Âm vang chiến thắng Núi Thành

PHAN THANH HẬU 23/05/2015 17:01

(QNO) - Chiến thắng Núi Thành (26.5.1965) đã vượt xa ý nghĩa của một trận đánh thông thường, trở thành biểu tượng của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng Việt Nam

Hình thành tiền đề án ngữ, bảo vệ phía tây căn cứ Chu Lai

Năm 1954, sau hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực; Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm công khai phá hoại hiệp định, thực hiện chiến tranh một phía, tiến hành “tố cộng”, “diệt cộng” đánh phá phong trào cách mạng của nhân dân ta rất khốc liệt, chúng tiến hành “chiến tranh đặc biệt” hòng đè bẹp và tiêu diệt cách mạng miền Nam; như­ng nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân Quảng Nam nói riêng đã đấu tranh chống trả quyết liệt làm phá sản chiến lư­ợc “chiến tranh đặc biệt”.

Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Chu Lai ngày 7-5-1965. Ảnh: The Ohio State University
Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Chu Lai ngày 7-5-1965. Ảnh: The Ohio State University

Mỹ đư­a quân viễn chinh trực tiếp tham chiến trên trên quy mô lớn ở miền Nam và ngày 8.3.1965, những lính Mỹ đầu tiên đỗ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu thời kỳ “chiến tranh cục bộ”. Sau đó hai tháng, ngày 7.5.1965, lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào vùng cửa biển An Hòa chiếm khu vực Chu Lai (thuộc xã Kỳ Liên, Kỳ Hà, huyện Nam Tam Kỳ; nay là xã Tam Nghĩa, Tam Quang, huyện Núi Thành) - một vùng cát bằng phẳng, tư­ơng đối rộng, giao thông thuật lợi cả đ­ường biển, đư­ờng không và đường bộ. Với địa thế đó, Mỹ chọn Chu Lai để xây dựng thành căn cứ quân sự vững chắc gồm vành đai bảo vệ, san bay, đồn bót... vây kín không gian rộng lớn xung quanh; làm bàn đạp quan trọng trên chiến trư­ờng miền Trung.

Trong những ngày đầu đổ quân lên Chu Lai lính thủy đánh bộ Mỹ xua đuổi nhân dân các thôn Định Phước, Đông Yên, Hòa Vân, Thanh Trà lên An Tân sống cảnh màn trời chiếu đất. Chúng đốt phá nhà cửa, san bằng mồ mả, làng mạc để xây dựng căn cứ quân sự. Đồng thời, chúng dùng máy bay, pháo binh đánh phá ác liệt lên vùng giáp ranh giải phóng, nhất là dãy núi Răng Cưa. Những cán bộ, chiến sĩ trinh sát của ta đã gan dạ thường xuyên bám địch, kiên trì chịu đựng gian khổ, giấu mình trong những khe đá chông chênh ở núi Hang Bà, điểm cao 237… theo dõi quy luật hoạt động của quân Mỹ.

Tượng đài chiến thắng Núi Thành
Tượng đài chiến thắng Núi Thành

Sáng ngày 17.5.1965, quân Mỹ từ Chu Lai càn quét lên vùng giải phóng của ta ở phía tây xã Kỳ Liên, sử dụng đại đội 2, tiểu đoàn 2, lữ đoàn 9, sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ chốt ở điểm cao Núi Thành nhằm quan sát, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động của ta. Nơi mà Mỹ chọn để chiếm đóng là quả đồi có chiều dài 1.250 mét, chiều rộng 600 mét, có 2 mỏm chính: mỏm phía đông cao 50 mét, mỏm phía tây cao 49 mét, 2 mỏm cách nhau 500 mét giống như một yên ngựa. Núi Thành có sườn dốc thoai thoải, đất sỏi đá, cây cối mọc lúp xúp ngang ngực, xen kẽ có nhiều loại dây chằng chịt. Đây là vị trí có tầm quan sát xa, có khả năng khống chế được ở địa bàn 3 xã Kỳ Sanh, Kỳ Liên, Kỳ Khương và cùng với một số chốt điểm khác trong dãy núi Răng Cưa làm hệ thống chốt tiền tiêu bảo vệ sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, kiểm soát quốc lộ 1A đoạn từ cầu An Tân đến Dốc Sỏi. Đại đội Mỹ chốt giữ Núi Thành có khoảng 140 lính, chia thành 3 cụm: cụm chốt điểm cao 50 có ban chỉ huy đại đội và 2 trung đội, có trận địa ĐKZ 75, trận địa cối 81; cụm chốt điểm cao 49 có 1 trung đội, 1 trận địa ĐKZ 75; cụm chốt ở mỏm phụ phía bắc đồi 50 có 1 tiểu đội. Trang bị chủ yếu của quân Mỹ là súng đại liên M60, phóng lựu M79, súng Ga-răng M2 và lựu đạn M26.

Trận địa chốt của quân Mỹ ở Núi Thành được bố trí theo kiểu hình tròn bậc thang từ thấp lên cao; vòng trong có thể chi viện cho vòng ngoài; chiến hào sâu đến thắt lưng, xen kẽ có các công sự; ban ngày địch căn bạt che nắng, ban đêm dỡ ra. Giữa các công sự dọc chiến hào là những hố chiến đấu cá nhân. Cách chiến hào ngoài cùng khoảng 5 mét là một lớp rào thép gia bùng nhùng xen kẽ trong những bụi gai tạo nên vật cản, ta rất khó tiếp cận. Nếu bị tấn công, địch có thể sử dụng trận địa pháo ở Ao Vuông, Chu Lai, pháo hạm tàu và máy bay từ căn cứ Chu Lai chi viện  nhanh chóng. Điểm cao Núi Thành trở thành tiền đề án ngữ, bảo vệ phía tây căn cứ Chu Lai.

Quyết tâm đánh thắng Mỹ ngay trận đầu

Ngay sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh Quân khu V về tình hình chiến sự và dự kiến cửa biển An Hòa là một trong những địa điểm Mỹ có thể đổ quân. Quân khu chỉ thị tỉnh phải chuẩn bị tư tưởng cho các lực lượng vũ trang với tinh thần cao nhất sẵn sàng đánh Mỹ. Như vậy, khả năng trực tiếp chiến đấu trên bộ với những đơn vị viễn chinh Mỹ của các lực lượng vũ trang tỉnh đã được đặt ra và mọi nỗ lực của tỉnh dồn vào công tác chuẩn bị đánh Mỹ, làm cho chúng mất ý chí ngay từ đầu.

Ngày 10.5.1965, Bộ Tư lệnh Quân khu V giao nhiệm vụ cho Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam nhanh chóng phát động chuyển tư tưởng bộ đội, du kích từ đánh ngụy sang đánh cả ngụy lẫn Mỹ. Tổ chức lực lượng hình thành vành đai bao vây, tiêu hao, tiêu diệt quân Mỹ ở khu vực Chu Lai; hạn chế, kìm hãm không cho chúng phát triển nhanh ra vùng giải phóng. Trước mắt quyết đánh diệt gọn cho được một đại đội Mỹ; mục tiêu, đơn vị thực hành trận đánh do tỉnh lựa chọn, quyết định. Nhiệm vụ lúc bây giờ của nhân dân và các lực lượng vũ trang là diệt gọn một đơn vị quân viễn chinh Mỹ đầu tiên trên chiến trường lúc này có ý nghĩa cực kỳ to lớn không chỉ đối với Quảng Nam mà còn có ý nghĩa chiến lược trên phạm vi cả nước. Thế nhưng, đánh bằng cách nào? sử dụng chiến thuật gì? vị trí chiến đấu ở đâu là thuận lợi nhất? điểm nào là chỗ yếu của quân Mỹ ta có thể tận dụng khai thác được? đánh ban ngày hay đánh ban đêm? chọn đơn vị nào trong khối bộ đội tập trung của tỉnh thực hành trận đánh?… Đó là những vấn đề đòi hỏi Tỉnh ủy, Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam cùng các cơ quan giúp việc phải dày công nghiên cứu sớm cho kết luận.

Trong quá trình theo dõi trinh sát, nghiên cứu của ta đã nắm chắc các quy luật của quân Mỹ, ta rút ra kết luận: Quân Mỹ tuy đông, hỏa lực mạnh, chốt giữ trên các điểm cao, có rào kẽm gai, công sự bố trí thành nhiều tầng để hỗ trợ lẫn nhau; pháo binh, không quân sẵn sàng chi viện. Nhưng điểm yếu cơ bản là: Lính thủy đánh bộ Mỹ mới đến chiến trường Việt Nam còn nhiều bỡ ngỡ, chúng được huấn luyện tốt về chiến thuật đổ bộ đánh chiếm đầu cầu trong chiến tranh hiện đại; nay bị đẩy lên chốt giữ trên điểm cao phải đối phó với phong trào chiến tranh nhân dân rộng khắp của ta nên chúng sẽ bị động; công sự, vật cản dã chiến, đơn giản lại ở sâu trong vùng giải phóng của ta nên dễ bị cô lập, chia cắt, nếu ban đêm ta dùng lực lượng tinh nhuệ, trình độ kỹ, chiến thuật giỏi, bất ngờ tấn công, đánh gần, đánh nhanh thì hạn chế được sức mạnh của hỏa lực, nhất là pháo binh, không quân và chúng cũng không dám ứng cứu xe tăng, bộ binh trong đêm.

Căn cứ vào khả năng trình độ tác chiến tập trung của các đơn vị, tỉnh quyết định sử dụng đại đội 2, tiểu đoàn 70 làm lực lượng chủ công trong trận đánh Núi Thành. Đại đội 2 được thành lập năm 1960, mang phiên hiệu H-30 đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong các trận đánh đồn Ga Lâu, Phò Nham; quân số đại đội có 72 đồng chí, chất lượng chính trị tốt, tư tưởng kiên định vững vàng, trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, đồng đều, có kinh nghiệm đánh tập kích tiêu diệt cứ điểm địch theo cách đánh đặc công hóa. Cùng với đại đội 2, tỉnh tăng cường 1 phân đội gồm 12 chiến sĩ của đại đội đặc công V16. Đây là những cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị tốt, dũng cảm, đã trải qua chiến đấu có nhiều kinh nghiệm trong cách đánh đặc công. Tỉnh ủy, Ban chỉ huy Tỉnh đội hạ quyết tâm: thực hành cách đánh sở tr­ường của đơn vị là bí mật đư­a lực lư­ợng luồn sâu, bám sát mục tiêu, hình thành thế bao vây, bất ngờ nổ súng thọc sâu chia cắt tiến công “tiêu diệt đại đội Mỹ chốt điểm Núi Thành”.

Nhận nhiệm vụ, Vũ Thành Năm - Đại đội trưởng đại đội 2 triệu tập cấp ủy, ban chỉ huy đại đội sơ bộ phổ biến kế hoạch tác chiến và giao quyền chỉ huy đơn vị cho Đại đội phó Phan Văn Màn. Vũ Thành Năm cùng đại đội trưởng đặc công V16 và các cán bộ chủ chốt vào Nam Tam Kỳ gặp trinh sát tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh phương án. Những cán bộ, chiến sĩ trinh sát với kỹ thuật cá nhân điêu luyện, ngày đêm kiên trì, bí mật theo dõi địch. Ta cơ bản nắm chắc tình hình quân Mỹ ở Núi Thành, Đại đội trưởng Vũ Thành Năm cử 1 tổ ở lại theo dõi diễn biến của địch ở Núi Thành, còn anh về tiểu đoàn báo cáo quyết tâm và phương án chiến đấu. Ban Chỉ huy Tỉnh đội phê chuẩn phương án đánh Núi Thành của đại đội 2 và phân đội đặc công V16: sử dụng chiến thuật đặc công hóa, bộ đội bí mật tìm nhập khắc phục vật cản áp sát mục tiêu, hình thành thế bao vây, bất ngờ đồng loạt nổ súng; đánh gần bằng lựu đạn, thủ pháo, tiểu liên; kiên quyết thọc sâu vào trung tâm, phát triển chia cắt từng cụm quân địch, từng đoạn chiến hào để tiêu diệt, không cho địch co cụm. Sau thời gian gấp rút huấn luyện bổ sung và làm công tác chuẩn bị kỷ càng, phư­ơng án tác chiến đã đư­ợc cấp trên chuẩn duyệt. Trận đánh Núi Thành nằm trong kế hoạch hiệp đồng tác chiến chung của tỉnh, giờ nổ súng đư­ợc quy định là 0 giờ 30 phút ngày 26.5.1965.

Xung trận

Lúc 7 giờ ngày 24.5.1965, tại thôn 2 xã Kỳ Thạnh (nay là xã Tam Thạnh, Huyện Núi Thành), ban chỉ huy tiểu đoàn thông qua ph­ương án lần cuối cùng và tổ chức cho đại đội 2 xuất phát. Trong buổi lễ, đồng chí Hoàng Minh Thắng - Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội đã thay mặt Tỉnh ủy giao nhiệm vụ và trao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm l­ược” của Đảng bộ tỉnh cho đội trưởng Vũ Thành Năm để cắm trên đỉnh Núi Thành. Đến 14 giờ cùng ngày, đơn vị xuất phát hành quân đến thôn 8 Kỳ Sanh và 18 giờ đơn vị hành quân đến vị trí tập kết cuối cùng, triển khai chiếm lĩnh trận địa.

Đúng 0 giờ 30 phút ngày 26.5.1965, đại đội trư­ởng Võ Thành Năm lệnh cho Trần Ngọc Ảnh - tổ trưởng thọc sâu ở mũi trư­ởng h­ướng chủ yếu đánh quả thủ pháo 1 ki-lô-gam thuốc TNT làm hiệu lệnh chung. Lập tức mặt đất Núi Thành rung lên dữ dội, hàng loạt ánh chớp và những cột lửa dựng lên, tỏa ra theo các hướng chiến hào, công sự của Mỹ trên 3 mỏm của Núi Thành. Đồng thời, tại cầu Tân An và các  mục tiêu khác trên chiến trường đều nổ súng gây khí thế áp đảo quân Mỹ trên toàn khu vực. Từng tổ 3 chiến sĩ lần lư­ợt đánh chiếm các mục tiêu từ ngoài vào trong. Bất ngờ và choáng váng tr­ước đòn phủ đầu của quân ta, quân Mỹ ở vòng ngoài hầu như­ bị tê liệt. Sau gần 10 phút chiến đấu, quân ta đã đánh chiếm đ­ược tuyến ngoài và tiêu diệt hầu hết quân Mỹ ở đó. Các mũi tiếp tục phát triển vào trung tâm. Sau một lúc bàn hoàng, địch củng cố lại lực lư­ợng tuyến trong, đánh trả quyết liệt, Núi Thành chìm trong biển lửa. Qua 30 phút chiến đấu dũng cảm, mưu trí, linh hoạt bằng tinh thần quyết chiến quyết thắng đã làm chủ hoàn toàn trận địa; 67 cán bộ, chiến sĩ đại đội 2-tiểu đoàn 70 và phân đội đặc công V16 của tỉnh đã tiêu diệt 1 đại đội Mỹ, lập nên chiến côn vang dội, tiêu diệt gọn 1 đại đội Mỹ với 140 tên, thu 14 súng, phá hủy 02 ĐKZ, 01 cối 81, 03 máy thông tin vô tuyến và nhiều trang thiết bị chiến tranh khác. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” đã tung bay trên đỉnh Núi Thành lúc 1 giờ 00 ngày 26.5.1965. Đây là đòn choáng váng không những đối với Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Chu Lai mà còn là nỗi sợ hãi của sĩ quan, binh sĩ Mỹ tham chiến trên chiến trường miền Nam.

Chiến thắng Núi Thành thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, sự ngoan cường, dũng cảm của lực lượng vũ trang ta dám đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ngay từ khi chúng đặt chân lên đất nước ta, đồng thời nó còn thể hiện sự đúng đắn về đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự của Đảng ta, sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V và Tỉnh ủy Quảng Nam. Chiến thắng Núi Thành đã trả lời câu hỏi cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế “Liệu Việt Nam có đánh được Mỹ không?” và ta đã đánh Mỹ, thắng Mỹ ngay từ trận đầu; mở ra phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” trên chiến trường miền Nam. Một đại đội bộ đội địa phư­ơng lần đầu tiên đánh tiêu diệt gọn một đại đội thủy quân lục chiến Mỹ; trở thành ngọn cờ cổ vũ động viên các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam anh dũng tiến lên, đạp bằng mọi gian khổ hiểm nguy, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Với chiến thắng Núi Thành, đại đội 2 tiểu đoàn 70 Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Quân công và lá cờ mang dòng chữ: “Núi Thành oanh liệt, quyết lập chiến công” và Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu “Quảng Nam Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt  Mỹ”. Chiến thắng Núi Thành có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nư­ớc của quân và dân ta, đã đư­ợc Đảng và Nhà nư­ớc ta xây dựng “Tượng đài Chiến thắng Núi Thành” ngay nơi đã xảy ra trận đánh lịch sử này.

PHAN THANH HẬU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Âm vang chiến thắng Núi Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO