel Văn học 2013, là tác giả nổi tiếng với nhiều tập truyện ngắn, được xem là Anton Chekhov và James Joyce của Canada. Với bạn đọc Việt Nam, Alice Munro được biết qua tập truyện Trốn chạy, một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của bà, được NXB Văn học ấn hành năm 2012.
“Trốn chạy” là tựa đề tập truyện dịch từ tiếng Anh có tên Runaway, gồm tám truyện ngắn với nhan đề ngắn gọn: “Trốn chạy”, “Tình cờ”, “Sắp rồi”, “Nín lặng”, “Đam mê”, “Báng bổ”, “Mắc lỡm” và “Thần lực”. Có thể nói, mỗi truyện trong “Trốn chạy” chứa đủ chuyện đời để lấp đầy một tiểu thuyết điển hình. Mỗi truyện ngắn trong tập truyện khắc họa một nhân vật điển hình. Đó là một cô gái trẻ thuộc tầng lớp lao động nơi miền quê Ontario có cá tính độc lập nhưng lại quá phụ thuộc trong tình yêu (hoặc tưởng là tình yêu), hay một phụ nữ già, từng trải và trí tuệ phải đối diện với những rắc rối của riêng mình…
Đặc biệt, “Trốn chạy” cũng là truyện ngắn đầu tiên, được lấy tên làm nhan đề cho cả tập, kể về hai cuộc trốn chạy: nhân vật nữ chạy trốn khỏi người chồng lỗ mãng, và con thú cưng chạy trốn khỏi cô. Chuyện xảy ra tại một trang trại nơi hai vợ chồng Carla và Clark sống nhờ nghề nuôi ngựa thuê. Qua những tình tiết đơn giản của cuộc sống hằng ngày, tác giả dần đẩy dồn người đọc đến cảm giác bức bí, ngột ngạt không chỉ do thời tiết nóng dần lên, mà khi nhận ra Carla phải sống chung với người chồng thô lỗ, cộc cằn. Anh xô xát với đám chủ nợ, gây sự ở một hiệu thuốc hay quán cà phê, và cục cằn với cả con ngựa Lizzie mà anh được thuê nuôi. Chuyện được lồng vào một tình tiết phụ khi Clark biết rằng ông hàng xóm Jamieson mới mất từng nhận được món tiền lớn cho một giải thưởng thơ, và anh âm mưu “bắt lão ta phải trả giá” và buộc Carla phải sang nói chuyện với bà Jamieson, nhưng chi tiết này lại bộc lộ khá rõ ràng ý tưởng nội dung. Hầu như mỗi nhân vật nữ đều phụ thuộc vào đàn ông, quá khứ, nơi chốn, và nỗi cô đơn; nhưng ở tầng sâu đó là cảm giác của kẻ xa lạ, khi mà trong “Trốn chạy”, đàn ông gây nên nỗi bức bí, quá khứ luôn là hiện tại, nơi chốn là điểm cách ly cảm xúc, và nỗi cô đơn là phản hồi đầy bất an của khao khát yêu thương.
“Tình cờ”, “Sắp rồi” và “Nín lặng” là chùm truyện ngắn có móc xích khá liên quan đến nhau, nói về cùng một nhân vật và theo diễn biến tuyến tính, tạo nên hiệu ứng chồng lớp, làm tăng ảnh hưởng và chiều sâu cho cả ba truyện, song lại không quá tản mạn và lan man như cách diễn đạt từng chương của tiểu thuyết.
“Thần lực” là truyện ngắn dài hơi ở cuối tập truyện lại thiếu tính kết dính bởi sự pha trộn các phương pháp thể hiện như thư từ, nhật ký, trần thuật trực tiếp và thay đổi điểm nhìn. Nội dung truyện này kể về Nancy, một phụ nữ trẻ đính hôn với một anh bác sĩ. Ollie, anh họ của chàng bác sĩ, đến thăm và Nancy đưa anh ta đến gặp bạn cũ của cô thời trung học, một cô gái có năng lực ngoại cảm. Việc cô bạn cũ và Ollie kết thân làm rạn nứt mối quan hệ giữa Nancy và Ollie bởi cô cho rằng anh chỉ lợi dụng năng lực của cô gái. Bốn mươi năm sau Nancy đến thăm bạn mình ở bệnh viện, lúc này cô bạn khăng khăng rằng chồng cô ta tức Ollie đã chết, mặc dù trên thực tế thì không phải vậy. Do đó, câu chuyện tạo cho người đọc một nỗi ám ảnh mang sắc màu thần bí.
Nhà văn Alice Munro sinh ngày 10.7.1931 tại Wingham, tỉnh Ontario, Canada. Sau khi học xong trung học, bà học ngành báo chí và tiếng Anh ở Đại học Tây Ontario, nhưng bỏ ngang khi bà lấy chồng năm 1951. Sau đó hai vợ chồng về ở tại Victoria, tỉnh British Columbia, và mở một tiệm sách. Những tác phẩm của bà Munro giống như những hồi ức về quá khứ, về tuổi thơ sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn. Những phận đời của người dân nông thôn được bà khắc họa rõ nét, làm bật lên những tính cách khác biệt và đầy cuốn hút. Alice Munro bắt đầu viết truyện ngắn từ lúc còn nhỏ, nhưng xuất bản lần đầu vào năm 1968 tập truyện “Khiêu vũ với bóng hạnh phúc”, gây được sự chú ý ở Canada. Bà Munro là người phụ nữ thứ 13 được trao giải thưởng Nobel văn học kể từ lần đầu tiên được trao vào năm 1901 và cũng là người Canada đầu tiên giành giải thưởng vinh dự này. |
Đề tài của các truyện ngắn trong tập truyện “Trốn chạy” đều để lại những khoảng trống giày vò, bất kể nhân vật là kẻ trốn chạy hay là người gánh chịu nỗi đau đớn sau một cuộc trốn chạy. Một thiếu phụ trốn chạy khỏi cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Một cô gái trốn chạy để đến với người đàn ông mình yêu. Một người mẹ bỏ con để chạy theo những cơn mơ dài phù phiếm… Đối với họ, đó còn là sự trốn chạy khỏi khao khát thay đổi và mong muốn làm chủ cuộc đời mình, một ý muốn dường như hợp lý và mang tính thời đại nhưng lại bị ràng buộc bởi những mối dây gia đình, con cái và cộng đồng, đã được Alice Munro miêu tả một cách tự nhiên và bình dị trong bối cảnh chính là vùng quê miền Đông Nam Ontario của bà.
Cũng như phần lớn nhiều tác phẩm khác, truyện ngắn của Alice Munro kể với giọng văn đẹp đẽ, tuy đơn giản, nhưng đầy sống động, khiến người đọc tưởng chừng đang được nghe một người phụ nữ thật sự kể chuyện, với những ngừng nghỉ nhấn nhá, những khúc quanh cảm xúc, những khi quay ngược lại câu chuyện để giải thích. Qua các cuộc trốn chạy của các nhân vật, Munro đã thể hiện tài năng quan sát tinh tế đến độ khiến ta đau nhói. Các câu chuyện được kể với giọng văn thấu suốt và đi vào lòng người, một giọng kể đơn giản mà độc đáo, không nhiều nút thắt mở tình tiết, chỉ có những thắt mở của cảm xúc. Có lẽ, vì thế mà báo USD Today đã nêu nhận xét: “Có thể coi “Trốn chạy” như một tác phẩm tổng hợp của một trong những nhà văn khai thác đào sâu tâm hồn con người sắc sảo nhất”; còn Vanity Fair thì khẳng định: “Alice Munro lại một lần nữa chứng minh tại sao các cây viết truyện ngắn lại phải cúi đầu trước bà”.
TRẦN TRUNG SÁNG