Phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ có 7 khối phố, trong đó có 3 khối phố nông nghiệp là Hương Sơn, Hương Trà Đông và Hương Trà Tây. Tại đây, hiện có không dưới 500 phần mộ không tên, không chủ nằm rải rác ở các khu dân cư, những cánh đồng hoặc dọc theo những con đường làng đang được nhiều thế hệ người dân tu bổ, tôn tạo, giữ gìn và hương khói như người thân của mình.
Theo ông Đào Ngọc Bài, 80 tuổi ở khối phố Hương Sơn, hiện nay tại khối phố của ông có hơn 200 phần mộ vô chủ. Những phần mộ này có thể là hài cốt của những người dân làm nghề chài lưới, người đi buôn bán ở nhiều địa phương không may bị chìm thuyền hoặc người ở các địa phương khác bị chết do lũ lụt cuốn trôi, dạt vào bờ. Cũng có thể là hài cốt của các anh hùng liệt sĩ, của người dân ở các địa phương khác tản cư về đây. Sau ngày đất nước thống nhất, thân nhân của họ trở về quê làm ăn sinh sống rồi vì một lý do nào đó bị thất lạc.
Dân làng Hương Sơn tập trung tảo mộ. Ảnh: N.Đ.N |
Cũng theo ông Bài, khối phố Hương Sơn, Hương Trà Đông và Hương Trà Tây là các địa phương có con sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ bao bọc. Những năm thập niên 70 trở về trước thường hay bị lụt lớn, các địa phương này bị ngập chìm trong nước. Sau khi nước rút người dân ở đây lại phải thu dọn tàn dư do lụt để lại, trong đó có cả thi thể của những người bị lũ cuốn trôi từ các địa phương khác đến. Đặc biệt, ở đây là căn cứ lõm cách mạng, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ nhiều cơ sở bị địch đánh phá ác liệt, đã có không ít cán bộ, chiến sĩ bị địch bắn giết hoặc bắt rồi thủ tiêu. Ở đây cũng là nơi có nhiều hộ dân từ các địa phương khác tản cư sinh sống, rồi họ sinh con đẻ cháu, có không ít người đã gửi thân xác vào lòng đất. Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, họ trở về quê cũ làm ăn để lại những phần mộ vô chủ. Với tấm lòng tôn kính của những người đang sống đối với những người đã khuất, vào dịp mùng 10 tháng Giêng hàng năm, hàng trăm thanh niên và người cao tuổi trong làng đều tỏa đi khắp nơi để tảo mộ; phụ nữ thì đi chợ và lo nếp núc, sau đó cùng tập trung về ngôi miếu ở đầu làng cúng âm linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng bình yên, nhà nhà no ấm. Nhiều phần mộ có trên 100 năm, tập trung tại khu rừng Nhỏ nằm ở cuối làng. Không ai bảo ai nhưng từ thế hệ này sang thế hệ khác, người làng Hương Sơn vẫn tiếp tục tu bổ, tôn tạo và hương khói những phần mộ này rất chu đáo.
Sau những ngày vui xuân đón tết cổ truyền của dân tộc, ban tổ chức lễ ngồi lại với nhau bàn tính kế hoạch tổ chức tảo mộ và cúng âm linh đầu năm. Không ai từ nan mà ngược lại rất vui khi được phân công nhiệm vụ. Riêng vị chủ bái thì tập trung soạn thảo văn tế rất công phu phù hợp với phong tục tập quán cũng như truyền thống và đạo lý của người Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Hành, 65 tuổi ở khối phố Hương Trà Đông, cho biết, cha ông là người đã nhiều năm làm chủ bái nhưng nay cha ông đã qua đời, được dân làng tín nhiệm giao ông làm trưởng ban tổ chức lễ. Cũng như các khối phố khác, sau những ngày tết là ông tổ chức họp bàn kế hoạch. Sau khi được sự thống nhất của người dân, ông cùng các trai tráng trong làng đi tảo mộ và sau đó tổ chức cúng âm linh theo phong tục tập quán của địa phương. Toàn khối phố hiện có hơn 100 phần mộ vô chủ đã và đang được dân làng từ thế hệ này đến thế hệ khác tu bổ.
Mặc dù không ai bảo ai nhưng vào dịp mùng 10 tháng Giêng hàng năm dân làng các khối phố Hương Sơn, Hương Trà Đông và Hương Trà Tây đều đến các phần mộ vô chủ để lo quét dọn và hương khói làm cho những phần mộ này càng ấm áp hơn. Mọi chi phí đều được dân làng đóng góp không hề tính toán, bởi theo họ những phần mộ này là một phần linh hồn không thể tách rời cuộc sống của người dân địa phương.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC