(Xuân Tân Sửu) - Hỗ trợ, đồng hành với người dân trồng cây dược liệu là lối đi mà Nam Trà My xác định lâu dài. Hướng đi này đã giúp nhiều hộ dân có điều kiện đầu tư các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Phát triển mô hình trồng quế
Những đỉnh núi bạt ngàn ở thôn 1, xã Trà Dơn (huyện Nam Trà My) giờ đây đã được phủ xanh bởi quế, từ loại cổ thụ đến những cây mới ươm trồng. Từ hơn chục cây quế cổ thụ của gia đình, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (thôn 1, xã Trà Dơn) đã dùng hạt giống của cây quế gốc để gieo, nhân giống. Rồi vợ chồng ông khai hoang nương rẫy để trồng thêm, đến nay đã nhân lên được hơn 20 nghìn gốc quế.
Thấy ông Tuấn chăm chỉ làm ăn nên xã Trà Dơn giúp ông vay vốn ngân hàng để nhân rộng rừng quế. Khi có thu nhập từ quế, ông mua thêm trâu bò thả nuôi. Ông tâm sự, nhờ cây quế mà gia đình không còn nằm trong diện hộ nghèo hơn 3 năm qua.
"Một gốc quế trưởng thành tôi lột vỏ bán cũng được 4 - 5 triệu đồng. Quế cổ thụ cho hạt thì bán hạt giống, cứ 1 lon 100 nghìn đồng, 1kg 400 nghìn đồng, rồi ươm giống thành cây con bán nữa. Khi quế còn nhỏ, tôi trồng xen ghép sắn, bắp, rau các loại, chăm sóc kỹ thì đủ ăn rồi. Nhờ cây quế và sự hỗ trợ của xã mà tôi mới thoát nghèo được" - ông Tuấn cho biết.
Theo ông Hồ Văn Vân, cán bộ LĐ-TB&XH xã Trà Dơn, bà con ở thôn 1 nói riêng và xã Trà Dơn nói chung thoát được nghèo chủ yếu nhờ cây dược liệu, chủ lực là cây quế. Riêng trong năm 2020, xã có đến 50 hộ thoát nghèo nhờ tham gia trồng quế.
Ông Vân cho biết: "Ở Trà Dơn vào năm 2017 có đến 200 hộ nghèo trong tổng số 348 hộ dân, đến năm 2020 chỉ còn 88 hộ nghèo. Việc hỗ trợ người dân trồng quế để thoát nghèo là mô hình bền vững với người dân ở đây. Cây quế còn giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng nên xã khuyến khích người dân trồng quế bản địa, lấy đó làm sinh kế thoát nghèo".
Hỗ trợ sau đầu tư
Nhằm tăng trách nhiệm của người dân đối với việc thực hiện mô hình trồng dược liệu thoát nghèo, huyện Nam Trà My đã có chính sách hỗ trợ người dân sau đầu tư. Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết: "Khi người dân tự mua giống cây dược liệu đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng, tự trồng, chăm sóc, sinh trưởng tốt thì đề nghị UBND xã nghiệm thu, hỗ trợ theo đúng số lượng, diện tích thực tế đã được gieo trồng. Hộ nghèo có đăng ký thoát nghèo đều được yêu cầu phải có phương án sản xuất, mô hình sản xuất đi kèm. Hầu hết hộ nghèo đều đăng ký trồng cây dược liệu, bởi nó phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như điều kiện sản xuất của người dân. Trà Dơn có quế; Trà Nam, Trà Cang có sâm nam, đinh lăng; Trà Tập, Trà Linh có sâm Ngọc Linh; nhiều xã khác có loại dược liệu quý đều có thể nhân giống, gieo trồng và tạo nên nguồn thu nhập".
Từ nguồn hỗ trợ của các chương trình phát triển vùng miền núi, dự án giảm nghèo, huyện Nam Trà My đã xây dựng 10 mô hình, trong đó có mô hình trồng dược liệu. Trong 142 hộ tham gia 10 mô hình thì đã có đến 111 hộ nghèo và 20 hộ mới thoát nghèo, chỉ có 11 hộ không thuộc hộ nghèo tham gia các mô hình. Một hộ nghèo tham gia trồng dược liệu sinh trưởng tốt, được hỗ trợ sau đầu tư khoảng 20 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn tự có, sức lao động, và sự giúp đỡ về nguồn vốn vay, hộ nghèo ở Nam Trà My đã tìm được hướng đi phù hợp trên con đường thoát nghèo.
Điều đặc biệt, người dân ở Nam Trà My với tính cố kết cộng đồng, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển các mô hình dược liệu khá hiệu quả. Ở Trà Linh, những người có vườn sâm Ngọc Linh thường đổi ngày công thành cây sâm giống cho hộ nghèo nếu họ có nhu cầu trồng sâm, tạo điều kiện giúp hộ nghèo tiếp cận nguồn cây giống. Ở Trà Nam, hộ dân có nhiều đất phù hợp trồng dược liệu cho những hộ khác mượn hoặc thuê đất. Sự tương trợ lẫn nhau, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu, đưa sản phẩm ra thị trường giúp người dân Nam Trà My yên tâm trồng dược liệu để thoát nghèo bền vững.