Tạp văn

Ấm nồng từ ớt hiểm

NGUYỄN ĐẠI BƯỜNG 25/02/2024 13:15

Cây ớt hiểm ấy mọc chen chúc trong lùm hàng rào dâm bụt sau vườn nhà tôi, cùng với các cây cỏ dại khác. Người Quảng mình, bữa cơm nào không có trái ớt, lại thấy thiêu thiếu.

cay-ot-hiem-4.jpg
Trái ớt hiểm - loại cây ưa hoang dại. Ảnh: Minh họa

Cây ưa hoang dại

Năm nay, chưa tới cuối Giêng, cái nắng mùa của miền Nam dai dẳng. Tiết trời còn khốc liệt hơn. Tôi thèm ngang cơn gió xuân của xứ Quảng quê mình.

Căn nhà đang ở cây cỏ héo queo, giòn tan, vàng rụm. Buổi chiều, tôi thường ra vườn tưới cây. Thấy cây ớt ở đó lâu rồi nhưng không chú ý lắm. Trái thì nhiều, đỏ choét, líu chíu chĩa lên trời. Trái nhỏ xíu, chưa bằng ngón tay út của cậu bé con vừa lên ba.

Tiện tay tưới cây cỏ mình trồng thì xịt cho nó chút nước, vướng víu quá thì thôi. Cũng chẳng hơi đâu mà đứng đó hái trái của nó. Lằn mằn lắm, biết đến bao giờ mới hái được bụm ớt.

Mà cũng lạ, cái giống ớt hiểm mọc hoang ở bờ rào, lu lấp nhưng sức sống thật bền bỉ. Mùa mưa thì không nói làm gì, cứ chen chúc, khuất lấp mà thở.

Rồi chúng lên xanh mướt, đâm chồi nẩy lộc, lung liêng cành lá. Hoa trắng li ti, âm thầm kết trái, rồi mọng chín đỏ tươi như đốm lửa bé xíu thầm kết tinh, gom góp ánh nắng mặt trời.

Nắng hạn thì trụi lá, cằn khô ẩn mình chứ không chết, chờ khi có nước lại đơm chồi. Dường như loại cây ớt hiểm này chỉ thích tự do mọc bụi mọc bờ.

Nó không ưa chăm nom xới bón đường hoàng trong kiểng, trong chậu. Sinh trưởng thì tốt cây tốt lá đấy nhưng sẽ bị quắn, ruỗng trái do dễ bị sâu bệnh, nấm mốc.

Trái nhỏ... nhưng có võ

Nhưng tại sao nó lại mang tên là ớt hiểm? Có lẽ, tuy nhỏ trái nhưng độ cay thì không có loài ớt to trái nào bằng. Nhỏ mà có võ, “nội công thâm hậu” chăng? Ở quê tôi thì cứ nôm na, coi mặt mà bắt hình dong, gọi nó là ớt... cứt chuột bởi hình dáng nhỏ bé của nó.

Nhớ ngày giãn cách xã hội bắt đầu vì dịch COVID-19, đâu cũng ngăn sông cấm chợ như thời bao cấp. Các con ở xa, nhà chỉ còn hai vợ chồng già. Cả tháng trời đóng cửa im ỉm cũng chẳng sao. Bởi, mảnh vườn bé xíu khoảng 50 mét vuông đủ sức cung cấp rau cỏ hàng ngàv.

Nhưng bữa cơm nào cũng thấy thiếu trái ớt cay. Mọi khi cứ quen dùng ớt to trái, tươi róng, mướt rượt mua ở chợ hoặc các loại hũ ớt công nghiệp dầm chua ngọt, tương ớt trong siêu thị. Giãn cách không đi lại được, thèm mỗi cái vị cay.

Thế là trong cái khó lại nhớ đến nó - cây ớt hiểm lút lấp sau vườn. Tưởng chỉ có mình ra “thăm” cây ớt, nào ngờ còn có cả mấy con chim chóp mũ tíu tít ới nhau xòe lên, cụp xuống, rỉa rót ngon lành từng chùm chỉ thiên đang phơi nắng. Chúng nó làm như cố ăn ớt để nhanh biết nói tiếng người không bằng!

Thấy bóng tôi ra, chúng dáo dác tản lên, núp vào mấy tàng cây bơ, cây điều gần đó. Bữa sau, vợ tôi ra vườn vào, nói, sao anh không hái cho hết mấy trái ớt? Chín đỏ rực, chim ăn hết cả kia kìa!

Tôi cười, có phải mình trồng đâu. Lũ chim trồng đó! Nó ăn ở nơi nào, đem hạt về gieo rắc trong vườn thôi. Không có nó thì làm sao có cây ớt mọc trong vườn mình. Chỉ xin vài trái, ăn ké nó chút đỉnh là quý rồi!

Tham làm gì!

Cái giống ớt không có thì thấy thiếu chứ chẳng ai ăn được nhiều. Hái cho lắm vào để lâu cũng thối nhũn.

Cái gì hiếm thì quý! Cây ớt hiểm ấy là niềm vui nhỏ nhoi, là sự đầm ấm đơn giản trong những bữa cơm. Tôi đem bụm ớt hiểm trong tay vừa hái chia đều cho các nhà hàng xóm, vài ba trái ít ỏi thôi mà ai cũng vui. Niềm vui đầm ấm nghĩa tình lây lan cả xóm, vơi đi những lo toan.

Trái ớt hiểm nhỏ xíu mà thiệt cay, mà thiệt nồng ấm tình người. Đôi khi, có cái khó một chút mới ngó lại. Mới thấy mọi điều diễn ra chung quanh mình cứ tắp lự, mình cởi mở tâm tình mới biết, mới thấu nhận ra mỗi điều san sẻ đẹp biết chừng nào.

Mọi chuyện sẽ trở nên dễ thương, dễ sống hơn khi ta chú ý nhìn sâu vào từng khoảnh khắc vô thinh đang vận hành.

Bầy chim nhỏ rồi sẽ thông cảm với tôi thôi. Chúng sẽ đi về, bay lên bay xuống, lích chích trong khu vườn với cây ớt hiểm hiền lành, nhỏ nhoi, cứ xanh non rồi đỏ ròi rọi, mà đầy sức sống.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấm nồng từ ớt hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO