Tính đến cuối năm 2015, Quỹ khám chữa bệnh BHYT của tỉnh bội chi gần 200 tỷ đồng.
Hầu hết cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT, trong đó tập trung nhiều nhất ở các bệnh viện (BV) như: BV Đa khoa Bắc Quảng Nam, BV Đa khoa Quảng Nam, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam, kể cả những BV tư như Minh Thiện… Lý giải điều này, bác sĩ Thân Trọng Long - Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, tình trạng âm quỹ khám chữa bệnh BHYT xảy ra do việc phân bổ đầu thẻ BHYT cho BV còn rất thấp. Hiện nay, toàn huyện Núi Thành có gần 100 nghìn dân, nhưng BV chỉ được phân gần 15 nghìn đầu thẻ BHYT. Hơn 50% trong số đó là những đối tượng thuộc BHYT loại 2, loại 3 (là những thẻ BHYT dành cho những người nghèo, lao động mất sức, hưu trí…). Hiện nay, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam có 25 bàn khám nhưng mỗi bàn chỉ tiếp nhận 15 - 20 lượt người tới khám mỗi ngày. Trong khi đó, ở Trung tâm Y tế huyện Núi Thành, mỗi ngày có hàng trăm lượt người tới khám, thậm chí cao điểm còn lên đến 500 - 600 người. “Nếu chia bớt đầu thẻ BHYT cho chúng tôi thì sẽ cân đối lại được quỹ khám chữa bệnh này…” - ông Long nói.
Ông Bùi Duy Thành - Trưởng phòng Giám định BHYT (thuộc BHXH tỉnh) cho biết, việc bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Nhưng chủ yếu là do mức quỹ thấp mà lượt khám bệnh gia tăng nên không thể tránh khỏi việc bị âm quỹ. Ông Thành giải thích: “Tổng mức quỹ khám chữa bệnh BHYT hàng năm được cấp là 842 tỷ đồng. Hiện nay Quảng Nam có 88,7% người tham gia BHYT, chia ra đầu người thì bình quân mỗi thẻ được hưởng trên 1,3 triệu đồng/năm. Như vậy vẫn còn thấp so với thực tế. Có nhiều người (đầu thẻ) chỉ một lần khám đã vượt qua con số đó bởi đó là những ca bệnh nặng, mãn tính phải sử dụng thuốc, kỹ thuật công nghệ cao. Có đầu thẻ mỗi tháng khám đến 20 lần thì khó có thể không bị âm quỹ”. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT chính là việc chuyển bệnh nhân đa tuyến, đi điều trị ngoại tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế, chi phí của mỗi bệnh nhân ra ngoại tỉnh điều trị rất cao, gấp 3 - 4 lần so với tuyến tỉnh và gấp 7 - 8 lần so với tuyến huyện. Chỉ tính riêng trong năm 2015, số tiền vượt quỹ BHYT do chuyển đi ngoại tỉnh đã là 310 tỷ đồng. Nếu các BV trên địa bàn đủ điều kiện, đủ cơ sở vật chất để chữa trị, và quan trọng nhất là tạo được sự tin tưởng để người bệnh an tâm điều trị thì số tiền vượt quỹ sẽ giảm đi rất nhiều. “Việc đầu thẻ BHYT phân bổ cho BVĐK Trung ương Quảng Nam thấp là do quy định của Bộ Y tế trong việc phân định tuyến đăng ký BHYT. Do là BV cấp trung ương nên chỉ có một số đối tượng mới được đăng ký BHYT tại đây. Thời gian tới, sở sẽ kiến nghị Bộ Y tế để thông từ tuyến huyện, tỉnh lên trung ương cho những người dân ở khu vực này để giúp BV có thể giảm bớt bội chi trong khám chữa bệnh BHYT” - bà Liên cho biết thêm.
Trong cuộc họp mới đây giữa BHXH Việt Nam, UBND tỉnh và các bên liên quan, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho biết, sẽ cân đối lại số tiền mà Quảng Nam đã bội chi từ quỹ của BHXH Việt Nam theo đúng quy định. Đồng thời cũng mong muốn rằng, các bên liên quan sẽ tìm ra được những biện pháp căn cơ để khắc phục tình hình như hiện nay.
NGUYỄN DƯƠNG