Ấm áp biên cương

VINH ANH 05/08/2013 07:57

Một chuyến công tác lên vùng biên giới vừa được Hội Liên hiệp phụ nữ (gọi tắt là Hội Phụ nữ) Quảng Nam và TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức, để lại nhiều tình cảm, ấn tượng khó phai trong lòng người miền xuôi lẫn miền ngược.

Gắn kết mối tình xuôi - ngược. Ảnh: VINH ANH
Gắn kết mối tình xuôi - ngược. Ảnh: VINH ANH

Đây là năm thứ 2, chương trình thăm, giao lưu với vùng cao biên giới được Hội Phụ nữ Quảng Nam và TP.Đà Nẵng phối hợp thực hiện. Lần này, cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, Hội Phụ nữ 2 địa phương đã chọn 4 xã biên giới gồm: A Xan, Ga Ry, Tr’Hy và Ch’Ơm (Tây Giang) làm điểm đến cho chuyến tình nguyện kéo dài trong 3 ngày.

Về với vùng biên

Cuối tháng 7, toàn bộ hàng hóa đã được tập hợp đầy đủ chuẩn bị cho chuyến đi. Gác lại những bộn bề công việc, các chị tạm xa gia đình để ngược lên miền biên giới xa xăm. Nhiều chị đến từ Hội Phụ nữ Công an và Biên phòng tỉnh cũng tham gia đoàn. Chọn khu vực Túy Loan (TP.Đà Nẵng) làm điểm hẹn, hơn 35 thành viên của đoàn cùng vô số hàng hóa theo xe ngược núi. Mất hơn 5 giờ đồng hồ, đoàn mới đến địa phận xã Tr’Hy. Chỉ còn gần chục cây số nữa là đến đích, nhưng con đường nhão nhẹt bùn lầy phía trước khiến cả đoàn và hàng hóa phải trung chuyển bằng xe U oát. Các chị ví cảnh ngồi trong thùng xe U oát vật lộn với con đường lầy lội như công đoạn “trộn bê tông” bằng máy. Khổ mấy rồi cũng qua khi điểm đến là Đồn Biên phòng 649 A Xan đã ở trước mắt. Mọi mệt nhọc dường như tan biến bởi khung cảnh mờ ảo, lạ lẫm của miền biên cương.

Từ ngày 29 đến 31.7, Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức chương trình thăm, giao lưu, tặng 80 suất quà (150 nghìn đồng/suất) cho các già làng, trưởng bản, cán bộ Hội Phụ nữ lâu năm và tặng 80 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho trẻ em nghèo của 4 xã: A Xan, Tr’Hy, Ga Ry, Ch’Ơm. Ngoài ra, tặng Hội Phụ nữ 4 xã mỗi đơn vị 1 dàn máy vi tính (trị giá 8 triệu đồng), 1 máy in (2,5 triệu đồng); tặng các Đồn Biên phòng A Xan, A Nông, Ga Ry mỗi đơn vị 1 ti vi và nhiều vật dụng khác. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ Công an và Biên phòng tỉnh Quảng Nam tặng 40 ram vở, 10 thùng quần áo cũ cho trẻ em và người dân 4 xã…

Tại Đồn Biên phòng 649, buổi gặp gỡ, giao lưu giữa các già làng, trưởng bản, cán bộ phụ nữ tiêu biểu của 4 xã vùng cao và thành viên trong đoàn diễn ra ấm áp, thân tình. Được thông báo từ trước nên khá đông già làng, trưởng bản đến dự. Trong không khí ấm áp, lãnh đạo Hội Phụ nữ Quảng Nam và TP.Đà Nẵng ân cần thăm hỏi, giao lưu văn nghệ và tặng nhiều phần quà cho các già làng, trưởng bản, cán bộ phụ nữ. Bà Đỗ Thị Kim Lĩnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ TP.Đà Nẵng không giấu được niềm phấn khởi, tự hào khi được đặt chân lên mảnh đất nơi biên giới của Tổ quốc, được tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều vị già làng ưu tú, những trưởng bản có cống hiến cho quê hương đất nước. “Dù được biết cuộc sống của bà con vùng cao khá hơn trước nhiều, tuy nhiên đồng bào vẫn còn lắm khó khăn. Hơn ai hết, các già làng, trưởng bản phải cùng với chính quyền địa phương để vận động nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Những món quà mà đoàn mang đến hôm nay tuy nhỏ nhưng đó là tình cảm của người miền xuôi gửi lên cho đồng bào vùng cao” - bà Lĩnh chia sẻ. Đáp lại những tình cảm mà đoàn công tác dành tặng cho bà con, già Blinh Đáp (85 tuổi, thôn Abanh 1, xã Tr’Hy) nói: “Hôm nay, bà con dân bản, các già làng khắp 4 xã vùng biên giới Tây Giang rất biết ơn đoàn công tác đã vượt đường xa lên thăm. Đồng bào còn nghèo khó nên những món quà và tình cảm dưới miền xuôi mang lên lúc nào cũng rất quý giá”.

Trải nghiệm thú vị

Trong chuyến đi này, các thành viên trong đoàn đã chia nhau thực hiện nhiều công việc giúp đỡ đồng bào. Trong khi một số thành viên đến UBND xã A Xan tuyên truyền Đề án 704 về “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con”, nhóm các chị đến từ Công an tỉnh đã thức dậy từ sớm để “cuốc” bộ lên thôn Arầng 1 làm Chứng minh nhân dân miễn phí cho người dân. Thượng sĩ Nguyễn Đặng Thị Thùy Dung (SN 1991), công tác tại Đội chứng minh nhân dân và hộ khẩu, Phòng PC 64 Công an tỉnh, dù mới vào công tác tại đội hơn 1 năm nhưng đã 3 chuyến tình nguyện về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tây Giang. Với chị, dường như công tác thiện nguyện đã ngấm vào máu. Hễ có chuyến công tác nào lên miền núi là chị xung phong ngay. “Mỗi lần đi miền núi, khám phá những vùng đất mới, gặp gỡ đồng bào Cơ Tu, những chiến sĩ biên phòng... đều để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Cuộc sống sinh hoạt, tập quán của người dân miền núi là những trải nghiệm thú vị cho một người trẻ như tôi” - chị Dung chia sẻ.

Một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các chương trình hoạt động xã hội là văn nghệ. Và, đêm văn nghệ giữa mảnh đất biên cương của Tổ quốc lại càng ý nghĩa hơn, không có khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược. Điệu tâng tung da dá của người Cơ Tu được các chị đến từ đội văn nghệ xã A Xan và thôn Arầng 3 biểu diễn đã làm say đắm những vị khách lần đầu đặt chân đến vùng biên miền tây xứ Quảng. Chị Thái Thị Thanh Liêm - đến từ Hội Phụ nữ TP.Đà Nẵng cho biết, chưa khi nào được xem những cô gái Cơ Tu múa đẹp đến vậy. Dù đã từng đến miền núi, nhưng những gì chị cảm nhận được qua chuyến tình nguyện lần này mới thật sự ý nghĩa. Chị Liêm chia sẻ: “Lần này tôi đã được tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của người đồng bào Cơ Tu. Dù họ còn nghèo nhưng tôi thấy ấm áp khi ở gần họ. Cái thật thà, chân chất, giản dị của họ đã khiến tôi không thể nào quên trong chuyến đi này”.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấm áp biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO