Cũng như các dân tộc khác sinh sống trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào dân tộc Ca Dong huyện Bắc Trà My và Nam Trà My từ xa xưa đã biết tìm tòi những thực phẩm có sẵn trong thiên nhiên, trong săn bắn, hái lượm và cả trong trồng trọt, chăn nuôi để làm thức ăn trong gia đình.
Người Ca Dong rất thích món nướng.Ảnh: GIA PHÚC |
Sống trong môi trường được thiên nhiên ưu đãi, mùa nào thức ấy, trong chiếc gùi của người phụ nữ Ca Dong sau một ngày lao động trên rẫy lúc trở về nhà đều có những bó măng tươi, rau dớn, đọt mây rừng, rau lang, búp chuối rừng, bí, bầu trồng trên rẫy, đến những mớ ốc đá, cá lăng, tôm, cua đá dưới suối… Với những đàn ông, thanh niên Ca Dong trong một ngày vào rừng săn bắn, đặt bẫy may mắn có thêm nào là chuột rừng, heo rừng, dúi rừng, nai, chim, sóc…
Ẩm thực luôn ẩn chứa những giá trị của đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, phong tục tập quán, các lễ hội… Việc chế biến các món ăn của người Ca Dong không cầu kỳ, nhưng mang những nét rất riêng, phản ánh kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác. Một số người lớn tuổi trú tại nóc ông Nếp (thôn 9, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) cho biết, như món rau dớn, thì họ chỉ nấu với tôm, cua và các loại cá suối chứ không nấu cùng thịt heo, mang, nai… Riêng với món gà nướng, thì luôn dành cho phụ nữ mới sinh và người già, trẻ em thiếu chất dinh dưỡng.
Để chế biến món ăn từ gà, heo, vịt, mang, cheo…, người Ca Dong đều đem thui chúng trên lửa cho cháy trụi rồi mới cạo/vặt lông. Khi làm xong, các con vật cũng được mổ và tùy theo sở thích mà chế biến các món riêng. Khi xắt thịt, họ ngồi kẹp chuôi dao vào giữa hai chân, ngửa lưỡi dao lên hoặc hướng lưỡi dao ra phía trước, tay cầm tảng thịt đều đều cứa vào dao cắt thành miếng nhỏ. Đặc biệt, họ rất thích món nướng. Nhiều loại thực phẩm được cho vào ống lồ ô, ống nứa còn non nút kín miệng ống rồi nướng trên than củi. Ngoài ra, người Ca Dong còn thích món tiết canh và các món tái. Vào những dịp lễ hội của làng và gia đình, thì có món cơm gói lá được cho là đặc sản không thể thiếu. Họ thường dự trữ thực phẩm cho mùa giáp hạt bằng cách phơi khô, ướp mặn trong ché, trong ống, món làm chua…
Thức uống không thể thiếu trong mỗi gia đình, lễ hội của cộng đồng người Ca Dong là rượu cần được làm trong ché. Nguyên liệu dùng làm rượu cần thường được sử dụng là củ sắn, gạo tẻ, gạo nếp thang. Men rượu được làm từ cây mọc trong rừng. Việc làm men bắt đầu từ việc gặp cây men trong rừng và thực hiện với những kinh nghiệm trao truyền từ đời này sang đời khác, là bí quyết riêng của mỗi gia đình.
Theo phong tục truyền thống của người Ca Dong, để có một ché rượu cần ngon, trong suốt quá trình làm rượu, người thực hiện phải kiêng nhiều thứ, như luôn giữ cho người sạch sẽ, mỗi sớm mai phải thử men bằng cách nhấm men sau đó mới được ăn sáng. Nếu không men sẽ làm cho rượu đắng hoặc chua giống thức ăn mà người làm men ăn vào. Với người Ca Dong, việc làm rượu rất kỳ công, lại gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của chủ nhân nên những ché rượu ngon, người làm rượu cần giỏi được cả cộng đồng tôn vinh, kính trọng.
SƠN GIA PHÚC