(QNO) - Không chỉ san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, mô hình “Nắm gạo sẻ chia” còn giúp người dân xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc) khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
Đã thành thói quen, mỗi lần đi xay xát gạo, người dân xã Đại Hòa lại dành một vài nắm góp vào hũ gạo tình thương được đặt ngay tại cơ sở xay xát. Tuy không có giá trị lớn lao nhưng mỗi hạt gạo là những tấm lòng thơm thảo, mong muốn sẻ chia một phần mình có để những hoàn cảnh kém may mắn hơn được tiếp thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Hòa cho biết, xuất phát từ mong muốn giúp đỡ những gia đình khó khăn trên địa bàn, Hội LHPN đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo, trong đó mô hình “Nắm gạo sẻ chia” được thành lập vào tháng 9 vừa qua. Qua mô hình, chi hội mong muốn kêu gọi nhân dân với cách làm thiết thực như mỗi ngày nấu cơm bớt đi một nắm gạo, tiết kiệm tại gia đình từng người, hoặc mỗi lần đi xay xát ủng hộ vào hũ gạo tình thương đặt tại 3 cơ sở xay xát trên địa bàn xã.
Từ ngày phong trào được phát động, chị Lê Thị Thêm - chủ một cơ sở xay xát trên địa bàn chưa lần nào quên dành phần của mình góp vào hũ gạo nghĩa tình này. Chị Thêm chia sẻ: “Tiết kiệm gạo là việc làm dễ thực hiện và thiết thực. Mỗi ngày một nắm gạo, một tuần, một tháng chúng tôi cũng dành dụm được vài chục ký gạo để giúp đỡ mọi người. Giá trị tuy không lớn nhưng những lúc khó khăn, túng thiếu, nhận được sự hỗ trợ là ai cũng vui và quý lắm”.
Mỗi tháng từ 1 -2 lần, cán bộ chi hội sẽ tới các địa điểm trên để thu gom, tổng hợp số lượng gạo huy động được sau đó chia thành các suất để trao cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được xác định trước đó. Từ ngày phát động cho đến nay, “Nắm gạo sẻ chia” đã thu được gần 300kg gạo/tháng, chia sẻ cho hơn 30 hộ khó khăn trên địa bàn.
“Nắm gạo sẻ chia" như sợi dây nối liền những tấm lòng của chị em lại với nhau. Không những vậy, nó còn góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm giữa các gia đình. "Mỗi lần ghé thăm động viên và trao tặng gạo cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thấy được nụ cười, niềm vui của họ, chúng tôi như có thêm động lực phấn đấu, cố gắng thực hiện mô hình tốt hơn nữa để có thể giúp được nhiều người hơn” - bà Hương chia sẻ.
Đến thăm một số gia đình khó khăn trên địa bàn đã được nhận sự giúp đỡ từ phong trào mới thấy hết ý nghĩa của hoạt động tương thân tương ái trong từng nắm gạo. Hoàn cảnh neo đơn, lại hay đau ốm nên cuộc sống của bà Nguyễn Thị Mạnh (người dân xã Đại Hòa) rất vất vả, kinh tế gia đình thường xuyên thiếu trước hụt sau. Có được số gạo từ mô hình “Nắm gạo sẻ chia”, bà Mạnh như được tiếp theo động lực.
“Từ ngày được chi hội phụ nữ xã quan tâm và trao tặng gạo tôi vui lắm, không còn lo thiếu ăn nữa. Số tiền dùng để mua gạo hằng ngày từ nay có thể dùng để trang trải vào các khoản chi phí khác, đỡ được một phần gánh nặng. Tôi hy vọng mô hình được duy trì và giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như tôi” - bà Mạnh chia sẻ.