(QNO) - Người vùng cao xứ Quảng nhặt nhạnh từng bó rau rừng, bó củi, mụt măng..., với tinh thần "ai có gì góp nấy" gửi về miền xuôi, vừa góp phần chia sẻ khó khăn với người dân vùng dịch vừa chung tay phòng chống Covid-19.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng trước tình cảnh thiếu thốn đột xuất của người dân ở các khu cách ly cũng như y bác sĩ và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, đồng bào các dân tộc thiểu số đã gom góp lương thực, thực phẩm gửi về miền xuôi.
Ấm áp nghĩa tình
Thay vì về nhà nghỉ ngơi hoặc đi rẫy, 2 tuần trở lại đây, ông Pơloong Plênh - một cán bộ của huyện Tây Giang lại dành trọn 2 ngày nghỉ cuối tuần để cùng nhóm bạn của mình về các thôn, nóc gom thực phẩm cho chương trình "Tri ân người anh hùng thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch tại Đà Nẵng và Quảng Nam".
Chương trình nhằm vận động, quyên góp thực phẩm tươi, rau củ quả để chuyển đến hỗ trợ các bếp ăn, góp phần cải thiện bữa ăn cho các y bác sĩ và lực lượng tình nguyện trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Quảng Nam và Đà Nẵng.
Tuy chỉ là tự phát, do một nhóm bạn trẻ Cơ Tu khởi xướng và thực hiện, song chương trình lại có sức thuyết phục và nhanh chóng lan tỏa khắp các thôn, xã trên địa bàn Tây Giang.
Ông Pơloong Plênh cho biết, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng khi nhận thấy đây là một chương trình có ý nghĩa, vừa thể hiện được nghĩa tình của miền núi với miền xuôi vừa góp phần cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19, nên bà con hưởng ứng rất tích cực theo kiểu có gì góp nấy, có ít góp ít có nhiều góp nhiều...
Ngày đầu triển khai chương trình, nhóm của ông Plênh tổ chức vận động quyên góp ở thôn Ađâu và thôn Voòng, xã Tr'Hy. Có người góp mấy bó rau rừng, vài quả bí, có người góp gùi bắp, có người góp mấy mụt măng... Tiếp đó, bà con ở các thôn, xã khác như Arầng, Kanoonh của xã A Xan; thôn Achoong của xã Ch'Ơm... cũng tích cực hưởng ứng, mang rau củ quả "nhà làm được" đến đóng góp.
Nhờ vậy, trong 2 ngày nghỉ cuối tuần đầu tiên của tháng 8, nhóm thiện nguyện của các bạn trẻ Cơ Tu ở Tây Giang gom được 14 bao măng, 5 buồng chuối, 6 bao bí rẫy và một lượng khá lớn rau củ quả các loại và cả gạo rẫy, mì ăn liền.
Toàn bộ số thực phẩm này đã được chuyển đến Câu lạc bộ Bếp cơm Vạn Tình Đà Nẵng để chế biến, cung cấp cho các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Hiện tại, chương trình tiếp tục được mở rộng tại nhiều thôn, xã khác. Theo ông Plênh, tuy chưa thống kê được nhưng chắc chắn có thêm nhiều đợt hàng nữa với khối lượng lớn hơn được chuyển đến tiếp sức lực lượng làm nhiệm vụ và người dân vùng dịch.
Lan tỏa
Một thông tin gây xúc động và được lan truyền khá rộng rãi trong những ngày gần đây là việc Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My kêu gọi cán bộ, viên chức, các cơ quan, đơn vị và đồng bào trong toàn huyện tham gia chương trình "Hướng về đồng bằng - san sẻ yêu thương".
Thư kêu gọi này nhanh chóng tạo được sự đồng cảm ở nhiều người khi nhắc lại sự giúp đỡ chí tình, kịp thời và hiệu quả mà các địa phương đồng bằng dành cho đồng bào vùng cao Nam Trà My sau những đợt thiên tai, bão lũ, dịch bệnh; qua đó khẳng định truyền thống nhân ái, sẻ chia và nghĩa tình gắn bó giữa miền xuôi và miền núi.
Bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My cho biết, qua thông tin bước đầu từ cơ sở, bà con các thôn, làng hưởng ứng rất tích cực. Bà Huệ nói: "Chúng tôi chủ yếu vận động quyên góp các sản vật bản địa, sẵn có tại địa phương như rau lủi, rau má, rau ngót, bắp chuối, măng rừng, chuối, sắn, khoai, bầu, bí... Giá trị vật chất của các sản vật ấy có thể không lớn nhưng đó là tấm lòng của bà con miền núi cao Nam Trà My dành cho đồng bào miền xuôi đang gặp khó khăn do dịch Covid-19".
Theo kế hoạch, việc thu nhận phần đóng góp của bà con từ các xã chuyển về huyện diễn ra trong hai ngày 19 và 20.8. Dự kiến, chuyến hàng đầu tiên sẽ dành hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch của TP.Đà Nẵng và sau đó là cho các huyện vùng dịch của Quảng Nam.
Cũng nhằm chung tay góp sức cùng các lực lượng xung kích phòng chống dịch, nhiều ngày qua, hội phụ nữ các xã, thị trấn ở các huyện miền núi Đông Giang, Phước Sơn, Nam Giang cũng đồng loạt ra quân tham gia tuyên truyền, quyên góp thực phẩm để tặng cho các chốt, điểm chống dịch trên địa bàn.
Ngoài măng, rau rừng, dứa, bắp..., có nơi bà con còn góp cả... củi khô, chỉ với một lý do đơn giản nhưng hết sức tận tụy, chân thành: có thực phẩm mà không có củi thì làm sao nấu nướng!