Văn hóa tầm Phan Khôi - tiếp nhận tư tưởng phương Tây, phương Đông - có ai ngờ trong tâm hồn ấy cũng mềm nỗi niềm hoài cảm. Thế nên, một chén cá bống kho tiêu, một đĩa thịt vịt chấm mắm gừng, dăm lát thịt heo kẹp chuối chát… tất cả từ tay vợ làm, ông sung sướng ngồi ăn như nuốt tận đáy lòng từng niềm hạnh phúc.
Phan Khôi, ngoài sự nghiêm cẩn với chữ nghĩa, tung hoành trường văn trận bút, sáng danh là “Ngự sử văn đàn”, còn là một văn nhân tài tử trong các cuộc ăn chơi nức tiếng: “Cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm”. Chỉ có điều cụ Phan làm ra làm, chơi ra chơi, không cái kiểu khề khà như Tản Đà thi sĩ “gánh thơ lên bán chợ trời”.
Nếu như Tản Đà thi sĩ từng nổi tiếng với “Thú ăn chơi”, điểm từng món ăn qua những vùng miền xuyên theo chiều dài đất nước: “Hà tươi cửa bể Tu Ran/ Long Xuyên chén mắm, Nghệ An trái cà/ Sài Gòn nhớ vị cá tra/ Cái xe song mã chén trà Nhất Thiên/ …Mán Sừng cái bánh chưng xanh/ Hoa Kỳ tiệc bánh tin lành nhớ ai/ Sơn dương sò huyết Hòn Gai/ Đồng Sành cá đối, Giáp Lai lợn rừng”, thì cụ Phan suốt cuộc đời hoạt động báo chí cũng từng mòn gót Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Bao miếng ngon chốn kinh kỳ, bao cuộc vui say hát ả đào, đánh tổ tôm… Thậm chí trong cuộc chơi, Phan Khôi có lúc còn tỏ ra ngang tàng. Một lần Phan Khôi và Tản Đà cùng đến một nhà “xia” ở phố Gia Ngư. Bữa ấy có một nhân vật Đại - Pháp đến làm lôi thôi, Phan Khôi bảo: “Tôi toan dùng võ lực đối phó. Ông (Tản Đà) nhất định cản tôi, bắt phải về”. Một mẫu người gần như nếm trải tất thảy cuộc phong trần như Phan Khôi, vậy mà sao tên ông lại khuyết danh trong các “môn đồ” của “ tôn giáo” ẩm thực thời ấy thì quả thật phải có lý do nào đó.
Thi sĩ Tản Đà xem nghệ thuật ăn uống càng lạ, càng độc đáo qua việc tìm tòi chế biến những món ăn, cuối cùng thi sĩ rút ra bốn tiêu chí cho một bữa ăn ngon: Một là thức ăn ngon, hai là chỗ ngồi ăn ngon, ba là bạn ăn ngon, và cuối cùng thời giờ ăn cũng... ngon. Sau Tản Đà là nhà văn Nguyễn Tuân, vì mê lối sống ngông của Tản Đà mà theo học. Mà Nguyễn Tuân còn nâng món ăn mình thích thú lên thành văn chương, xem việc ẩm thực là “đỉnh cao của một dạng văn hóa dân tộc”.
Cái sự ăn ngon đúng nghĩa với cụ Phan Khôi còn là tình tự hòa tan, nuôi dưỡng từng giọt huyết thanh, nó nồng nàn hơi hướm nương dâu ruộng lúa, ấm áp hơi thở tình biển nghĩa sông… Mà tất cả những thứ đó chỉ một góc trời quê Quảng Nam mới có. |
Còn Phan Khôi, có khi còn dày dạn nữa là đằng khác! Văn hóa tầm Phan Khôi, tiếp nhận tư tưởng phương Tây, phương Đông như ông, có ai ngờ tâm hồn ấy cũng mềm nỗi niềm hoài cảm “Tình nặng nhớ nhung, thơ vụng tả” (Nhớ nhà 1 - thơ Phan Khôi). Thế nên một chén cá bống kho tiêu, một đĩa thịt vịt chấm nước mắm gừng, dăm lát thịt heo kẹp miếng chuối chát…, tất thảy từ bàn tay vợ, ông sung sướng ngồi ăn như nuốt tận đáy lòng từng niềm hạnh phúc!
Tôi đoan chắc điều này là bởi, những ngày tháng cuối cuộc đời của ông trong gian phòng nhỏ của căn nhà số 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội. Sau những ngày nằm liệt giường thiếp đi mê man, bỗng vào buổi trưa ông mở mắt bừng tỉnh, nói với bà Huệ - vợ ông: “Dì hắn này, tự nhiên tôi thèm ăn một gói trưởi”(*). Hẳn người Quảng Nam ai cũng biết trưởi là một món rất ngon vào dịp tết để ăn, uống rượu và đãi khách. Trưởi được làm từ thịt đầu heo, xắt mỏng, ướp với riềng, tỏi giã nhỏ và gia vị, rồi trộn đều với ít muối bột và bột thính. Xong, lấy lá vung gói nhỏ như chiếc bánh ít và gói bọc lá chuối ra ngoài, buộc lại từng xâu treo lên bếp, lên men chua thì ăn được. Vợ ông nghe vậy mừng không xiết kể, vội chạy đi sắm nguyên liệu về làm, xong bà mở ra một gói mời ông ăn. Nhưng ông bảo để ba ngày lên men chua mới ăn ngon. Vậy là bà Huệ treo xâu trưởi lên tấm vách sát chỗ ông nằm, rồi loanh quanh bên ông chăm sóc từng giờ từng phút.
Vậy rồi xâu trưởi bà Huệ treo lên không chỉ ba ngày mà là mãi mãi, bởi cụ Phan Khôi sau lần bừng tỉnh ấy, lại nằm thiếp đi mê man, rồi đi luôn một mạch vào cõi vĩnh hằng. Hỏi có ai trên đời sành ẩm thực đến như cụ Phan Khôi, hồn quê thơm thảo trong miếng ngon quê xứ. Chừng như muốn mang theo về thế giới bên kia!
NGUYỄN NHÃ TIÊN
(*) Theo “Nắng được thì cứ nắng” của Phan An Sa. NXB Trí Thức 2013.