Ám ảnh tuổi hoa niên

TÂY BÌNH 13/08/2017 06:47

Nhà văn Lê Trâm vừa ra mắt bạn đọc tập truyện thiếu nhi “Mơ về phía chân trời” (NXB Kim Đồng, tháng 7.2017). Tác phẩm này được xuất bản lần đầu vào năm 2004, bởi NXB Đà Nẵng. Chừng như, những ám ảnh về không gian thuở hoa niên khiến Lê Trâm phải tìm cách mở cánh cửa ấy đến với bạn đọc.

Tập sách “Mơ về phía chân trời”.
Tập sách “Mơ về phía chân trời”.

Lê Trâm chọn không gian huyễn hoặc tuổi thơ với các địa danh như Gò Trời, Lung Bà, miếu Thần Nông… “Với tôi, ít nhất làng có tới bốn điều bí ẩn. Ấy là lùm tre Lung Bà rậm và tối, suốt ngày inh ỏi tiếng chim. Tịnh không một bóng người. Đứa nào lỡ dại để trâu lạc vào đấy chỉ còn nước chờ người lớn dắt giùm ra thôi. Tiếng chim vô cùng quyến rũ khiến chúng tôi mê mẩn, thèm lắm nhưng chỉ còn biết ngước mắt đứng trông từ xa. Đứa nào cũng ao ước một lần vào đấy nhưng sợ quá chỉ là ao ước viển vông. Phía sau cánh đồng là Gò Trời với tầng tầng lùm bụi lẫn nhãn và dứa dại. Ở đấy có miếu Thần Nông và cây sộp nổi tiếng nhiều ma”. Tuổi thơ tôi cũng từng trải qua cảm giác vừa sợ hãi, vừa tò mò về không gian làng quê với bao điều bí ẩn. Hình như, những câu chuyện ấy được người lớn vẽ ra, để bọn trẻ nhỏ bớt phần nghịch ngợm. Lê Trâm rất khéo khi lồng ghép các không gian này để tạo độ mở trong tác phẩm.

Đan xen câu chuyện của thằng Ri, thằng Đực, bé Su là lão Nhiều với vẻ ngoài bặm trợn. Rồi những trận đánh bằng súng bời lời đau điếng cũng theo tụi nhỏ mà lớn lên. Có lẽ, sức hút của “Mơ về phía chân trời” tỏa ra từ những điều mộc mạc của thời thơ ấu, mà ai từng trải qua sẽ thấy lòng rưng rưng có dịp quay về. Một không gian hiếm giữa những bộn bề chật hẹp hiện đại, trẻ nhỏ thò chân ra đường là ồn ào xe cộ, trò chơi, công nghệ… “Tôi nằm duỗi chân trên nệm cỏ mềm, gối tay dưới đầu, ngước mắt nhìn trời. Bầu trời trong vắt, vài sợi mây trắng lơ lửng như khói, trôi chầm chậm. Tiếng chim gù đâu đó vừa gần vừa xa nghe như khiêu khích”.

Đọc Lê Trâm, nhận ra thế mạnh ngòi bút của anh là đặc tả. Anh như thể làm chủ bất cứ không gian nào trong tác phẩm của mình để tạo nên sức gợi, mở ra trường liên tưởng. Ở “Mơ về phía chân trời”, anh đặt các nhân vật trong một không gian mở, để tha hồ vùng vẫy, mơ ước. Để rồi thằng Ri nói chắc nịch với bé Su khi nhìn ra tít tắp chân trời: “Nè Su, lớn lên tao sẽ đi về phía ấy đấy!”. Là phía lão Nhiều đã chọn để rồi sau nhiều ngày mất tích, cả làng mới biết lão làm cách mạng. Cái cách mà tác giả nói về thời gian khó thật xúc động. Khi lão Nhiều bị bọn bảo an bắt, bé Su con lão nhận được sự cưu mang, thương quý của gia đình thằng Ri. Mọi thứ diễn ra tự nhiên như vốn dĩ đã vậy. “Ông nhìn bé Su, thở dài thườn thượt. Rồi ông xoa đầu con bé, chép miệng liên tục khiến ruột gan tôi nóng hơ. Cuối cùng, ông buột miệng: - Thôi, tạm thời cháu về ở với bác! Còn mọi chuyện từ từ tính sau! Cháu nín đi, còn có bác và anh Ri đây kia mà!”.

Ắt hẳn, bạn đọc sẽ thở phào nhẹ nhõm, khi bé Su có nơi nương tựa mà không cần bất cứ sự tính toán nào từ phía ba thằng Ri. Bạn đọc nhỏ tuổi như được bồi đắp thêm cách ứng xử nhân văn từ câu chuyện này một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Ngoài ra, việc lồng ghép các bài đồng dao quen thuộc ngày xưa cũng tạo nên chất thơ cho “Mơ về phía chân trời”. Tác phẩm cho thiếu nhi lâu nay thuộc… hàng hiếm, nên việc NXB Kim Đồng ấn hành “Mơ về phía chân trời” là tin vui không chỉ trong làng xuất bản mà cả bạn đọc nhỏ tuổi.

TÂY BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ám ảnh tuổi hoa niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO