Âm vang đại ngàn

PHÚ THIỆN - MINH TRANG 09/02/2023 06:48

Về huyện Nam Trà My những ngày này, đâu đâu cũng văng vẳng nhịp cồng chiêng, lúc thúc giục, lúc lưu luyến...

Người Xê Đăng say mê trong điệu cồng chiêng ngày khánh thành đường giao thông mới. Ảnh: P.T
Người Xê Đăng say mê trong điệu cồng chiêng ngày khánh thành đường giao thông mới. Ảnh: P.T

Tháng Chạp, tháng Giêng hằng năm là mùa lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Nam Trà My. Người Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông trong huyện thể hiện nhiều phong tục, tín ngưỡng trong không gian cồng chiêng giữa đại ngàn.

Vang vọng từ làng, xã…

Cồng chiêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Trà My không đơn thuần là nhạc cụ, mà đó còn là vật thiêng, là nơi thần linh ngự trị. Có thể hiểu nom na rằng thứ âm thanh mộc mạc phát ra từ những chiếc vòng tròn bằng đồng ấy làm say mê cả đất trời, thần linh.

Theo ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang, vốn dĩ cồng chiêng chỉ được dùng vào các dịp lễ hội, cúng năm mới hay các nghi thức quan trọng khác của chủ nhà, chủ làng. Để đưa được thứ nhạc cụ ấy đến với du khách đòi hỏi một quá trình tuyên truyền, vận động lâu dài.

“Từ việc tổ chức hội thi cồng chiêng, hát ting tin hay lễ cúng máng nước tại các làng, chúng tôi mong muốn người dân mang giá trị văn hóa truyền thống của mình hòa nhập nhịp sống cộng đồng, tạo cơ hội để thế hệ trẻ được tiếp thu trọn vẹn và phát huy nghệ thuật truyền thống của cha ông” - ông Lạc nói.

Về Nam Trà My những ngày này mới thấy được cồng chiêng quan trọng với người vùng cao như thế nào. Ở xã Trà Linh, người dân làng Tắk Ngo (thôn 2) reo ca trong ngày có đường mới, cồng chiêng trên tay, họ mời thần linh từ đường lớn vào đường nhỏ, xem mùa màng xanh tốt, thóc lúa đầy kho, xem người Xê Đăng đoàn kết làm đường nông thôn.

Còn tại Trà Don, sau nghi thức cúng máng nước, người Ca Dong kéo nhau về nhà già làng thưởng thức rượu cần và múa cồng chiêng. Xập xòe bên ánh lửa là những chàng trai, cô gái say mê trong hơi men, điệu múa, họ vui cùng thần linh, mừng đón khách đến thăm làng.

Khắp các nơi từ sườn núi Ngọc Linh sang đỉnh Ngọc Thiên, từ thác Noong Lau xuống thác 5 tầng, đâu đâu cũng văng vẳng nhịp cồng chiêng điệu nghệ, lúc thúc giục, lúc luyến lưu, đã mang lại niềm hứng khởi và đánh thức những giá trị văn hóa tinh thần cho nhiều cộng đồng...

Đưa cồng chiêng vào trường học

Vừa qua, tại phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng dược liệu huyện Nam Trà My, lần đầu tiên liên hoan nghệ thuật cồng chiêng quy mô lớn được Phòng GD-ĐT huyện tổ chức cho học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Cây nêu, máng nước, heo gà, trang phục và nhạc cụ cồng chiêng đều có đủ, giúp tái hiện nguyên bản các lễ hội ở vùng cao như tết máng nước, mừng lúa mới, cúng thần sâm Ngọc Linh… ngay trên sân khấu. Bằng tài năng và niềm đam mê, các học sinh đến từ 11 trường học đã mang đến hội thi những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc và ấn tượng.

Em Hồ Thùy Hằng Lĩnh (lớp 9/2, Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trà Dơn) chia sẻ: “Cồng chiêng và những điệu múa đã thấm sâu vào tiềm thức ngay từ lúc còn bé, em có thể nghe, hiểu được tiếng cồng chiêng và múa những điệu truyền thống của dân tộc mình.

Những chương trình nghệ thuật hay và bổ ích như thế này giúp chúng em có thể mang tiếng cồng, tiếng chiêng đi xa hơn nữa, để bạn bè nhiều nơi biết đến nét đẹp truyền thống của dân tộc mình”.

Theo thầy giáo Phạm Hồng Vương (Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Trà Dơn), học sinh được biểu diễn, giao lưu cồng chiêng là cơ hội để khơi dậy tình yêu đối với văn hóa của cha ông. “Qua hướng dẫn của nghệ nhân, các em tiếp thu rất nhanh, đó là tín hiệu mừng và là niềm vui của những người thầy giáo như chúng tôi, vì các em có thể duy trì được nếp sinh hoạt văn hóa, vẻ đẹp truyền thống của dân tộc mình”.

Ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My cho hay, hội thi liên hoan nghệ thuật cồng chiêng có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh, đây là sân chơi bổ ích, đồng thời là nơi để các em học hỏi, giao lưu cồng chiêng.

“Nghệ thuật cồng chiêng có ý nghĩa sâu sắc đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Nam Trà My. Những giá trị văn hóa này nếu không được bảo tồn, gìn giữ, theo thời gian sẽ dần mai một. Chính vì thế, việc đưa sinh hoạt cồng chiêng vvào nhà trường giúp học sinh rèn luyện, hiểu biết ý nghĩa của cồng chiêng, từ đó lan tỏa trong nhà trường, trong cộng đồng” - ông Thuận nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Âm vang đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO