Suốt mấy năm qua, đều đặn 2 tuần một lần, 370 suất cơm từ thiện miễn phí được trao tận tay các bệnh nhân nghèo điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Đây là tấm lòng của đoàn viên Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.
Cầm tấm phiếu nhận cơm miễn phí trên tay chờ đến lượt nhận, anh Hồ Văn Điều ở xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) vui mừng nói, nhờ những suất cơm miễn phí mà mẹ anh - bà Nguyễn Thị Hồng, như được tiếp sức để chạy thận nhân tạo, vì bệnh này phải điều trị thường xuyên. Nếu không có những bữa cơm từ thiện như thế này, anh khó lo cho mẹ chu toàn. Gia đình anh Điều thuộc diện cận nghèo, từ khi mẹ anh bị bệnh, gia đình lại rơi vào diện nghèo. Cụ bà Phan Thị Nghĩa - 83 tuổi, điều trị ở Khoa Nội tổng hợp cũng bày tỏ niềm vui khi được xếp hàng nhận cơm ở bệnh viện. Cụ Nghĩa thật thà: “Được ăn cơm miễn phí của bệnh viện đỡ tốn tiền lại ngon và yên tâm nữa nên ai được nhận cơm cũng vui lắm...”.
Bệnh nhân nghèo nhận cơm từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: CHÂU NỮ |
Do kinh phí eo hẹp nên Ban Chấp hành Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chỉ có thể hỗ trợ bữa cơm cho những bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo đang điều trị tại các khoa, phòng, chứ không thể hỗ trợ bệnh nhân toàn bệnh viện. Đây là trăn trở của các y, bác sĩ bởi họ biết, đã là bệnh nhân, ai cũng cần lắm sự sẻ chia. Tuy nhiên, có một ngoại lệ, đó là tất cả bệnh nhân Khoa Ung bướu và Khoa Nội thận - nội tiết (chạy thận nhân tạo) đều được nhận cơm miễn phí. Lý do, như bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện chia sẻ, vì hầu hết bệnh nhân ở 2 khoa này phải điều trị lâu dài, thời gian có thể tính bằng năm, nên dù gia đình có điều kiện kinh tế, khi lâm vào các căn bệnh này, cũng trở nên khó khăn.
Để duy trì bữa cơm từ thiện, bác sĩ Kiều Trinh đã phải vận động các y, bác sĩ trong đơn vị cùng đóng góp, với mỗi tháng ít nhất 100.000 nghìn đồng/người. Bác sĩ Kiều Trinh tâm sự, nếu không có sự đóng góp quý báu của đồng nghiệp, bữa cơm cho bệnh nhân nghèo khó có thể duy trì như mấy năm qua. Ngoài ra, cũng không thể không kể đến sự hỗ trợ công sức của chị Phượng - người phụ trách căng tin bệnh viện. Vì kinh phí có hạn trong khi số bệnh nhân cần hỗ trợ lại nhiều nên chị Phượng phải tính toán chi li để đem đến cho bệnh nhân những suất cơm chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm với giá cả hợp lý nhất. Ngoài ra, khi biết được việc làm nhân văn của các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng tham gia hỗ trợ kinh phí.
Cố gắng nhiều lắm nhưng rồi cũng có lúc xảy ra tình trạng nhiều bệnh nhân không có phiếu vẫn muốn xin cơm, trong khi định suất thì có hạn. Bởi vậy, những người thực hiện bữa cơm từ thiện ở đây đều ước ao, giá như bệnh viện nhận được nhiều sự đóng góp hơn nữa để có thêm những bữa cơm miễn phí cho nhiều bệnh nhân hơn.
CHÂU NỮ