Giải ngân vốn đầu tư công ì ạch là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe nhắc lại với vẻ rất... “ám ảnh”. Thực tế, do nhiều nguyên nhân có tính dây chuyền, nhiệm vụ này không dễ hoàn thành, nhưng luôn bị đánh động về trách nhiệm cá nhân, đã vô tình gây nỗi bận lòng cho không ít người mỗi khi được nhắc đến.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng vốn đầu tư công năm 2022 hơn 6.323 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 hơn 5.861 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài hơn 461 tỷ đồng.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 toàn tỉnh (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) đến hết ngày 31.7.2022 đạt hơn 2.206 tỷ đồng, đạt 35,8%.
Có hai chuyện rất khó thay đổi trong giải ngân vốn đầu tư công là tiến độ chậm chạp và nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Báo cáo với Trung ương lần này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho rằng kết quả giải ngân vốn đầu tư 7 tháng đầu năm của Quảng Nam tuy cao hơn so với kết quả giải ngân cùng kỳ năm 2021 và trung bình chung của cả nước nhưng chưa đạt yêu cầu so kế hoạch.
Có nhiều nguyên nhân như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; công tác giải phóng mặt bằng ách tắc. Đặc biệt, tâm lý cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý đầu tư còn e ngại những sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ...
Những lý do này không mới, có chăng chỉ mới ở chỗ “tâm lý e ngại” sai sót của cán bộ thực hiện dự án. Đây là hiện tượng mới phát sinh và được nhiều chuyên gia lý giải là “tâm thức chung” khi việc thực hiện các quy định trong bối cảnh được yêu cầu phải chặt chẽ hơn.
Với lĩnh vực y tế, hiện tượng này đã trực tiếp gây ra hệ lụy thiếu thuốc và vật tư y tế vì sợ sai trong đấu thầu; và có thể với đầu tư công, việc thực thi pháp luật quản lý công cũng trong xu thế tương tự. Tức là, bây giờ, dù có được dự án, nhưng để thực hiện đúng pháp luật về quản lý thì việc giải ngân không hề dễ dàng.
Điệp khúc “bắt tiền nằm chờ” năm nào cũng lặp lại, với những nguyên nhân cũ, đã thôi thúc sự phân rã trách nhiệm để có thể xử lý, khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả nào cụ thể.
Thực ra, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm chạp có tính dây chuyền; giải ngân là kết quả cuối cùng của rất nhiều khâu trong quá trình thực hiện dự án (thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công...).
Mỗi khâu này lại có những cái khó khác nhau, nên khoảng cách từ việc “có tiền” đến việc “tiêu tiền” của một dự án, không dễ dàng rút ngắn lại. Đơn cử như giải phóng mặt bằng, không ít địa phương đang kêu khó vì những quy định bất cập, khó áp dụng vào thực tế.
Tại cuộc họp với UBND tỉnh mới đây, rất nhiều địa phương than vãn từ đầu năm đến nay công tác giải phóng mặt bằng gần như đứng bánh vì không thể thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như quy định (theo Quyết định 42 của UBND tỉnh).
Đơn cử như quy định bố trí đất tái định cư không lớn hơn diện tích đất ở thu hồi. Theo quy định, với gia đình nhiều thế hệ, đủ các điều kiện “ra riêng” thì có thể được bố trí tối đa đến 5 lô đất, nhưng thực tế, khi xét tới lô thứ 2 là đã “thấm” khó khăn rồi. Ví dụ thu hồi 200m2 đất ở, xét lô thứ nhất với diện tích 120m2 , còn lại 80m2 , muốn xét lô thứ 2 thì thiếu 40m2 nữa.
Số diện tích thiếu này, phải tính toán ra sao, người dân có được nộp tiền sử dụng đất không qua đấu giá hay không, thì chưa có hướng dẫn... Bất cập trong giải phóng mặt bằng, theo kiến nghị của các địa phương, nhiều quy định thậm chí phải chờ sự sửa đổi của Trung ương thì mới thực hiện suôn sẻ.
Đứng bánh trong giải phóng mặt bằng, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Và cũng giống như nhiều nguyên nhân chậm giải ngân khác, là cả một dây dẫn đang sần sùi nhiều nút thắt, cần tháo gỡ từ gốc!