Cách đây 50 năm, liên quân Mỹ ngụy tổ chức trận càn lớn vào khu vực Hòn Kẽm, thuộc Hiệp Hòa, Hiệp Đức, để tìm diệt hậu phương kháng chiến.
Làng Linh Kiều bị đốt cháy. Máy bay địch quần suốt. Pháo địch nã liên miên. Chiến thuyền dậy sóng sông Thu. Hơn 200 người dân phải chạy vào hang núi trong Hòn Kẽm trú ẩn. Mắc kẹt trong hang núi cả tuần liền, dân làng đói khát mờ cả mắt. Một số người liều lĩnh men xuống các nương rẫy tìm khoai sắn, nhưng đều bị địch phục kích bắn chết.
Trong bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc ấy lại xuất hiện thêm tình huống ngặt nghèo với đứa trẻ khát sữa. Đó là con trai của mẹ Nghê – Lê Văn Tân mới 3 tháng tuổi. Chồng mẹ vừa hy sinh, mẹ Nghê mang theo Tân và con gái Lê Thị Liền - 4 tuổi, vào hang trú ẩn cùng dân làng. Đói khát cháy ruột khiến người mẹ vắt không còn giọt sữa nào. Tân khóc ngằn ngặt. Trong cảnh giặc đang bao vây, biệt kích địch rình rập, tiếng khóc của đứa trẻ thành hiểm họa. Bao nhiêu người thay phiên dỗ dành mà Tân vẫn khóc thét. Sợ giặc phát hiện sẽ giết cả dân làng, mẹ Nghê cắn răng hy sinh con mình, rồi dùng tay cào sỏi đá vùi thây bên triền núi.
Rồi địch rút đi. Rồi cuộc kháng chiến của dân làng kéo dài mấy năm nữa là đến ngày giải phóng. Nhưng mẹ Nghê trở về mà nỗi đau mất con ám ảnh khôn nguôi. Mẹ thao thức đêm đêm, thắp hương quay về hướng núi khấn vái. Cơn bấn loạn sang chấn tâm lý khiến mẹ nhiều lúc điên dại. Càng về già, ký ức càng trở lại, mẹ ngồi đếm sỏi như đếm tuổi con mình, mới đó mà gần nửa thế kỷ trôi qua…
...
Câu chuyện bi thương của mẹ Năm Nghê được kể lại nhiều lần trên báo chí truyền thông. Trong đó, có người viết bài đăng báo rồi in thành sách, như nhà báo Võ Văn Trường, công tác ở đài QRT. Mỗi khi đọc lại tác phẩm “Về Kẽm” của anh, vừa kinh hãi với sự tàn khốc của chiến tranh vừa thấm sâu nỗi thương cảm vô bờ cuộc đời người mẹ ở Trà Linh.
Ấn tượng nhất có lẽ là bộ phim tài liệu “Mẹ Năm Nghê” do kênh truyền hình Công an nhân dân thực hiện. Bằng những thước phim tài liệu quý giá và cả sự phục dựng tinh tế, hình ảnh mẹ Nghê hiện lên sống động với tột cùng nỗi đau. Ánh mắt của người mẹ bên sông Thu Bồn nhìn núi, nhìn sông, như thấu lòng trắc ẩn sâu thẳm về số phận; với dáng mẹ ngồi như dấu hỏi của kiếp người. Bộ phim gây tác động mạnh đến cảm xúc người xem. Xem, và từ những trang báo khác đã đọc, cuộn lên nỗi thao thức để chị Mai Bích Thủy ở thành phố cảng Hải Phòng không cầm lòng được. Chị Thủy đã dày công soạn bài hát chèo về mẹ Năm Nghê, rồi nhờ người trình bày, lồng hình ảnh, làm video thu âm đưa lên YouTube. Bài chèo thể thức theo làn điệu Tò vò, trong đó đoạn Trổ 4 có ca từ giàu hình ảnh biểu cảm khá xúc động về mẹ: “Héo mòn năm tháng dần trôi/ nỗi đau cuộc đời/ Người như ngây dại/ai oán buồn thương/ Đường lang thang mẹ bước/ hương tàn tìm kiếm/ tiếng ru hời Tân con ở nơi đâu…”.
Sau khi báo chí, văn nghệ viết về mẹ Năm Nghê, nhân dân địa phương quan tâm hơn và có cơ quan đơn vị đã về giúp đỡ xây nhà cho mẹ. Nhưng phải nhìn nhận rằng sự bù đắp cho gia đình mẹ vẫn còn ít ỏi. Điều đó, khiến chị Mai Bích Thủy trăn trở mới nhắn nhủ qua Báo Quảng Nam là làm sao cho câu chuyện về mẹ Năm Nghê được nhắc đến nhiều hơn nữa, để thế hệ hôm nay hiểu và tri ân sự hy sinh lớn lao của lớp người đi trước.
...
Có những câu chuyện bi thương của đời người không thể nào lãng quên được.
Lịch sử không thể nào đong đếm hết nước mắt và nỗi đau của người dân nước Việt vì bom đạn chiến tranh.
Như đất Quảng đã hòa bình bốn mươi tư năm nhưng âm vọng quá khứ cứ dậy lên mỗi tháng Ba về.
Như câu chuyện về mẹ Năm Nghê đầy ám ảnh…
NGUYỄN ĐIỆN NAM