Ẩm thực xứ Quảng mang trong mình nét đặc trưng văn hóa và cả lịch sử của vùng đất, con người.
Không cần phải đến những ngày tết, người Quảng Nam mới sắm cho mình những món ngon. Món ăn xứ Quảng từ xưa đến nay đã nức tiếng xa gần, ngay cả “lối ăn uống của người xứ Quảng, Đàng Trong ngay từ thế kỷ 17 đã rất thịnh soạn và ngon miệng. Xứ này, là vùng đất giàu có về sản vật, đa dạng về môi trường sinh thái và tập quán ẩm thực. Xứ này lại sớm có quá trình mở cửa giao lưu tiếp xúc với bên ngoài nên các thế hệ cư dân Quảng Nam đã từng bước tích tạo nên nếp ẩm thực khá phong phú, mang nhiều sắc thái độc đáo” – như nhà nghiên cứu Trần Văn An chia sẻ. Ăn một món ăn, không chỉ là thưởng thức mùi vị vật chất của món ăn đó, mà còn thưởng thức cả giá trị tinh thần ẩn chứa trong từng nguyên liệu, gia vị, công thức pha chế. Ăn uống còn là một phạm trù văn hóa. Ăn uống không chỉ phụ thuộc vào những điều kiện tự nhiên mà còn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố về phong tục tập quán và tín ngưỡng, góp phần tạo nên văn hóa của một dân tộc hay một địa phương. Đó là văn hóa ẩm thực. Mỗi vùng đất có một nét ẩm thực riêng, góp phần tạo nên một diện mạo văn hóa đặc trưng. Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh: “Cách ăn là cách sống, là bản sắc văn hóa… ”.
Phơi bánh tráng quê. Ảnh: L.T.K |
Văn hóa ẩm thực Quảng Nam càng thể hiện rõ những nét văn hóa đặc trưng của con người, vùng đất. Nó vừa thể hiện cung cách ngon, lạ, sang ở một vài món, nhưng quan trọng nhất vẫn là tính thực chất, trước hết là no và đủ chất. Yếu tố “chặt to kho mặn” trong ẩm thực – và cả tính nết người Quảng đã được nhiều nhà văn hóa nhắc đến. Người dân xứ Quảng đã tiếp thu và chọn lọc những yếu tố văn hóa ẩm thực từ mọi nơi để tạo nên những món ăn đặc trưng mang bản sắc riêng của địa phương. Cách nấu nướng, cách ăn uống khá đơn giản, chân chất, không chuộng hình thức, cầu kỳ, không phô trương, chẳng khắt khe thậm chí rất dân dã mà giữ được nét cổ truyền tồn tại mấy trăm năm ở đây. Nói đến ẩm thực Quảng Nam, thì có thể lấy món mỳ Quảng làm một đặc trưng. Đây là món ăn phổ biến khắp làng quê Quảng Nam bởi sự dân dã lôi cuốn, nó không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn mang trong mình hương vị, niềm tự hào của cả một vùng đất. Bởi, nhiều món ăn của xứ Quảng mang đậm dấu ấn và lưu giữ cả hơi thở của những lớp cha ông mở cõi về phương Nam. Đó là những món ăn dễ làm, lại no bụng, mà dễ mang theo trên bước đường của những lưu dân, như mỳ Quảng, bánh tét, mắm…
Và vùng đất Quảng Nam bây giờ có đủ đầy thức vị lẫn điều kiện để những món ngon cất cánh. Mỳ Quảng cũng đã dăm bảy loại nhưn. Muốn mỳ gà thì có gà đá, gà trứng non, gà sả, gà ta. Cả ếch, lươn, cá tràu cũng làm nên được tô mỳ Quảng, huống gì tôm thịt đã nên tên lâu nay. Chưa kể, bánh tráng thịt heo giờ cũng phải gắn mác bánh tráng Đại Lộc, thịt heo vùng cao… Rồi phải nhắc đến các món cao lầu Hội An, bê thui Cầu Mống (Điện Bàn), cơm gà (Tam Kỳ), gà tre đèo Le, phở sắn Quế Sơn… Đó là còn thiếu các món bình dân như bánh xèo, bánh bèo, hến trộn, mít non cá chuồn... Tại các huyện miền núi, các món ăn của bà con đồng bào vùng cao trên dải đất đại ngàn Trường Sơn cũng rất hấp dẫn với du khách như cơm lam, bánh quoát, bánh sừng trâu, mối đất, chà rá... Mỗi món ăn là một câu chuyện, thậm chí còn là một truyền thuyết, ở đó kết tinh tinh hoa của cả một nền văn hóa truyền thống lâu đời và phong phú. “Ông cha ta có câu “món ngon nhớ lâu”, bởi vậy có không ít người đã vượt quãng đường rất xa, xếp hàng thật lâu chỉ để ăn món ăn mình mơ ước và yêu thích. Hương vị tuyệt vời của món ăn là một chất gây nghiện, thôi thúc người ta phải quay lại để nếm, để có cảm về hương vị, gia vị của món ăn ấy một lần nữa. Mà phải ăn tại chính miền đất sản sinh ra món ăn đó, tại chính nhà hàng với khung cảnh xung quanh như thế và phải đúng hương vị như thế. Hơn cả ăn uống, ẩm thực chính là một sự trải nghiệm khiến ta nhớ mãi”, như chia sẻ của một chủ nhân nhà hàng Việt nổi tiếng phố Hội.
Tuy phong phú như vậy, nhưng ẩm thực xứ Quảng vẫn chưa đủ “sức mạnh” để trở thành điểm nhấn thu hút của vùng đất. Vì sao? Câu hỏi để ngỏ cho ngành du lịch...
TÂM THƯ - XUÂN HIỀN