Những năm qua, xã miền núi Tam Sơn (Núi Thành) đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Ngày hội đoàn kết toàn dân ở Tam Sơn. Ảnh: V.PHIN |
Tam Sơn có 1.206 hộ dân, 4.632 nhân khẩu sinh sống ở 6 khu dân cư, 95% hộ dân sống bằng nghề nông. Ông Mai Văn Chức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã chia sẻ: “Là xã miền núi, trình độ dân trí còn thấp, địa bàn cách trở, muốn hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của địa phương cần phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân ở một xã đặc thù vùng núi là vấn đề chúng tôi quan tâm thực hiện và thực tế đã đem lại hiệu quả đáng mừng”.
Nhận thức sâu sắc về các quan điểm, chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận xã Tam Sơn vận dụng linh hoạt và đa dạng các hình thức tập hợp trong công tác vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân. Cán bộ Mặt trận luôn gần gũi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó tạo sự đồng thuận cao trong các giai tầng xã hội, các tầng lớp nhân dân, vận động họ cùng nhau thực hiện phong trào thi đua yêu nước xây dựng địa phương vững mạnh về mọi mặt. Nhờ phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, những năm qua, xã miền núi Tam Sơn phát triển kinh tế một cách hợp lý theo hướng nông nghiệp - lâm nghiệp - chăn nuôi và dịch vụ, trong đó đặc biệt là kinh tế vườn rừng và chăn nuôi. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của Tam Sơn là 35% đến nay giảm xuống còn 15,83%, hộ khá giàu tăng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Ông Đặng Ngọc Nhung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Núi Thành cho biết: “Cùng với phát triển kinh tế, xã Tam Sơn phát huy khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các công trình dân sinh và nhiều hoạt động thiết thực khác. Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” ngày càng đi vào chiều sâu và đạt chất lượng”.
Năm 2008, xã có 704 gia đình đạt gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 62,35% thì năm 2013 có 968 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 81%. Có 4/6 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa hằng năm. Các thôn Danh Sơn, Đức Phú, Phú Hòa đạt danh hiệu thôn văn hóa từ 5 năm đến 8 năm liền. Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân, phong trào tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, giúp đỡ lẫn nhau được cán bộ - nhân dân Tam Sơn hưởng ứng tích cực. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ tiền của, ngày công của tộc họ, khu dân cư, tổ đoàn kết, trong 5 năm qua, xã miền núi Tam Sơn đã xây dựng mới và sửa chữa được 140 nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí 2,845 tỷ. Hằng năm, xã Tam Sơn vận động quyên góp tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ khó khăn, neo đơn; tổ chức nhận đỡ đầu 60 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập với số tiền trên 100 triệu đồng...
Theo ông Mai Văn Chức, sắp tới, xã tiếp tục đổi mới các hình thức tập hợp và nội dung hoạt động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, hướng mạnh hoạt động về địa bàn khu dân cư, tổ đoàn kết, hộ gia đình, coi đây là địa bàn quan trọng quyết định thành công trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở Tam Sơn.
VĂN PHIN