Ấm áp Tết phương xa

PHAN CHÍ ANH 17/02/2015 11:43

Trong nỗi hoài hương đau đáu, những người con xa quê lại cùng nhau phác dựng những cái tết mang đậm bản sắc Việt, để ôn cố tri tân, để hướng vọng quê nhà...

Ăn tết... 49 ngày

Gần 20 năm nay, hễ sắp đến ngày tết cổ truyền dân tộc là chị Hồng Đào, quê gốc ở Quế Phú, Quế Sơn, lại đánh xe từ nơi gia đình chị sinh sống là vùng Kralupy nad Vltavou lên Trung tâm thương mại Sapa của người Việt ở Praha (Cộng hòa Séc) để mua sắm. Ở đây có nhiều món để sắm cho tết Việt và đặc biệt còn có cả lá chuối, lá dong, nếp hạt, củ kiệu, dưa hành... “Năm nào mình cũng mua lá chuối và nếp về, góp chung với vài gia đình người Việt ở gần, tự gói và nấu bánh tét, bánh chưng. Vui lắm!” - chị Hồng Đào khoe. Vào  đêm giao thừa (theo giờ Việt Nam), bà con lại nấu cơm Việt dâng cúng gia tiên, vẫn giữ tục lì xì cho trẻ con và người già... Ở các vùng có khí hậu tương đối ấm, nhiều người Việt còn tự trồng các loại rau quả Việt đặc trưng ngày tết như hành, ngò, cải, dưa leo, khổ qua... Chị Bích Khuê, sinh sống tại vùng Pisek, cho biết chỉ với 20 kurun (tương đương 20.000 VNĐ) là mua được mớ rau mùi từ Việt Nam gửi sang. Tuy vậy, chị vẫn thích tự trồng hơn, “để vườn nhà có chút không khí tết như ở quê hương”.

Chương trình văn nghệ chào xuân mới mang đậm bản sắc Việt của cộng đồng người Việt tại Trung tâm thương mại Sapa (Praha, Cộng hòa Séc).
Chương trình văn nghệ chào xuân mới mang đậm bản sắc Việt của cộng đồng người Việt tại Trung tâm thương mại Sapa (Praha, Cộng hòa Séc).

Do cái tết cổ truyền dân tộc thường không rơi vào ngày nghỉ nên lâu nay, cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới hay tổ chức ăn tết Ta vào đúng dịp tết Tây. Sau đó, bà con rỉ rả vui xuân vào mỗi cuối tuần và đợi đến đúng mồng một Tết ta thì thu xếp để có ít nhất một ngày tết Việt thật sự. Cũng với format ấy, năm nay cộng đồng người Việt ở các quốc gia Đông Âu được ăn tết những... 49 ngày, bắt đầu từ ngày 1.1.2015 (nhằm ngày 11.11 Giáp Ngọ). Dịp này, người dân các nước sở tại tổ chức tiệc tùng, nhảy nhót, shopping..., còn người Việt thì tranh thủ đánh thức bản sắc Việt bằng các chương trình hát dân ca, giao lưu văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc, nấu các món ăn Việt và thăm viếng lẫn nhau.
Ông Lưu Văn Ánh, Trưởng ban liên lạc đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Cộng hòa Séc cho biết,  năm 2015 là “Năm văn hóa Việt Nam tại Séc” nên trong “mùa tết” năm nay, rất nhiều hoạt động văn hóa thuần Việt được tổ chức. Sau các cuộc họp đồng hương theo tỉnh của Việt Nam, đồng hương theo vùng của nước sở tại là chương trình nghệ thuật dài hơi chào xuân mới mang chủ đề “Quê hương, mùa xuân và mẹ”. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Séc, Liên hoan văn nghệ cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Séc được tổ chức khá rầm rộ ở từng khu vực, bắt đầu từ tháng 10.2014 và kết thúc bằng đêm chung kết vào ngày 23 tháng Chạp. Cũng vì vậy, “mùa tết” này cộng đồng Việt ở các quốc gia lân cận kéo qua Séc khá đông. Hôm họp mặt đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Cộng hòa Séc, gần 50 người Việt từ Béc-lin vượt 600km sang chung vui. Hay hôm khai mạc liên hoan văn nghệ ở vùng Karlovy Vary, có không dưới 100 người từ Ba Lan, Slovakia, Áo sang xem...

Sống kiểu Mỹ nhưng tết vẫn thuần Việt

Tại Houston - một trong những thành phố có nhiều cư dân gốc Việt nhất Hoa Kỳ, cứ sau 23 tháng Chạp là các hội chợ tết, nhạc hội đón xuân được mở ra. Nhiều cư dân từ các vùng lân cận cũng về Houston để tìm lại không khí tết Việt. Các siêu thị Việt Nam, các chợ dù nhỏ hay lớn cũng đều bán hoa và các loại bánh mứt. Đặc biệt tại Trung tâm Phật giáo - Chùa Việt Nam, nơi có pho tượng Quán Thế Âm cao 72 feet, được coi là một trong sáu thắng cảnh của Houston, tết nào cũng có nhạc hội mừng xuân và lễ giao thừa. Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, quê gốc Điện Bàn, hiện sống tại Houston, cho biết hội chợ Tết của người Việt ở đây năm nay có cả trăm gian hàng, từ bánh mứt, các loại trái cây, hoa kiểng, trầm hương, tới giò chả, bánh chưng, bánh tét; rồi có cả văn nghệ, múa lân... Vào đúng đêm giao thừa, hàng ngàn người Việt kéo về các ngôi chùa trong vùng để lạy Phật và bái vọng tổ tiên. Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung nhận định: “Nói chung, không khí rất chi là tết! Đặc biệt, rất nhiều người đã hòa nhập hoàn toàn với văn hóa Mỹ, nhưng ăn tết lại rất thuần Việt...”.

Còn tại San Jose - thành phố có đông cư dân Việt thứ hai tại Hoa Kỳ (sau quận Cam), sắc màu tết Việt cũng rất đậm đà và ấm áp. Tết Ất Mùi này, hầu hết khu thương mại ở đây như Grand Century, Vietnam Town, Lion Plaza, Senter... đều chuẩn bị khá chu đáo để đón khách du xuân. Các món ăn như bánh tét, bánh chưng, kẹo, mứt, hạt dưa...; nhiều loại hoa lan, cúc, lay ơn, đào... và các trò chơi bầu cua, xổ số, lô tô, đốt pháo, múa lân... được khai mở từ hai mươi tháng Chạp. Anh Thành David, một người gốc Việt cho biết, cứ mỗi lần thấy cỏ hoa vàng ở San Jose nở là anh lại nhớ về những cái tết vàng rực hoa mai ở quê nhà. Do vậy, dù rất bận rộn nhưng anh luôn cố gắng đến với các hoạt động vui xuân đón tết do người Việt ở đây tổ chức... Tại các ngôi chùa Kim Sơn, Đức Viên, Bảo Phước, Thiên Trúc, Phật Quang, Hồng Danh..., từ sau rằm tháng Chạp trở đi ngày nào cũng có rất đông người Việt tìm đến bái Phật. Đại đức Thích Thiện Long, quê gốc ở Huế, trụ trì chùa Thiên Trúc, cho biết trong dịp Tết Nguyên đán, người đi lễ Phật rất đông, muốn vào được chùa phải đi thật sớm hoặc đậu xe từ xa rồi đi bộ đến chùa. Sư thầy tâm sự: “Tôi là người xuất gia, tâm tịnh vô ưu nhưng mỗi khi nhìn cảnh ấy, vẫn không khỏi nôn nao nhớ tết quê nhà. May là ở đây, bản sắc Tết Việt vẫn được bảo lưu gần như nguyên gốc...”.

PHAN CHÍ ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấm áp Tết phương xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO