Dù cuộc sống hiện đại với nhiều cửa hàng sang trọng bày ra gọi mời nhưng nhiều người dân phố thị vẫn có thói quen lựa chọn thức ăn đường phố. Ẩm thực đường phố vì vậy vẫn tồn tại và trở thành nếp văn hóa sinh hoạt trong đời sống thị dân.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn thức ăn đường phố.Ảnh: T.M |
Nếp sinh hoạt thị dân
Trên những con đường phố thị, không khó để người mua tìm gặp những món ăn đường phố. Thức ăn đường phố thường được bày bán dưới những dạng thức khác nhau. Đó là những hàng quán được đặt cố định với chiếc bàn nhỏ hay được bán di động như gánh hàng rong, chiếc xe đẩy, mủng trái cây… Ở đó có thể ghi dăm ba chữ ngắn gọn hoặc được cài những chiếc loa phát lên tiếng rao quen thuộc về các món ăn. Ở Tam Kỳ, thức ăn đường phố đông đúc, náo nhiệt nhất có lẽ ở những con đường Nguyễn Thái Học, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lợi hay khu ăn uống gần Trường Đại học Quảng Nam. Ở thị xã Điện Bàn, người ta có thể thấy thức ăn đường phố dọc bờ kè chân cầu Vĩnh Điện. Thế giới ẩm thực đường phố nơi đây phải kể đến các loại: bánh bột lọc, bánh tráng trộn, hến xào, bánh canh, ram, bún thịt nướng, bánh mì nướng muối ớt, ốc hút, khoai lang, cá viên chiên, bắp rang bơ, bánh mì bột lọc, bánh kẹp, bánh xèo… Ẩm thực đường phố còn gồm các loại trái cây được bày bán theo thời vụ như chôm chôm, chuối, lòn bon, hồng, bưởi, thanh trà… Trong khi đó, ở Hội An là sự hiện diện của những món đặc trưng: cao lầu, hoành thánh, bánh cuốn thịt nướng, bánh vạc, bánh mì, bánh tráng đập, bắp nướng, bánh xoài… Các món tráng miệng thu hút như: tàu hũ đá, kem, nước chè xanh, đậu ván, đậu xanh, nước sen…
Có lẽ, ẩm thực đường phố quyến rũ người ta phần nhiều ở mùi vị thơm ngon, đặc trưng, hấp dẫn. Dù còn ở cách một đoạn khá xa nhưng những loại thức ăn, bánh trái đường phố đa dạng đã kịp đánh động đến giác quan để rồi ai cũng muốn ghé chân. Đặc biệt, người ta có thể thưởng thức món ăn ngay trên các con đường phố thị, trước vỉa hè, tại chiếc xe đẩy, tụ tập dưới gốc cây hay trong hàng quán. Những ngày hè oi bức, mùi thức ăn phảng phất hương vị của gió, của sông nơi bờ kè. Những ngày đông rét mướt, ăn trên đường phố có hơi ấm của bếp than và sự rả rích của nước mưa dưới chái hiên đang ngồi.
Ẩm thực đường phố vẫn luôn tồn tại và ngày càng phổ biến như một xu hướng phát triển của cuộc sống đô thị. Nó gần như đồng hành và gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Bởi lẽ, thức ăn đường phố không chỉ hấp dẫn ở mùi vị thơm ngon, cuốn hút mà còn đảm bảo tính nhanh, gọn, thuận tiện, giá cả phải chăng.
Cuộc sống ngày càng hối hả, con người ngày càng tất bật. Thức ăn đường phố vì thế mà ngày càng đi sâu hơn vào cuộc sống thị dân và phản ánh nếp sinh hoạt rất riêng của người thành thị. Được bày bán ở những nơi dân cư đông đúc như trường học, bệnh viện, siêu thị, công viên, ẩm thực đường phố thu hút khá nhiều lượng khách ở lứa tuổi teen hoặc độ tuổi trung niên. Thế giới ẩm thực đường phố trở nên sầm uất hơn mỗi khi tan tầm. Vào giờ giải lao, học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn bắt đầu tụ tập đông đúc trước quán bán bánh mì gần trường học. Em Nguyễn Thị Thu Thảo cho hay, trong tuần, các em có buổi học chất lượng cao đến 7 giờ tối nên em và các bạn thường chọn món bánh mì kèm với các món trà sữa, sữa làm bữa ăn phụ trước khi vào học.
Nét văn hóa
Món ăn đường phố là một phần ký ức với những thị dân lâu đời. Trong tâm thức những người dân phố thị, thức ăn đường phố gắn liền với những gánh hàng rong, với tiếng rao đêm khuya nơi ngõ vắng. Bà Nguyễn Thị An (65 tuổi – ở TP. Hội An) kể, nói đến thức ăn đường phố, người ta thường nghĩ ngay đến những phần xôi, phần bánh nhỏ nhắn bọc trong tàu lá chuối. Ngày xưa thức ăn không nhiều nên để có được một thức quà thì không phải dễ. Thức ăn vỉa hè lúc xưa không nhiều loại như bây giờ nhưng thường được chế biến phức tạp, tỉ mỉ hơn. Người ăn cũng “kén” hơn rất nhiều. Trong ký ức người dân, món ăn vỉa hè vừa là nét văn hóa chứa đựng tinh hoa ẩm thực vừa gói ghém bóng dáng tảo tần, chịu thương chịu khó của những bà, những mẹ trên bước đường mưu sinh. Trong những gánh hàng rong, người ta thấy thấp thoáng những người mẹ, người chị bước thấp, bước cao bươn chải, gánh gồng cuộc sống nhọc nhằn.
Thức ăn vỉa hè là nếp văn hóa, là hồn xưa nếp cũ phảng phất hồn cốt phố thị. Giữa cuộc sống đô thị huyên náo, tấp nập, ẩm thực đường phố như những đốm sáng ánh lên vẻ bình dị, yên ả, góp phần làm nên hình ảnh phố đêm. Đốm sáng lập lòe từ nơi bày bán thức ăn vỉa hè không chỉ ấm lòng người mà nó cũng là điểm nhấn ấn tượng thu hút khách du lịch. Hiếm có du khách đến thăm một thành phố nào đó mà không dự định sẵn trong đầu mình những nơi sẽ được trải nghiệm món ăn đường phố. Chị Trần Thu Hương, hiện sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Khi về quê, tôi thường ghé quán quen mua một ít bánh tráng đập vào làm quà cho bạn bè, đồng nghiệp. Chính món ăn dung dị, bình thường này đã theo tôi suốt những năm tháng ấu thơ cho đến tận bây giờ. Để mỗi khi có dịp trở về tôi vẫn lặn lội tự mình ghé mua”.
Tuy vậy, ẩm thực đường phố hiện nay phải đối diện với nhiều nguy cơ bất ổn. Đó là việc đi ngược với mục tiêu xây dựng cảnh quan đô thị văn minh, đường sá thông thoáng, rộng rãi, sạch đẹp trong quá trình đô thị hóa. Một người dân bán thức ăn vỉa hè gần 20 năm cho biết, không gian dành cho thức ăn đường phố đang dần dần bị hạn hẹp. Sự quản lý gắt gao cùng với sự cạnh tranh về thị phần đối với những món thức ăn nhanh làm cho việc bày bán thức ăn vỉa hè khó khăn hơn bao giờ hết. Mặt khác, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của thức ăn đường phố rất nan giải. Nhiều ý kiến cho rằng, đối với thức ăn đường phố chỉ có thể quản lý và biến nó thành một bộ phận gắn kết với cuộc sống hiện đại chứ không nên ngăn cấm. Bởi, nó luôn là đối tượng đồng hành với quá trình đô thị hóa và là một phần quan trọng làm nên hồn cốt phố thị.
BÙI THANH MINH