Trước những khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày hội đại đoàn kết (ĐĐK) nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18.11.1930 - 18.11.2020) theo hướng đơn giản, ưu tiên phần lễ và giảm bớt phần hội.
Thành quả đoàn kết
Ghi nhận tại xã Bình Chánh (Thăng Bình), dọc theo các tuyến đường chính, người dân tự động cắm, treo cờ Tổ quốc từ đầu tháng 11 để chào mừng ngày hội ĐĐK. Ông Lê Văn Thạnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Chánh cho biết, năm nay có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và bão lũ liên tiếp, nên việc tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam được các khu dân cư tổ chức hết sức tiết kiệm nhưng không kém phần trang trọng.
Ngày hội ĐĐK năm nay, bà con khu dân cư Tú Trà chỉ tổ chức phần lễ, cùng nhau ôn lại truyền thống MTTQ Việt Nam suốt chặng đường 90 năm qua; đánh giá và đóng góp vào phương hướng thực hiện cuộc vận động xây dựng khối ĐĐK toàn dân trong năm 2021.
Ông Lê Đức Thắng - Trưởng thôn Tú Trà cho biết, thôn Tú Trà được thành lập tháng 3.2019, trên cơ sở sáp nhập thôn Tú Trà và thôn An Bình. Toàn thôn hiện có 491 hộ, 1.746 khẩu, đa số người dân sống bằng nông nghiệp. Điều đáng mừng sau khi nhập thôn bà con tiếp tục phát huy đoàn kết, cần cù, vượt khó. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn và tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp để làm nấm rơm, cho hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thôn Tú Trà được xã Bình Chánh chọn xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Nhân dân trên địa bàn khu dân cư đồng tình hưởng ứng, tự nguyện hiến cây, hiến đất để mở rộng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.
“Thôn Tú Trà cũng được huyện Thăng Bình công nhận đạt thôn văn hóa 12 năm liền. Năm 2020, gần 97% gia đình trong thôn đạt gia đình văn hóa. Thu thập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm còn 1,8%” - ông Thắng nói.
Bà Phan Thị Nhi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình cho biết, để ngày hội ĐĐK ở khu dân cư thêm phần ý nghĩa, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng kế hoạch và tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí Huyện ủy viên về tham dự ngày hội cùng với bà con ở các khu dân cư để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời trao biểu trưng xây mới và sửa chữa 44 nhà ĐĐK cho 44 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở. Khuyến khích các khu dân cư tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương; bàn giải pháp để khắc phậu hậu quả bão lũ, sớm ổn định đời sống và sản xuất.
Tập trung ổn định đời sống
Trước tình hình khó khăn của người dân do dịch bệnh Covid-19 và bão lũ liên tiếp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương tối giản hoạt động kỷ niệm để cùng chính quyền tập trung chăm lo, ổn định đời sống nhân dân. Tất nhiên, trong điều kiện cho phép của từng khu dân cư, nhân dân có thể chủ động tổ chức ngày hội ĐĐK theo cách phù hợp. Đặc biệt, đây cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh và các địa phương về khu dân cư để chia sẻ, động viên bà con vượt qua khó khăn.
Khi về dự ngày hội ĐĐK với bà con khu dân cư Trà Linh Tây (xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại về kinh tế của bà con do bão số 9 gây ra. Đồng thời mong muốn bà con hỗ trợ nhau từng bước khắc phục khó khăn và đề nghị lãnh đạo huyện quyết liệt vào cuộc cùng bà con nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống và sản xuất. Trong đó, tập trung thực hiện kịp thời việc xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa; đảm bảo lương thực thực phẩm, không để hộ nào bị thiếu đói; xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ và chuẩn bị khôi phục sản xuất.
Tại các địa phương vùng cao bị thiệt hại nặng do bão lũ gây ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đang cố gắng hết sức để cùng chính quyền, các đoàn thể chăm lo đời sống nhân dân. Bà Nguyễn Thị Bích Diễm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phước Sơn cho biết, thời gian vừa qua, từ nguồn phân bổ của Mặt trận cấp trên, Mặt trận huyện đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người chết, bị thương do bão lũ. Đồng thời tích cực kết nối, điều phối các đoàn cứu trợ đến với nhân dân địa phương đảm bảo an toàn, hài hòa.
“Toàn huyện có khoảng 105 ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn; 64 nhà hư hỏng từ 50 - 70%... Biết rằng cuộc sống bà con hết sức khó khăn do hư hỏng nhà cửa, tuy nhiên trước mắt chưa thể hỗ trợ ngay cho bà con xây dựng, sửa chữa lại nhà ở, dù kinh phí có sẵn. Việc này, Mặt trận đang chờ UBND huyện bố trí mặt bằng ổn định, rồi mới đề nghị Ban Cứu trợ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ làm nhà cho người dân” - bà Diễm chia sẻ.
Ông Phạm Phú Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn cho biết, qua bão lũ toàn huyện có 13 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Từ nguồn phân bổ 1,2 tỷ đồng của Ban Cứu trợ tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đang chỉ đạo các địa phương sớm hỗ trợ để xóa 30 nhà tạm, đặc biệt là 13 nhà bị sập do bão lũ. Những nhà bị hư hỏng, hiện nay bà con đã chủ động sửa chữa lại để ổn định cuộc sống. Mặt trận huyện sẽ tiếp tục kết nối, tiếp nhận nguồn lực từ nhà hảo tâm để cùng cộng đồng giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong chừng mực có thể.