Khi danh ca Tuấn Ngọc tổ chức liveshow “Mùa đông yêu thương” tại TP.Tam Kỳ vào cuối năm 2017, nhiều khán giả mộ điệu ông từ lâu bỗng chốc hân hoan. Và hẳn, không chỉ lần đầu tiên, xứ Quảng đón một người nghệ sĩ tên tuổi lớn...
Liên hoan Bolero thu hút người tham dự. Ảnh: LÊ QUÂN |
Và khi cùng nhìn lại một chặng đường của các sự kiện âm nhạc năm rồi ở xứ Quảng, có nhiều điều vui... Trong đó, phải kể đến tin vui của một sự chuẩn bị dài hơi và chu đáo để nghệ thuật bài chòi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Dẫu thế nào, là âm nhạc trữ tình ăn sâu hàng nhiều thập kỷ bởi những giọng ca một thời vang bóng, hay là một mạch nguồn dẫu bình dân mộc mạc nhưng mang hồn cốt vùng đất như những câu ca dân gian, thì âm nhạc nói chung luôn là điều khởi đi từ trái tim...
Không quá bất ngờ khi đón nhận tin bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới do UNESCO công nhận. Sao không phải là hát bả trạo hay tuồng mà lại là bài chòi? Có lẽ bởi cái sức sống bền bỉ của loại hình nghệ thuật “vừa bình dân vừa bác học”, vừa có tính sử học dân gian lại vừa hàm chứa trong nó những câu chuyện thời đại, đã được kế truyền, từ đời này sang đời khác. Tinh thần dân gian là điều đầu tiên để bài chòi làm nên vị thế của chính mình. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nói, ông có niềm tin mãnh liệt vào các loại hình nghệ thuật dân gian đang “sống tốt” ở thời hiện tại. Hai từ “sống tốt” được bật ra, bởi đó không chỉ là giá trị của quá khứ, mà nghệ thuật phải có cả giá trị của hiện tại. Khi các chòi tre được dựng lên, thì đầu tiên tinh thần của một loại hình nghệ thuật truyền thống, một trò chơi dân gian – đã được giữ đúng. Các điệu hô, điệu hát, vì thế mà cũng tối giản phương thức trình diễn. Cái tính “giản dị” mà cũng rất cao quý của dân gian, mới là thứ làm nên bản sắc. Nhạc sĩ Đào Minh Tâm (Bình Định) cho rằng, mỗi địa phương đều có một loại hình nghệ thuật dân gian với những dị bản và đặc sắc của địa phương. Cũng là bài chòi đó, trên nền chung của sự hình thành, mỗi một vùng của xứ miền Trung nắng gió lại biến tấu riêng, để cho ra những câu hô, câu hát đặc sắc của vùng đất mình. Và không ai có thể quên đi, làm lạc mất được tinh thần của ông bà để lại, của bao nhiêu đời tích lũy nên.
Không chỉ là sức sống, tinh thần dân gian của những bộ môn nghệ thuật truyền thống còn được gọi tên bằng “lẽ sống”. Bởi đó là điều được trao truyền bằng tình yêu, bằng say mê. Nhạc sĩ Nguyễn Cường trong lần về Tây Giang sáng tác, đã chia sẻ rất thực lòng rằng, nếu có điều kiện, ông muốn đưa tất cả chất liệu của âm nhạc dân gian mọi vùng miền vào những sáng tác của mình. “Âm nhạc dân gian của chúng ta là điều đáng tự hào với thế giới. Nền âm nhạc cổ truyền mà chúng ta đang có là sự kết tinh đáng tự hào của những sáng tạo nghệ thuật vô giá được lưu truyền, bồi đắp qua nhiều thế hệ, là minh chứng sống động cho một nền văn hóa dân tộc đa dạng, giàu bản sắc và có lịch sử lâu đời. Ðó là những làn điệu hát ru mềm mại, những câu hát giao duyên tình tứ, là các điệu hò, vè, ví, lý đặc sắc, là giai điệu đặc trưng của tuồng, chèo, cải lương, ca Huế, chầu văn, quan họ, bài chòi...” - ông chia sẻ. Và cái vốn liếng của dân tộc này, gần như mang giá trị là một tấm “căn cước” của mỗi vùng đất. Định danh cho một loại hình nghệ thuật trở thành di sản của nhân loại, hẳn không chỉ là một sự công nhận. Ở đó, còn có cả việc gửi gắm trách nhiệm bảo tồn – một thứ trách nhiệm đã được gắn kèm với sự tôn vinh, đòi hỏi phải phát huy cho được giá trị của di sản, để phục vụ cho chính cuộc sống hôm nay… Dù vốn quý ấy đang đứng trước nguy cơ không được tiếp tục trao truyền, khi càng ngày đối tượng thưởng thức càng hạn hẹp… Nhưng niềm hy vọng dù bé mọn, vẫn phải được thắp lên…
Cũng lần đầu tiên trong năm 2017, Quảng Nam tổ chức Liên hoan Bolero và nhạc quê hương lần thứ nhất. Là một sân chơi quy tụ hơn 400 tiết mục âm nhạc tham gia ngay ở vòng loại, nó mang lại sự hào hứng không ngờ của những người dân ở mọi độ tuổi, ngành nghề. Thêm một lần nữa, người dân xứ Quảng sau những mưu sinh thường nhật, dành thời gian để “sống cùng âm nhạc”. Và để thấy rằng, âm nhạc sẽ là phương tiện kết nối những người xa lạ trên quê hương mình, đứng cùng nhau. Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh chia sẻ, khi giai điệu bolero gần như là thứ “nằm lòng” của mỗi người dân lao động, thì việc tạo nên sân chơi thu hút nhiều người tìm đến như vậy, là điều dĩ nhiên.
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích, vốn dĩ là người rất chuộng những giai điệu dân gian, hồ hởi kể những câu chuyện về tinh thần của người dân ở mọi vùng đất đón nhận những chương trình biểu diễn. Âm nhạc, trong câu chuyện nào, cũng là để khởi đi những thông điệp. Và dẫu chắt chiu sâu sắc hay ào ạt những bản hùng ca, thì vẫn đọng lại ở đó – những giai điệu đủ để người biết quý yêu quê nhà và con người… Khi một vùng đất biết cách “tử tế” với nghệ thuật, thì những thô sơ đã từng “ám vận” bởi nhiều cuộc mưu sinh, sẽ tự khắc tìm cách chìm lắng, nhượng lại chỗ cho những giá trị văn hóa đẹp, tìm đến…
LÊ QUÂN