Cách đây 75 năm, hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng đoàn kết đánh địch, dấy lên nhiều phong trào cách mạng sôi nổi, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Ngày 18 và 19.12.1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chiều 19.12.1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày và giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. Đúng 20 giờ ngày 19.12.1946, tín hiệu phát đi, cuộc kháng chiến trong toàn quốc bắt đầu.
Chung sức kháng địch
Sáng 20.12.1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết ngày 19.12.1946) phát đi khắp cả nước. Trước đó, lúc 20 giờ ngày 19.12.1946, Ban Chỉ huy Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng đã nhận được lệnh của cấp trên và quyết định giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 19, đúng 2 giờ sáng 20.12.1946 nổ súng đánh địch tại sân bay Đà Nẵng, làm hiệu lệnh tiến công địch trên phạm vi TP.Đà Nẵng.
Kế hoạch của ta là phá sập cầu Thủy Tú, Cẩm Lệ, Phong Lệ, nhà máy đèn, chặt cây cản đường, ra lệnh đồng bào tản cư; chuyển các cơ quan lãnh đạo của Đà Nẵng ra khỏi thành phố lên đóng ở Túy Loan (Hòa Vang), dời Trung đoàn 96 lên Khánh Sơn, rút phái đoàn ta ra khỏi Ủy ban liên kiểm Việt - Pháp; Trung đoàn 93 đưa một bộ phận vào Đà Nẵng chiến đấu.
Tuy nhiên, hiệu lệnh nổ súng ở sân bay đã không được thực hiện như kế hoạch. Theo mệnh lệnh mới, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 18 nổ súng đánh địch tại cầu Vồng; tự vệ nhà máy đèn nổ mìn phá nhà máy; Trung đoàn 93 đánh sập cầu Cẩm Lệ, Phong Lệ; lực lượng công binh dùng địa lôi phá cầu Thủy Tú. Đến 8 giờ sáng 20.12.1946, tiếng súng đánh địch nổ vang khắp Đà Nẵng.
Quân Pháp báo động, tàu chiến ngoài biển bắn pháo vào, kết hợp với lính ở vùng Trẹm, đồn Khố Đỏ cùng với xe tăng tổ chức nhiều mũi tiến công nhằm vào hai hướng chủ yếu: từ nhà Bưu điện, Cổ Viện Chàm, chợ Mới đến sân bay Đà Nẵng; hướng phía tây tiến vào chiếm nhà ga.
Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt tại nhà Bưu điện, nhà sách Thái Thị Bôi, nhà Thông tin, Cổ Viện Chàm, bót Đội Cung. Mặc dầu lực lượng ta không cân sức, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường các chiến sĩ bám giữ từng căn nhà, góc phố, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch.
Ngày 21 và 22.12, các đơn vị tiếp tục chặn đánh địch nhiều nơi trong thành phố. Tại chợ Mới, các đơn vị bộ đội và du kích Hòa Vang bao vây, chặn đánh địch đi cứu viện sân bay.
Trong đêm 20.12.1946, nhân dân đem bàn ghế, giường tủ ra đường phố làm chướng ngại vật ngăn cản bước tiến của địch; đồng thời dỡ nhà, đục tường làm chiến hào ngay trong lòng thành phố để bộ đội chiến đấu.
Nhiều thanh niên, học sinh hăng hái gia nhập các đơn vị chiến đấu đánh địch, vừa cứu thương, chăm sóc thương bệnh binh. Công nhân hỏa xa, bến cảng, thợ hồ, thợ sơn, xích lô... sát cánh cùng các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Lực lượng tự vệ, nhân dân hăng hái làm nhiệm vụ tải đạn, tải thương, tiếp tế các đơn vị.
Đồng lòng phòng thủ
Qua 3 ngày chiến đấu, quân và dân Đà Nẵng thực hiện tốt nhiệm vụ chặn bước tiến, tiêu hao sinh lực và giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện để cán bộ và nhân dân rút ra ngoài, bảo tồn lực lượng chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Chiều 22.12.1946, Ban chỉ huy Mặt trận ra lệnh cho các đơn vị bộ đội rút ra khỏi trung tâm thành phố...
Ngay sau đó, tỉnh chỉ đạo lập tuyến phòng thủ mới ở phía tây bắc thành phố, từ Phong Lệ, Nghi An, Hòa Mỹ, Đa Phước đến ngã tư Yên Khê. Ở phía nam sông Cẩm Lệ, tuyến phòng thủ từ Phong Lệ đến Non Nước được Trung đoàn 93 cùng với quân và dân Hòa Vang gia cố vững chắc. Từ ngày 26.12.1946 đến 20.1.1947, quân và dân ta tổ chức nhiều trận đánh ngăn chặn địch, giữ vững các tuyến phòng thủ...
Sau khi có viện binh, Pháp củng cố lực lượng, tiến hành mở các đợt tiến công mở rộng địa bàn chiếm đóng, kết thúc chiến tranh. Tháng 1.1947, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng họp mở rộng tại Ái Nghĩa (Đại Lộc) chủ trương tăng cường bố phòng vững chắc tuyến phòng thủ phía nam sông Cẩm Lệ. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Đảng bộ mới gồm 15 đồng chí, đồng chí Trương Quang Giao làm Bí thư, đồng chí Trần Tống làm Phó Bí thư.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban Quân sự Mặt trận bố trí lại lực lượng, các tiểu đoàn của Trung đoàn 93 có nhiệm vụ tổ chức phòng ngự tuyến phía nam sông Cẩm Lệ, Trung đoàn 96 đứng ở Hòa Nhơn, có nhiệm vụ đánh địch phía tây bắc huyện Hòa Vang. Dân quân du kích, nhân dân các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, thị xã Hội An tích cực tiêu thổ kháng chiến, dựng chướng ngại vật chặn địch, sẵn sàng tản cư về phía nam sông Thu Bồn.
Quân Pháp chia làm hai cánh tiến công về phía nam, âm mưu đánh chiếm, hội quân tại Ái Nghĩa nhưng bị các đơn vị của Trung đoàn 96 và Trung đoàn 93 phối hợp với dân quân du kích kiên quyết đánh trả. Do lực lượng chênh lệch nên địch chọc thủng được tuyến phòng thủ Non Nước của Trung đoàn 93, sau đó chúng chia làm hai cánh quân thủy, bộ tiến lên Đại Lộc.
Ngày 15.3.1947, quân Pháp chia làm 3 mũi đánh vào Hội An, các đơn vị của Trung đoàn 93 chiến đấu dũng cảm, sau đó rút về phía nam sông Thu Bồn để bảo toàn lực lượng. Pháp tạm chiếm được Hội An và toàn bộ phía bắc sông Thu Bồn, lên đến Ái Nghĩa, âm mưu tiếp tục tiến lên phía tây nhưng bị lực lượng ta ngăn chặn, đánh bại...
Như vậy, đến cuối tháng 3.1947, kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp bị thất bại, buộc chúng phải dừng lại ở phía bắc sông Thu Bồn, thiết lập hệ thống đồn bót. Đây là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng đối với chiến trường Nam Trung Bộ và với cục diện cả nước.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, cùng với cả nước, Đảng bộ, quân và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt, chiến thắng Bồ Bồ - trận Điện Biên Phủ trên chiến trường Quảng Nam ngày 19.7.1954 đã góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.