Nâng tầm thương hiệu ẩm thực, đặc biệt là chuỗi ẩm thực trên “con đường di sản” gắn với hoạt động du lịch là mục đích mà sự kiện Văn hóa ẩm thực - con đường di sản miền Trung hướng đến.
Sự kiện sáng kiến cộng đồng văn hóa ẩm thực - con đường di sản miền Trung được tổ chức định kỳ hàng năm từ tháng 7 đến tháng 12.2021. Chương trình do Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) phối hợp với Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam, Làng công nghệ Du lịch & ẩm thực (Techfest) dưới sự bảo trợ chuyên môn của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Bỏ ngỏ tiềm năng
Sau chương trình đầu tiên được tổ chức ngày 17.7 với nội dung “Văn hóa ẩm thực miền Trung - Góc nhìn và thế mạnh từ giá trị lịch sử”, dự kiến các chủ đề tiếp theo sẽ xoay quanh: thách thức liên quan đến ẩm thực miền Trung, xu hướng phát triển ẩm thực sau dịch Covid-19, vai trò của chuyên gia, nghệ nhân trong phát triển ẩm thực, giải pháp kết nối mạng lưới kinh doanh và đầu tư…
Ở nhiều nước có nền du lịch phát triển mạnh, doanh thu từ lĩnh vực ẩm thực thường chiếm khoảng 30% trên tổng doanh thu trong hoạt động du lịch. Ở nước ta, con số này chỉ ở mức từ 5 - 10%. Tại miền Trung, có thể thấy, các hoạt động, giải pháp nâng cao giá trị tăng thêm cho ngành du lịch từ lĩnh vực ẩm thực vẫn chưa được chú trọng.
Ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Songhan Incubator chia sẻ: “Miền Trung có bề dày văn hóa cùng nguồn tài nguyên bản địa dồi dào để phát triển ẩm thực với hàng nghìn món ăn đặc trưng. Tuy nhiên, chúng ta hiện thiếu chuỗi liên kết từ nông sản, vận chuyển, truyền thông đến bàn ăn cho du khách để nâng cao thương hiệu giá trị ẩm thực. Một điểm yếu lớn ở đây chính là thiếu yếu tố công nghệ để quản trị”.
Quảng Nam có 3 món ăn nằm trong top 100 đặc sản và 3 món ăn nằm trong top 100 quà tặng Việt Nam 2020 - 2021 bao gồm: mỳ Quảng, bê thui Cầu Mống, cơm gà Hội An, mực cơm biển ngang, gà tre Đèo Le và phở sắn Đông Phú. Đây đều là những đặc sản chất lượng, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng, tuy vậy hầu hết món nêu trên vẫn còn khá lạ lẫm với du khách, nhất là du khách quốc tế. Điều này phản ánh năng lực gắn ẩm thực vào chuỗi sản phẩm du lịch cũng như tạo ra các câu chuyện ẩm thực gắn với đặc trưng tự nhiên, văn hóa bản địa từ các chủ thể làm du lịch vẫn còn rất hạn chế.
Từ thực tế xây dựng thương hiệu cho ẩm thực của Emic Hospitality cũng như một số chuỗi nhà hàng tại TP.Hội An trước khi dịch Covid-19 ập đến, nhiều du khách sẵn sàng trả hàng chục đến hàng trăm đô la cho những món ăn bình dân nhưng được gắn liền với câu chuyện thu hoạch, sản xuất, chế biến của người nông dân địa phương. Theo ông Lý Đình Quân, chúng ta cần phải có một tư duy mới về việc đưa văn hóa, công nghệ, trí tuệ vào kinh doanh ẩm thực chứ không chỉ đơn thuần là chế biến và bán sản phẩm đó.
Đưa ẩm thực vươn xa
Theo ông Lê Tân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, với tiềm năng của mình thì ẩm thực khu vực miền Trung không chỉ quanh quẩn ở việc phục vụ du khách thưởng thức khi ghé thăm mà còn phải nghĩ đến chuyện đưa món ăn trên cung đường di sản này ra thế giới.
Chẳng hạn như việc đưa một số món ăn ở khu vực miền Trung vào phục vụ khách hàng trên các chuyến bay tùy theo khung giờ bay trong ngày. Trước mắt, Hiệp hội đang cố gắng kết nối để hình thành các tổ chức kinh doanh, nhà hàng chuyên ngành, câu lạc bộ ẩm thực… với sự tham gia, hỗ trợ của một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trong ngành văn hóa du lịch từ Quảng Bình vào đến Quảng Nam. Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp, người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực.
Một chuyên gia thuộc lĩnh vực Công nghệ Du lịch và ẩm thực (Techfest) cho rằng, để khai thác văn hóa ẩm thực địa phương một cách hiệu quả thì phải có nền tảng nông nghiệp, nông sản sạch, đa dạng, bền vững. Hiện nay, Quảng Nam có 65 sản phẩm OCOP tiêu biểu, tuy nhiên rất ít trong số này là các món ẩm thực để có thể phát triển gắn liền với du lịch.
Còn ông Lý Đình Quân gợi mở, việc phát triển ẩm thực cần tạo câu chuyện gắn với du lịch MICE. Đây là một dư địa để mở ra không gian phát triển cho thị trường, phát triển doanh nghiệp ở miền Trung. Hiện nay, phân khúc ẩm thực giá thành cao trong các nhà hàng lớn hầu hết do các tập đoàn nắm giữ, vì vậy cần phải thúc đẩy văn hóa ẩm thực dân tộc. Khi phát triển được loại hình này thì sẽ giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.