Khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng (VLTL-PHCN) Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (đóng tại Đại Lộc) ngày càng được tin tưởng không chỉ về chuyên môn, mà cũng là nơi làm cầu nối để những tấm lòng thiện nguyện đến với bệnh nhân nghèo điều trị tại đây.
Bác sĩ Phan Minh Đức tặng quà bệnh nhân. Ảnh: C.TÚ |
Làm tròn trách nhiệm
Kể từ ngày 1.10.2008, Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam có sự thay đổi khi một bộ phận được chia tách, thành lập thành khoa VLTL-PHCN với 5 nhân viên và 1 bác sĩ. Quy mô ban đầu theo kế hoạch là 10 giường bệnh nội trú, nhưng thực kê là 20 giường. Trên diện tích vỏn vẹn khoảng 50m2, khoa vừa thực hiện nhiệm vụ hành chính, vừa triển khai chuyên môn nhờ sự “giúp sức” của 1 máy kéo cột sống lưng, 3 máy rung mát xa, 1 máy siêu âm và điện xung kết hợp. Với điều kiện như vậy, y bác sĩ, nhân viên và kỹ thuật viên của khoa từng bước khắc phục khó khăn, áp dụng hiệu quả kỹ thuật VLTL-PHCN. Bác sĩ chuyên khoa I Phan Minh Đức - Trưởng khoa VLTL-PHCN cho hay, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân và nguồn lực của bệnh viện, cơ sở vật chất mà khoa đang sử dụng hiện nay đã được bố trí trên diện tích 2.000m2; trang thiết bị máy móc được đầu tư nhiều và hiện đại hơn. Trải qua 10 năm xây dựng, khoa hiện quy tụ 50 y bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên làm nhiệm vụ chuyên sâu điện trị liệu, vận động trị liệu, ánh sáng trị liệu, nhiệt trị liệu... Đặc biệt, nhân lực của khoa còn được học chuyên sâu về ngôn ngữ trị liệu do chuyên gia Hàn Quốc đào tạo hệ tập trung dài hạn tại Trường Đại học Y dược Huế.
Đến nay, số giường thực kê của khoa đã lên con số 100, ngoài ra còn có các khu hành chính, điện trị liệu, vận động trị liệu, âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, nhiệt điện trị liệu. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khoa điều trị kết hợp cùng các khoa Hồi sức tích cực, Nội tim mạch, Nội tổng hợp, khoa Ngoại… của bệnh viện. Đồng thời thực hiện phục hồi chức năng sớm cho người bệnh nhằm ngăn ngừa các thương tật thứ cấp đáng tiếc có thể xảy ra. Ông Trương Tấn Bửu - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đại Lộc cho hay, Khoa VLTL-PHCN của Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam là cơ quan đầu mối triển khai dự án “Hỗ trợ người khuyết tật vận động” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Vì vậy, người khuyết tật tại Phú Ninh, Duy Xuyên và Đại Lộc được nâng cao khả năng tiếp cận các dụng cụ hỗ trợ (xe lăn, xe lắc, nạn chống, khung tập đi, chân tay giả…) có chất lượng, hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày. Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, đơn vị còn luân phiên tăng cường cán bộ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở.
Nhiệt tâm thiện nguyện
Cuối năm 2018 này, Khoa VLTL-PHCN sẽ được xây mới 5 tầng để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám, nằm điều trị nội trú của bệnh nhân. Ngoài ra, bằng hình thức chuyển giao (đi học các trường, bệnh viện khác), giai đoạn 2018 - 2020, khoa triển khai kỹ thuật mới chăm sóc tủy sống, hoạt động trị liệu, tâm lý trị liệu, kỹ thuật sản xuất dụng cụ chỉnh hình, laser nội mạch, thủy trị liệu, xây dựng phòng thực hành lâm sàng chuyên ngành VLTL-PHCN. |
Không chỉ trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị, Khoa VLTL-PHCN Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam còn được biết đến là “cầu nối nhân ái” cho các nhà thiện nguyện sẻ chia cùng người bệnh. Đối với bệnh nhân nằm điều trị thường xuyên, các y bác sĩ, nhân viên nơi đây thường trích kinh phí đóng góp để hỗ trợ, động viên họ. Vào dịp lễ tết, với sự kêu gọi và vận động của Trưởng khoa Phan Minh Đức, nhiều tấm lòng thiện nguyện ở các vùng miền đã liên hệ để đến trao những suất quà ấm áp nghĩa tình tặng bệnh nhân đang điều trị tại đây. Bệnh nhân điều trị ở khoa chủ yếu đến từ Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nam Giang… và hầu hết cần điều trị dài lâu. Đáng nói hơn, phần lớn trong số họ thuộc diện nghèo, nay “gánh” thêm bệnh rồi không lao động được nên khó khăn chồng chất. Do đó, có khi tết đến, nhiều người bất khả kháng phải ở lại bệnh viện điều trị. Và để chia sẻ với người bệnh, bác sĩ Đức nói riêng và cán bộ, nhân viên của khoa đã kết nối các tổ chức, cá nhân hảo tâm hướng tới cộng đồng, đồng thời cũng đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân.
Ông Trần Việt Hưng (xã Đại Chánh, Đại Lộc) năm nay 75 tuổi bị tai biến cách đây gần 8 năm, tay chân tê cứng đi lại khó khăn trong khi gia cảnh neo đơn; bệnh tật cộng thêm tuổi già nên ông phải thường xuyên nằm lại bệnh viện để điều trị. Từ đó đến nay, ông xem Khoa VLTL-PHCN không khác gì nhà của mình. Bởi một lẽ, các y bác sĩ, nhân viên, kỹ thuật viên nơi đây quan tâm ông như người thân trong gia đình. Ông Hưng chia sẻ: “Bệnh tình của tôi phải điều trị lâu dài, trong khi gia cảnh neo đơn, không có vợ con. Vì vậy, sự quan tâm, chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ tại khoa khiến tôi rất xúc động. Nhớ nhất vào cuối năm ngoái, bệnh nhân Khoa VLTL - PHCN ngoài được nhận quà tết từ nhiều tổ chức và cá nhân, còn được ăn bữa cơm tất niên ấm cúng ngay tại khoa”.
CÔNG TÚ