Thứ cần nhất với vùng đất nơi bão lũ từng cuồng nộ quét qua và xóa sổ nhiều ngôi làng ở góc núi Phước Sơn, lúc này, là thời gian. Trong nắng ấm, họ vẫn còn phải chờ đợi, nhưng không sợ hãi nữa. Tết đang đến rất gần rồi…
“Sau lũ, nghĩ mình trắng tay rồi, cơm ăn còn lo thiếu, huống chi chuyện làm nhà. Không ngờ rằng bây giờ sắp được có nhà mới, mà còn chắc chắn, an toàn hơn nhà cũ. Sống hơn nửa đời người rồi, tết này có lẽ là tết đáng nhớ nhất. Mừng lắm, không biết nói sao để diễn tả được niềm vui!”.
(Bà Nguyễn Thị Y - người dân xã Phước Lộc)
1. Mẹ con Hồ Thị Thế tươm tất hơn hẳn so với 3 tháng trước, từ lần đầu tôi gặp ở giữa dòng suối Trà Văn ngổn ngang đất đá. Lần ấy, cô băng bộ một tuần liền, ngày nào cũng đi từ Phước Thành, qua những đống sạt lở khổng lồ, qua mưa và qua cả nỗi sợ, chỉ để góp nhặt từng bao gạo, từng bộ quần áo về cho mấy đứa con nhỏ đang chơ vơ ở nhà.
Tôi nhớ giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt khắc khổ của Thế chỉ vì không xin được quần áo cho con, nhớ cả cái dáng ngồi lọt thỏm giữa những tảng đá lớn giữa dòng Trà Văn sau lũ, nhớ cả đoàn người nối đuôi nhau dài lên đến đỉnh núi để trở về làng, sau khi nhận quà cứu trợ…
Nhưng giờ thì khác nhiều rồi. Thế cùng mẹ và cậu con trai có mặt ở hội trường xã để nhận quà cứu trợ. Hình như, quen với việc tiếp xúc những đoàn cứu trợ, họ tràn lên phía trước, ngồi ngay hàng ghế đầu chờ đọc tên, thay cho nỗi e dè, đứng từ xa chờ gọi tên như mọi lần tôi vẫn thấy. Thế nhận ra tôi.
“Cả nhà em ở nhờ nhà mẹ, đang chờ xã cấp đất để làm lại nhà. Mấy tháng vừa rồi em nhận quà, nhận tiền hỗ trợ miết. Em cất hết, để sau này còn dành dụm làm lại nhà mình. Ruộng bị đất đá lấp hết rồi, không trồng lại được, chồng em tranh thủ đi rừng bẫy chim, bẫy sóc. Cứ có gì kiếm ra tiền thì làm thôi, không thiếu gạo ăn, nhưng phải lo cho ngày sau nữa” - Thế cười.
Cậu con trai Thế bận bộ đồ thật mới, thấy người lạ bèn rúc vào lòng bà ngoại bên cạnh, rồi ngơ ngác nhìn ra, cũng nhoẻn miệng cười theo mẹ.
Đoàn dài xe cơ giới vẫn miệt mài dọn, sửa từng đoạn đường dẫn vào xã Phước Thành, Phước Lộc từ sau bão đến nay. Từ chỗ chỉ xe máy, rồi sau đó là ô tô hai cầu mới vào được, bây giờ đường đã thông hẳn, chỉ còn đôi chỗ bụi mù hoặc phải băng qua suối, song thế đã là quá tốt so với niềm mong của bà con vùng sạt lở.
Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành nói, thời gian qua, các cấp chính quyền, ban ngành liên tục về khảo sát, bàn vị trí, tìm kiếm phương án tái định cư cho người dân. Trước mắt, đã có 14 ngôi nhà bố trí theo hình thức xen ghép, với mức hỗ trợ 140 triệu đồng cho diện tích 48m2, đang được khẩn trương hoàn thiện, nỗ lực kịp bàn giao trước tết. Riêng 23 căn nhà bị hư hại 30 - 70%, huyện đã giải ngân số tiền hỗ trợ theo quy định để sửa chữa.
“Vấn đề lương thực, thực phẩm không còn phải lo ngại, do nguồn xã hội hóa lẫn các chương trình hỗ trợ cấp về cho dân đủ để đảm bảo người dân toàn xã có thể sử dụng trong vòng 2 tháng tới. Đối với bà con không có nhà ở, chính quyền huy động lực lượng làm nhà tạm cho dân và đã hoàn thành từ ngay trong mùa mưa năm 2020” - ông Phức nói.
2. Không còn phải đi đường vòng từ xã Phước Kim, lên Phước Thành mới vào được trung tâm xã nữa, tuần qua, đường vào Phước Lộc từ ngã ba Phước Chánh đã được khai thông, rút ngắn hơn nhiều thời gian di chuyển của bà con.
Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc đưa tôi vào căn nhà tạm ở đầu dốc, nằm không xa Trạm Y tế xã. Căn nhà cho 3 gia đình ở, với tất thảy 12 người, phủ bạt kín, đã bớt cảnh gió lùa thông thốc như hồi mới lũ. Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Y, một hộ gia đình khác bị mất nhà sau bão đang khấp khởi chờ ngày dọn vào nhà mới.
“Sau lũ, nghĩ mình trắng tay rồi, cơm ăn còn lo thiếu, huống chi chuyện làm nhà. Không ngờ rằng bây giờ sắp được có nhà mới, mà còn chắc chắn, an toàn hơn nhà cũ. Sống hơn nửa đời người rồi, tết này có lẽ là tết đáng nhớ nhất. Mừng lắm, không biết nói sao để diễn tả được niềm vui!” - bà Y xúc động.
Những nỗ lực bền bỉ của chính quyền cơ sở lẫn sự tiếp sức của cộng đồng giúp công tác khắc phục hậu quả bão lũ ở Phước Sơn đạt kết quả hơn cả kỳ vọng. Tại xã Phước Lộc, dù có đến 32 căn nhà bị xóa sổ hoàn toàn sau bão lũ, rất nhiều căn nhà khác bị hư hại nhiều mức độ, nhưng không gia đình nào phải sống cảnh màn trời chiếu đất.
Ngay sau khi đường thông, vật liệu xây dựng được đưa vào, hỗ trợ xây nhà ngay cho 4 hộ dân. Ba căn nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện, căn thứ tư được gấp rút đẩy nhanh tiến độ để kịp đón bà con vào ở trước tết. Con số, có thể nghe chừng nhỏ bé, nhưng nếu có mặt ở Phước Lộc những ngày sau bão, chứng kiến mức độ tàn phá kinh hoàng của thiên tai, sẽ hiểu được ý nghĩa đằng sau 4 ngôi nhà được xây dựng “thần tốc” ấy.
“Chúng tôi đã tính toán đến từng nhu cầu nhỏ nhất của bà con, lắng nghe ý kiến của từng nhà, từng người, để rồi kịp thời kiến nghị các cấp, ngành và cả những nhà hảo tâm hỗ trợ. Xã nỗ lực cân đối nguồn hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh, không để ai bị thiệt thòi. Ngoài nguồn hàng hóa, thực phẩm, nhu yếu phẩm đã cấp cho từng hộ gia đình, xã cũng có khoản dự trữ thiết yếu đủ để tiếp tục hỗ trợ trong thời gian người dân tìm kiếm sinh kế, khôi phục sản xuất sau thiên tai” - ông Thoại cho hay.
3. Chưa đủ lâu để xanh lại những vết lở in hằn trên từng quả núi, ngọn đồi. Nhưng, sau tất cả nỗi mong chờ, nắng ấm trở lại với vùng cao, lặng lẽ hồi sinh cho góc núi, làm sống dậy những niềm tin của bao người vừa chơ vơ bước ra từ thảm họa. Tôi đi ngang qua những vết lở xám màu đất đá ấy, vẫn không khỏi xót xa, nhưng rồi gặp những nụ cười, gặp những bếp lửa trong căn nhà tạm, lũ trẻ tươm tất hơn trong bộ quần áo mới, đã thấy ấm lại bao mặt người.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, sau những chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, tất cả tuyến giao thông về xã và phần lớn các tuyến đường về thôn đều đã được khơi thông trở lại. Chủ trương của tỉnh là phải tập trung cho công tác khắc phục, nỗ lực ổn định đời sống, đưa các hoạt động trở lại bình thường trong hai năm 2021, 2022. Riêng cái tết này, tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành, hội, đoàn thể tập trung cho từng phần việc, giúp đẩy nhanh công tác tái thiết vùng sạt lở. Xã Phước Lộc của Phước Sơn là xã bị chia cắt lâu nhất, song giờ đã thông toàn bộ tuyến đường ô tô vào trung tâm xã, lương thực, thực phẩm được cấp đủ cho bà con trong vòng 6 tháng kể từ sau thiên tai.
Ngoài ra, từ các nguồn vốn, tỉnh đã cấp, chỉ đạo huyện, xã cung ứng con vật nuôi, giống cây trồng để bà con tái sản xuất, có phương án giám sát, hỗ trợ. Đặc biệt, tỉnh rất tập trung vào việc làm nhà ở cho dân, cố gắng trước Tết Nguyên đán phải hoàn thành nhà ở cho khoảng 60% số gia đình bị mất nhà hoàn toàn do mưa lũ. Các hộ còn phải sống trong nhà tạm thì phải đảm bảo thật an toàn, đủ lương thực, nhu yếu phẩm, kịp thời cấp tiền hỗ trợ theo chế độ chính sách hiện hành.
“Đi khảo sát nhiều nơi, nhiều vùng, theo tôi, tết này với bà con vùng sạt lở dù không thể đủ đầy như trước nhưng nhất định sẽ đầm ấm, bớt đi nhiều lo toan” - ông Bửu chia sẻ.
Sẽ không một ai thiếu tết. Vùng sạt lở chắc chắn cũng sẽ đón xuân, trong niềm mong năm mới đủ đầy, ấm áp hơn sau bão lũ.