(QNO) - Hàng triệu sản phẩm ở Anh được Amazon mang đi tiêu hủy mỗi năm, theo một cuộc điều tra của đài ITV News.
ITV News đã tìm thấy các chồng hộp được đánh dấu “tiêu hủy” chứa đầy đồ điện tử, đồ trang sức, sách và các mặt hàng đã qua sử dụng khác trong “khu vực tiêu hủy” của một nhà kho. Hãng tin tức đã ghi lại cảnh này qua camera bí mật tại nơi thực hiện Dunfermline ở Scotland sau khi theo dõi một số hàng hóa đến các trung tâm tái chế và một bãi rác.
Chỉ một tuần trong tháng 4.2021, khoảng 124.000 mặt hàng tại Dunfermline đã được dán nhãn “tiêu hủy”, theo một tài liệu nội bộ do ITV News thu được. Cùng thời điểm đó, chỉ có 28.000 mặt hàng được Amazon dành để quyên góp từ thiện. Nhân viên Amazon giấu tên cũng tiết lộ có những tuần phải tiêu hủy đến 200.000 sản phẩm.
Một cựu nhân viên của Amazon nói với ITV News rằng khoảng một nửa số mặt hàng được chuyển vào thùng rác là hàng do khách hàng trả lại, trong khi số còn lại “hoàn toàn chưa mở và vẫn còn trong bọc”. Những thứ bị tiêu hủy có quạt Dyson, máy hút bụi Hoovers, MacBook và iPad, thậm chí 20.000 khẩu trang y tế vẫn còn trong giấy gói vẫn bị cho vào thùng rác.
Nguyên nhân của giải pháp có phần tiêu cực này được cho là vì nhiều nhà cung cấp phải trả tiền để giữ hàng của họ trong kho của Amazon. Nếu hàng không bán được, việc vứt bỏ sản phẩm đó giúp tiết kiệm chi phí hơn thay vì giữ chúng trên kệ của Amazon.
Theo cuộc điều tra của tổ chức môi trường Greenpeace (Canada) nhằm vào Amazon, một lượng hàng hóa tương đương ở Anh cũng đã được phân loại để tiêu hủy tại một nhà kho khác ở Đức. Và vào năm 2018, Amazon đã tiêu hủy hơn 1.300 tấn sản phẩm ở Pháp. Sam Chetan-Welsh - một nhà vận động chính sách của Greenpeace nói với ITV News: “Đó là một sự lãng phí không cần thiết và không thể tưởng tượng được. Thật sốc khi chứng kiến công ty trị giá hàng tỷ bảng Anh loại bỏ sản phẩm theo cách này”.
Trao đổi với The Verge, đại diện Amazon phủ nhận việc gửi bất kỳ sản phẩm nào đến các bãi rác ở Anh và tuyên bố rằng bãi rác mà ITV ghi hình thực sự là nơi tái chế. “Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu không thải sản phẩm và ưu tiên của chúng tôi là bán lại, quyên góp cho các tổ chức từ thiện hoặc tái chế bất kỳ sản phẩm nào không bán được” - Amazon cho biết trong tuyên bố của mình.
Sự phẫn nộ của công chúng từ bản tin của ITV News đã khiến các nghị sĩ Anh yêu cầu một cuộc họp với John Boumphrey - quản lý Amazon tại Anh. Các nghị sĩ này cho rằng việc tiêu hủy máy tính xách tay và máy tính bảng gây nguy hại cho môi trường, cũng như làm mất đi cơ hội để giúp hàng triệu người ở Anh được kết nối internet. Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố sẽ xem xét hành vi này.
Theo The Verge, ngành công nghiệp thương mại điện tử đang tạo ra những hiểm họa môi trường mới khi mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến và nhiều kho hàng mọc lên gần các cộng đồng để đáp ứng nhu cầu, làm tăng chất thải và khí thải.