hai thác một cách tự phát, chủ yếu dựa trên nền tảng tài nguyên sẵn có mà chưa tạo được các sản phẩm du lịch độc đáo, khiến giá trị, doanh thu từ hoạt động du lịch của nhiều điểm du lịch sinh thái không đáng kể.
Nghèo nàn sản phẩm
Trên địa bàn tỉnh hiện có một khu du lịch và hơn 40 điểm đến được UBND tỉnh phê duyệt là điểm du lịch cấp tỉnh. Khoảng 1/4 trong số này là các điểm du lịch có thể phát triển loại hình du lịch sinh thái, chưa kể đến các danh thắng khác không nằm trong danh mục nhưng có tiềm năng lớn để khai thác loại hình du lịch sinh thái như: Suối Tiên (Quế Sơn), suối khoáng nóng Sơn Viên (Nông Sơn), đồi thông Bồ Bồ (Điện Bàn)…
Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) là hình mẫu tương đối hiệu quả trong việc thu hút lượng khách lớn và tạo ra doanh thu cao từ du lịch. Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL thông tin: “Trung bình mỗi năm doanh thu từ bán vé của điểm đến này đạt khoảng 20 tỷ đồng trong khi thu nhập của doanh nghiệp, người dân địa phương gấp khoảng ba đến bốn lần con số này”.
Không ít điểm đến dù nằm lân cận các di sản ở Điện Bàn, Duy Xuyên nhưng cũng rất chật vật trong việc định hình phát triển du lịch sinh thái bởi một vòng lẩn quẩn lặp đi lặp lại là không thu hút được khách và không dám đầu tư. Bà Nguyễn Thị Sên - chủ nhà hàng Me Xanh (thôn Triêm Tây, xã Điện Phương) cho biết: “Trung bình mỗi tháng mùa đông khách du lịch, thu nhập của gia đình từ việc phục vụ ẩm thực cũng chỉ vào khoảng 5 đến 7 triệu đồng”.
Trên thực tế, trung bình mỗi tháng hiện nay Triêm Tây vẫn đón hơn 1.000 lượt khách nhưng thu nhập từ hoạt động du lịch rất thấp. Năm 2018, doanh thu của HTX Nông nghiệp dịch vụ Triêm Tây với sự tham gia của 20 hộ chỉ khoảng gần 400 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, việc Triêm Tây chững lại thời gian qua một phần bởi năng lực quản trị, xây dựng sản phẩm du lịch của HTX còn nhiều hạn chế, lãnh đạo HTX làm du lịch tay ngang lại lớn tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm.
Một lo ngại khác hiện hữu ở hầu hết điểm du lịch sinh thái là nguy cơ ô nhiễm rác thải được mang đến từ chính du khách. Một nhân viên quản lý ở thắng cảnh Suối Tiên (xã Quế Hiệp, Quế Sơn) chia sẻ: “Do đặc thù yên tĩnh, mát mẻ của suối nên nhiều nhóm khách, chủ yếu là khách địa phương thường mua thực phẩm, bia rượu đến đây bày ra ăn uống và xả rác lung tung. Nguồn thu duy nhất của chúng tôi từ các vị khách này là tiền giữ xe”.
Từ danh thắng ở xứ biển như Tam Hải (Núi Thành) đến các điểm đến sinh thái miền trung du huyện Tiên Phước rồi cả vùng cao như thác Grăng (huyện Nam Giang) đều chật vật với rác thải. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, lượng khách đến làng sinh thái Thanh Khê - thác nước Ồ Ồ hay khu sinh thái Hố Quờn bước đầu cũng có sự khởi sắc. Tuy nhiên rác thải mà du khách để lại quá nhiều do ý thức kém khiến cơ quan chức năng ở địa phương phải vất vả thu dọn.
Nguy cơ chệch hướng
Ông Trần Lê Trà - chuyên gia Tổ chức Hợp tác quốc tế du lịch sinh thái Đức (GIZ) cho rằng, ở một chừng mực nào đó nước ta chưa có du lịch sinh thái đúng nghĩa. Đặt trong trường hợp của Cù Lao Chàm (Hội An), thời gian qua tỷ lệ khách lưu trú trong nước có tăng nhẹ nhưng khách quốc tế, nhất là dòng khách châu Âu giảm sút mạnh và doanh thu từ lưu trú cũng lẹt đẹt, chứng tỏ rằng ta đang cung cấp du lịch giá rẻ và làm chệch đi mục đích, ý nghĩa của du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh nhìn nhận, du lịch thời gian qua tại rừng dừa Bảy Mẫu tuy tăng trưởng nóng với lượng khách lớn nhưng rất tự phát, mạnh ai nấy làm dẫn đến tổn hại tài nguyên, hình ảnh du lịch địa phương và cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới.
Tại hội thảo “Phát triển du lịch bền vững Quảng Nam 2019 - Du lịch không rác thải nhựa” diễn ra hồi tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: “Tiềm năng thúc đẩy du lịch sinh thái ở vùng sông, hồ trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, đơn cử như ở hồ Phú Ninh, thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn. Tuy nhiên phải có kế hoạch bài bản, dài hơi, cẩn trọng trong khai thác, phát triển du lịch để giải quyết tốt về rác thải và tác động đến môi trường”.
Còn ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, định hướng du lịch sinh thái ở vùng tây phải coi trọng chất lượng hơn số lượng bởi nếu chạy theo số lượng rất dễ bị tổn hại đến văn hóa của đồng bào, ô nhiễm môi trường vùng đầu nguồn.