Mùa thu này, cuộc đấu tranh Cây Cốc đầy bi hùng của nhân dân huyện Tiên Phước tròn 60 năm. Chúng tôi về Tiên Thọ, gặp gỡ những nhân chứng sống đã tham gia cuộc đấu tranh và ghi nhận sự quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách của địa phương.
Ngôi nhà khang trang của gia đình cụ Phạm Đường được xây dựng từ sự hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước. Ảnh: PHẠM HOÀNG |
Theo chân chị Nguyễn Thị Ánh - cán bộ văn hóa xã hội xã Tiên Thọ, chúng tôi đến thăm gia đình cụ Đặng Thị Sính ở thôn 10, cháu của liệt sĩ Đặng Lai hy sinh trong cuộc đấu tranh Cây Cốc. Cụ Sính cùng chồng là Nguyễn Sừng năm nay đã ngoài 90 tuổi. Hai cụ là những người tích cực tham gia cuộc đấu tranh Cây Cốc và may mắn thoát chết. Cụ Nguyễn Sừng cho biết, cùng với sự chăm sóc của con cháu, hai cụ được Nhà nước quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế, trợ cấp hàng tháng nên cuộc sống khá ổn định. Số tiền trợ cấp tuy không nhiều, nhưng chính sự quan tâm đó đã làm ấm lòng những người có công đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Điều trăn trở lớn nhất của hai cụ là 60 năm nay chưa tìm được hài cốt liệt sĩ Đặng Lai. Cụ Đặng Thị Sính ngậm ngùi: “Chúng tôi chỉ còn biết cầu cho linh hồn của chú được siêu thoát về với ông bà, tổ tiên để con cháu phụng thờ, hương khói”.
Cụ Phạm Đường năm nay 94 tuổi, ở thôn 7, có anh ruột là liệt sĩ Phạm Khả, nguyên là Trung đội trưởng dân quân du kích xã Tiên Thọ hy sinh trong cuộc đấu tranh Cây Cốc. Hàng năm, cứ đến ngày 2.9 âm lịch, khi gia đình làm đám giỗ cho liệt sĩ Phạm Khả, cụ Đường lại ra Tượng đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Cây Cốc thắp nén hương tưởng nhớ anh trai. Bản thân cụ Đường cũng là cán bộ cách mạng tham gia công tác tại địa bàn thôn 7. Ngay sau khi anh trai hy sinh, cụ bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An, rồi chuyển đi các nhà lao khác trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Sáu mươi năm đã trôi qua, gần 40 năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, cuộc sống của người dân Tiên Thọ nói chung, người có công nói riêng đã đổi thay đáng kể. “Đường sá đi lại thuận tiện, điện thắp sáng khắp nơi, trường trạm được xây dựng đàng hoàng, người có công được Nhà nước và xã hội chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần, được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố. Lớp người chúng tôi được nhìn thấy những thành quả của ngày hôm nay cũng thấy lòng an ủi cho những hy sinh mất mát trước kia” - cụ Đường nói về cuộc sống hôm nay trên quê hương Tiên Thọ.
Trong ngôi nhà khang trang được xây dựng năm 2008, ông Trần Phú Xuân ở thôn 4 kể cho chúng tôi nghe về thời điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc. Khi đó ông Xuân là Trưởng Công an xã Tiên Thọ kiêm Bí thư Chi bộ thôn 4. Mặc dầu bị địch kiểm soát gắt gao sau vụ thảm sát tại Cây Cốc, Chi bộ thôn 4 vẫn tổ chức lễ truy điệu cho đồng bào, đồng chí bị sát hại. Sau đó, ông Xuân bị địch bắt vì tham gia cuộc đấu tranh Cây Cốc, nhưng không tìm được chứng cứ ông tham gia cách mạng, bọn chúng đành phải trả tự do. Trở về quê, ông lại tiếp tục tham gia cách mạng. Sau ngày quê hương giải phóng, ông Xuân cùng nhân dân địa phương tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Bây giờ ông đã nghỉ hưu và luôn động viên con cháu học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Thọ cho biết, Tiên Thọ là một trong những địa phương có số gia đình chính sách nhiều nhất huyện Tiên Phước. Vì vậy, xã luôn xác định công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống các gia đình chính sách là nhiệm vụ hàng đầu. “Ngoài việc đảm bảo thực hiện chế độ chính sách chính xác, kịp thời theo đúng quy định, hàng năm chúng tôi đều tổ chức gặp mặt, động viên gia đình thương binh, liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách tiêu biểu dịp lễ, tết, trường hợp bị ốm đau, hoạn nạn. Địa phương cũng tranh thủ tối đa các nguồn để hỗ trợ gia đình chính sách cải thiện nhà. Đến nay, 100% gia đình chính sách, người có công của xã không còn ở nhà tạm bợ; các hộ đều có cuộc sống ngang bằng hoặc cao hơn so với cộng đồng dân cư”.
PHẠM HOÀNG