Nạn khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra âm ỉ trên các tuyến sông bởi các biện pháp ngăn chặn chủ yếu ở thế bị động. Mùa mưa bão, người dân ở nhiều nơi đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông gây mất đất sản xuất, hư hại nhà cửa, trong đó nguyên nhân chính là nạn khai thác cát trái phép nhưng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Lực lượng chức năng của Điện Bàn sẽ trang bị thêm phương tiện để phục vụ lưu trú, túc trực trên sông Thu Bồn để công tác tuần tra, kiểm soát hiệu quả hơn. Ảnh: N.Q |
KHÓ NGĂN CHẶN TRIỆT ĐỂ
Câu chuyện về quản lý và khai thác khoáng sản ở các con sông đoạn qua thị xã Điện Bàn, nhất là sông Thu Bồn vẫn được nhiều người quan tâm, bởi dù đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng này nhưng lòng sông vẫn chưa yên.
Hoạt động lén lút
Những ngày gần đây, sau khi có thông tin về sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, hoạt động khai thác cát trộm dọc sông Thu Bồn đoạn qua thị xã Điện Bàn dường như đang “án binh bất động”. Tuy nhiên, trước đó cứ khi nào vắng bóng lực lượng chức năng tuần tra, đẩy đuổi thì đối tượng khai thác cát trái phép lại lộng hành, tranh thủ rút ruột khoáng sản từ lòng sông. Theo thông tin từ người dân thôn Nhị Dinh 3 (xã Điện Phước), tại đoạn sông qua địa bàn thôn, việc hút cát trộm vào ban đêm diễn ra thường xuyên trong một thời gian dài nhưng không bị lực lượng chức năng ngăn chặn. Dễ dàng nhận thấy, cả một dải đất ruộng men theo triền sông thuộc các xã Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước đang bị sạt lở nặng nề do tình trạng hút cát trộm gây khó khăn cho đời sống người dân.
Hôm qua 12.12, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Phạm Ngọc Anh - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Điện Bàn cho biết: “Hiện UBND thị xã Điện Bàn đã thành lập trạm chốt chặn nổi trên sông Thu Bồn và báo cáo phương án, xin chỉ đạo của UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua phương tiện tuần tra. Trong mấy ngày qua, lực lượng chức năng địa phương tiếp tục siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát đề phòng “cát tặc” lợi dụng tình hình mưa gió khai thác trái phép và đã bắt giữ 5 ghe khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn đoạn qua khu vực các xã Điện Trung, Điện Phong”. N.Q |
Đối diện bên kia sông, tình trạng sạt lở cũng diễn ra nặng nề ở các thôn Hòa Giang, Tân Bình 4 (xã Điện Trung). Thực trạng này khiến hơn 200m bờ kè đoạn qua 2 thôn xây dựng từ năm 2015 bị hư hại nghiêm trọng. Ông Huỳnh Tài - Trưởng thôn Tân Bình 4 cho hay: “Từ cuối năm 2017 ở địa phương không còn doanh nghiệp khai thác cát có giấy phép nhưng tình trạng hút trộm cát vào ban đêm thì vẫn diễn ra thường xuyên và mới tạm lắng xuống trong thời gian gần đây do lực lượng chức năng truy quét”.
Theo ước đoán của người dân địa phương, ở khu vực này có 4 đến 5 ghe với công suất khoảng 50 - 60m3³/ghe khai thác cát trái phép, thời điểm hoạt động thường từ 2 giờ đến tờ mờ sáng. Một người dân cho biết thêm, kể cả trước đây khi các doanh nghiệp khai thác có giấy phép thì lúc không ai giám sát họ lại tranh thủ hút cát ở vùng sát bờ sông để tiết kiệm thời gian mà chất lượng lại tốt hơn thay vì tốn công khai thác ở giữa sông theo quy định để hạn chế sạt lở.
Cần giải pháp căn cơ
Trao đổi với chúng tôi về công tác tuần tra, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản dưới lòng sông tại địa phương, ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói: “Từ đầu năm đến nay, chính quyền địa phương đã đình chỉ 19 bến bãi không có giấy phép hoặc hết thời gian hoạt động và hiện nay chỉ còn 2 bến bãi khai thác cát sỏi có giấy phép đang hoạt động”. Ông Hiếu cho biết thêm, từ ngày 18.11.2018 đã có thêm lực lượng của Thủy đoàn 2 thuộc Cục CSGT (Bộ Công an) thực hiện độc lập việc tuần tra, kiểm soát thường xuyên trên sông Thu Bồn. Ngoài ra, sắp tới thị xã sẽ trang bị ghe lưu trú, túc trực luôn trên sông cho tổ liên ngành, tạo thuận lợi cho việc tuần tra, giám sát.
Từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã xử lý 58 trường hợp, xử phạt 687 triệu đồng, tuy nhiên khi vắng bóng lực lượng chức năng thì tình trạng khai thác cát trộm thường xuyên xảy ra. Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, chế tài phạt còn thấp khiến một số chủ phương tiện chấp nhận khai thác và chịu phạt. “Hiện nay, tỉnh cần nghiên cứu đẩy nhanh quy hoạch vị trí bến bãi hợp lý cũng như xây dựng địa điểm để bảo quản các ghe khai thác, vận chuyển trái phép bị bắt giữ, nếu không thì rất khó cho lực lượng chức năng” - ông Hiếu nói.
Một tín hiệu tích cực khi sông Yên đoạn chảy qua xã Điện Tiến những năm trước đây cũng là điểm nóng về nạn khai thác cát trái phép, nhưng thời gian qua đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Tiến: “Địa phương hiện không còn bến cát nào sau khi dẹp một bến sạn vào cuối năm ngoái. Trước kia các đối tượng khai thác lợi dụng vùng giáp ranh với xã Hòa Tiến của TP.Đà Nẵng nhưng do cả hai bên siết chặt quản lý và tuần tra nên các đối tượng đã chùn tay”.
Với sự hỗ trợ hơn 60 triệu đồng/năm từ thị xã Điện Bàn, xã Điện Tiến đã duy trì thường trực lực lượng tuần tra để truy quét, bảo vệ khoáng sản trước sự “nhòm ngó” của nhiều đối tượng ở địa bàn huyện giáp ranh Đại Lộc. So với các năm trước, địa phương đã phát hiện và xử phạt hàng chục trường hợp thì năm nay tổ tuần tra của xã Điện Tiến chỉ kiểm tra, xử lý 1 trường hợp vận chuyển cát qua địa phận xã nhưng có giấy phép hoạt động. Ông Phạm Ngọc Anh - Phó phòng TN-MT thị xã Điện Bàn cho biết, hiện Điện Bàn có 7 tổ chốt chặn ở 7 xã, phường với kinh phí hỗ trợ cao nhất là 96 triệu đồng/năm và thấp nhất là 56 triệu đồng/năm để tăng cường công tác bảo vệ cát sỏi đến cấp cơ sở.
NGUYỄN QUỐC
KHAI THÁC CÁT, SỎI TRÊN SÔNG KHANG: NGƯỜI DÂN PHẢN ỨNG GAY GẮT
Người dân 2 xã Thăng Phước và Bình Sơn (Hiệp Đức) cho rằng, tình trạng khai thác cát, sỏi trên sông Khang sẽ gây nên hệ lụy nặng nề là sạt lở 2 bên sông khiến đời sống càng khó khăn hơn.
Công ty TNHH MTV Cường Quang Thịnh khai thác cát trên sông Khang. Ảnh: QUANG VIỆT |
TỪ quốc lộ 14E đi vào xã Thăng Phước, chúng tôi thấy rất nhiều bãi tập kết cát, sỏi bố trí dọc bờ sông Khang thuộc địa phận xã Bình Sơn. Khi đến cầu ngầm sông Khang nối 2 xã này, việc khai thác cát đang diễn ra khá rầm rộ. Ông Hồ Văn Thuận (thôn 5, xã Bình Sơn) than phiền, 2 bên bờ sông Khang sẽ sạt lở nặng trong nay mai. “Theo quy luật tự nhiên, càng hút cát, sỏi ở lòng sông thì đất, cát, sỏi ở 2 bên sông sẽ tụt xuống với quy mô ngày càng lớn hơn. Nhà cửa của chúng tôi đang ở dọc 2 bên sông đối diện với nguy cơ bị nuốt chửng trong thời gian tới. Mong chính quyền địa phương chấn chỉnh tình trạng này” - ông Thuận nói.
Từ xã Bình Sơn, bước qua cầu ngầm sông Khang sang xã Thăng Phước, chúng tôi cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng khai thác cát ở sông Khang. Ông Nguyễn Xuân Diên (thôn Phú Mỹ, xã Thăng Phước) cho biết, cả doanh nghiệp lẫn người dân đều mạnh ai nấy khai thác cát, sỏi dọc theo con sông Khang qua địa bàn. Việc này diễn ra với quy mô lớn từ nhiều năm nay. Không hiểu sao, dù được phản ánh, kiến nghị nhưng các cấp chính quyền từ huyện đến xã đều chưa có giải pháp khắc phục. Nếu thả nổi thì sẽ sạt lở nặng khiến cho nhà cửa, đất đai, công trình bị cuốn trôi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức cho rằng, thời gian qua, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về siết chặt khai thác cát, sỏi đã khiến cho người dân và các cấp chính quyền đối diện với rất nhiều khó khăn trong xây dựng. Các công trình xây dựng hạ tầng giao thông, cầu cống, nhà cửa phục vụ nông thôn mới, xây dựng cơ bản lẫn dân sinh của người dân đều bị chậm tiến độ, khó hoàn thành. Từ Hiệp Đức đến Quế Sơn, Thăng Bình để mua cát về phục vụ xây dựng tốn rất nhiều chi phí vận chuyển. Trong khi đó, do thiếu nguồn cung nên giá cát, sỏi đắt hơn mức bình thường rất nhiều. Huyện đang quản lý chặt khai thác cát, sỏi chứ không phải dễ dãi để doanh nghiệp và người dân mạnh ai nấy khai thác cát, sỏi.
Theo ông Trần Thọ - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hiệp Đức, có việc khai thác cát, sỏi trên sông Khang nhưng trong phạm vi cho phép của UBND tỉnh và không hề có trường hợp lén lút hay nháo nhào khai thác cát, sỏi như phản ánh thiếu khách quan của người dân. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Cường Quang Thịnh (xã Bình Lâm, Hiệp Đức) đang thực hiện khơi thông dòng chảy tại đoạn sông Khang nối 2 xã Thăng Phước và Bình Châu nên đăng ký thu hồi cát, sỏi và được Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh cấp phép. Theo đó, khối lượng cát, sỏi được phép thu hồi là 28.259,58m3; công suất được phép thu hồi là 4.709,93m3 cát, sỏi/tháng; mức sâu nạo vét cát, sỏi tối đa là 1,55m; diện tích thi công nạo vét khai thác cát, sỏi là 2,1ha được giới hạn bởi 24 điểm góc khép kín hệ VN.2000. “Trong thời gian qua, công ty nói trên đã khai thác cát, sỏi đúng khối lượng, công suất, phạm vi. Công tác bảo vệ môi trường cũng được thực hiện tốt. Bến bãi, phương tiện sử dụng đều đúng theo quy định. Ngoài ra, đơn vị khai thác cát, sỏi cũng đã thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính theo quy định” - ông Thọ nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài diện tích khai thác cát, sỏi của Công ty TNHH MTV Cường Quang Thịnh là 2,1ha thì đến nay vẫn có tình trạng khai thác cát, sỏi chui ở nhiều địa điểm khác nhau trên sông Khang của các cá nhân trong và ngoài huyện Hiệp Đức. UBND xã Thăng Phước cho rằng, lực lượng mỏng không thể quán xuyến 24/24 giờ. Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Thăng Phước cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của huyện để thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý mạnh tay các trường hợp khai thác cát, sỏi không đúng với quy định của pháp luật trong thời gian đến để vừa đảm bảo nền nếp vừa trấn an người dân không nên lo lắng quá mức.
VIỆT NGUYỄN
RÀ SOÁT CÁC “ĐIỂM NÓNG”
Tổ chức rà soát lại các tuyến sông, nắm tình hình ở các địa bàn thường xảy ra nạn hút cát trái phép, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đang có kế hoạch tăng cường ra quân tấn công, xử lý nạn khai thác cát và vận chuyển lâm sản trái phép.
Hàng chục vụ vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát trên sông bị lập biên bản, xử lý. Ảnh: T.C |
Diễn biến phức tạp
Hàng chục vụ phát hiện, bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép do Công an tỉnh tổ chức từ đầu năm đến nay đã góp phần kiềm hãm nạn khai thác cát trái phép trên các tuyến sông. Song, với địa hình trải rộng, nhiều sông suối, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông vẫn đang là bài toán khó cho nhiều địa phương. Theo ghi nhận của phóng viên trong các đợt tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, nhiều khu vực như sông Yên (Đại Lộc), sông Thu Bồn (Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An), tàu hút cát vẫn lén lút hoạt động với rất nhiều thủ đoạn. Ngay cả ở các mỏ cát, tàu hút cát neo đậu rồi đưa vòi hút ra khỏi khu vực mỏ để hút cát. Những tàu này phần lớn hoạt động ban đêm, hút cát trộm rồi di chuyển về điểm tập kết để bán cát cho các bãi. Thậm chí trong các đợt mưa lớn, nước sông dâng cao, tàu hút cát vẫn hoạt động để “né” sự kiểm tra của Đội Cảnh sát đường thủy và cơ quan chức năng.
Phòng Cảnh sát đường thủy cho hay, các đối tượng hút cát trộm rất manh động, sử dụng nhiều thủ đoạn như cắt cử người canh gác ở khu vực Cảnh sát đường thủy neo đậu tàu tuần tra, đứng trên các tuyến cầu theo dõi rồi dùng điện thoại di động báo cho các đối tượng. Có trường hợp phát hiện tổ tuần tra, đối tượng điều khiển tàu lập tức bỏ điện thoại di động vào bao ny lon mang theo người rồi nhảy xuống sông bơi vào bờ, điện báo cho các tàu khác hoạt động gần đó tháo chạy. Trên cầu Câu Lâu, cầu Giao Thủy, cầu Kỳ Lam, các đối tượng cho người đứng sẵn theo dõi, phát hiện thấy lực lượng tuần tra là lập tức cảnh báo nên rất khó bắt quả tang. Trong nhiều đợt truy quét, chúng tôi phải sử dụng tàu thuyền của người dân mới bắt quả tang được hành vi vi phạm. Chưa kể, ở vùng giáp ranh như sông Yên (đoạn qua xã Điện Tiến), tàu hút cát bị phát hiện ngay lập tức tháo chạy qua địa bàn TP.Đà Nẵng để tránh bị xử lý.
Chỉ tính riêng Đội Cảnh sát đường thủy đã bắt, lập biên bản xử lý với 28 tàu thuyền hút cát trái phép, 9 tàu chở gỗ lậu xuôi sông trong các đợt tuần tra. Các tàu này phần lớn có tải trọng lớn, hút trộm hàng chục mét khối cát mỗi đêm. Lực lượng Cảnh sát môi trường cũng phát hiện, ra quyết định xử phạt hàng chục vụ với số tiền xử phạt hàng trăm triệu đồng, tịch thu nhiều phương tiện khai thác cát trái phép. Có trường hợp bị xử phạt lên đến hơn 150 triệu đồng, tịch thu tàu hút cát trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng các đối tượng vẫn chưa chùn tay trước lợi nhuận cao do khai thác cát trái phép mang lại.
Tổng kiểm tra, rà soát
Tháng 11.2018, Phòng Cảnh sát đường thủy được Công an tỉnh thành lập, nhằm tăng cường, kiện toàn hoạt động tuần tra, đảm bảo trật tự an toàn đường thủy nội địa và tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt là nạn khai thác cát trái phép. Từ tháng 5.2018, sau chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, Bộ Công an đã triển khai cho công an các địa phương tổ chức chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn để không tái diễn tình trạng này. Không chỉ các phòng, đội của Công an tỉnh, công an các địa phương cũng vào cuộc. Riêng thị xã Điện Bàn, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 58 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 600 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Mai Xuân Sang - Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy cho biết, trong bối cảnh vừa thành lập, phòng đã khẩn trương tổ chức kiện toàn bộ máy, đồng thời cắt cử lực lượng rà soát, nắm tình hình trở lại ở các tuyến đường thủy nội địa. Trên cơ sở kết quả thu được, phòng sẽ sớm xây dựng kế hoạch để có biện pháp lập lại trật tự an toàn, phát động đợt cao điểm ra quân trấn áp tội phạm, đặc biệt là nạn khai thác cát trái phép và vận chuyển lâm sản trên sông. “Nhiều khu vực hiện là điểm nóng của nạn khai thác cát trái phép, đặc biệt là sông Thu Bồn. Trong năm công tác 2019, chúng tôi sẽ tổ chức các đợt cao điểm tuần tra xử lý, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên các tuyến sông. Đây là nhiệm vụ trọng tâm đặc biệt, nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa thực trạng khai thác cát trái phép tại các tuyến đường thủy nội địa” - Trung tá Sang chia sẻ.
THÀNH CÔNG