(QNO) - "Con hến tiền đã chín thấm hương vị màu mè nên không còn mùi tanh nữa. Nước hến cũng ngọt và thơm, màu xanh như nước phá Tam Giang, chan với cơm ăn không bao giờ chán" - trong "Về Huế ăn cơm", nồi canh hến của Phi Tân thấm đẫm hương vị quê xứ như vậy.
Rất nhanh, tôi bị thu hút bởi lời chào mời chân tình của tác giả Phi Tân ngay từ tựa sách “Về Huế ăn cơm” và từng trang, từng trang sách dẫn dắt tôi đến những điều thú vị, mộc mạc, nồng ấm tình người...
Xưa nay nói về ẩm thực Huế, mọi người thường nghĩ đến những món được chế biến cầu kỳ và cách ăn cũng cầu kỳ không kém, điều này có lẽ do ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực cung đình. Nhưng trong "Về Huế ăn cơm" Phi Tân chủ yếu đưa độc giả đến với ẩm thực bình dân xứ Huế trong không gian hoài niệm và dân dã, đậm đà hương vị quê hương qua 70 bài viết với 280 trang sách.
Huế có lẽ là một trong những địa phương nổi tiếng với nhiều đặc sản: cơm hến, bún bò, bánh bột lọc, chè hẻm, bánh xèo, bánh bèo… Những món phổ thông ở vùng miền nào cũng có, ví như chè, bún, bánh bèo, cháo lòng..., nhưng chè Huế, bún Huế, bánh bèo Huế, cháo lòng Huế lại có đặc trưng không lẫn với các vùng miền khác.
Và cũng chè, bún, hay cháo lòng đó… nhưng qua ngòi bút của Phi Tân, lại thêm một lần nữa trở nên đặc biệt hơn. Đặc biệt là bởi, tác giả không chỉ giới thiệu món ăn hay cách chế biến mà anh còn gửi nỗi nhớ niềm thương trong từng món và gửi lòng biết ơn của mình đến người chế biến qua từng câu chuyện.
Hương quê, vị quê, tình quê, tình người… thấm đẫm trong từng câu chữ, để rồi người đọc cảm nhận, “Về Huế ăn cơm” cùng Phi Tân không chỉ ăn để no, để ngon mà là để hoài niệm, hồi tưởng, nhớ thương, để biết ơn và để hiểu thêm, yêu hơn cốt cách người Huế.
“Về Huế ăn cơm”, độc giả không chỉ được thưởng thức những món ăn bình dân “rất Huế” như bánh bột lọc, canh hến, rạm bè nấu chột môn, những món từ trái vả, hay thậm chí rau bợ (vốn mọc hoang) luộc…; cũng không chỉ biết cách làm những món bình dân, giản dị, gần gũi thân quen nhưng công phu, tỉ mẩn, tinh tế, mà quan trọng hơn là còn cảm nhận được cái tình sâu nặng đến mức nhạy cảm của tác giả trong từng món ăn.
Với “Rau muống quê nhà”, một bó chưa tới mười nghìn đồng, đã có thể chế biến nhiều món: rau muống luộc lấy nước vắt thêm tí chanh để làm canh có thể ăn hoài không ngán, rau muống xào, rau muống bóp, canh rau muống. Nhưng canh rau muống quê tác giả mang hương vị mát lành khi nấu với hến phá Tam Giang: “Vị ngọt của hến thấm đều vô từng cọng rau muống mềm, ăn thấm nơi đầu lưỡi. Nước của tô canh rau muống hến lại vừa thơm mùi rau vườn, vừa thơm mùi hến sông”. Và anh đúc kết: “Rau muống là món rau dễ ăn nên chế biến càng đơn giản lại càng ngon”.
“Sắc hương chè Huế” của anh lại khiến tôi nhớ lần đầu đến Huế cùng người thương. Trong khi tôi háo hức xem phong cảnh Huế thì người ấy đưa tôi đến quán chè Hẻm, vì người ấy bảo: “Chưa ăn chè Hẻm thì coi như chưa đến Huế”.
Có phải ai cũng vậy không, mà Phi Tân kể: “Bạn tôi thì hễ về Huế, trước tiên là phải đi ăn chè Hẻm cái đã, sau đó mới tính đến chuyện nhậu. Bạn nói rằng ăn chè để nhớ thời thanh xuân ở Huế, nhớ lần hò hẹn đầu tiên”… Chè Huế, tất nhiên chế biến cầu kỳ và tinh tế theo kiểu Huế, nhưng trước hết, chè Huế mang “vẻ đẹp của sự bày biện sắc màu” để rồi “chỉ nhìn thôi là đã muốn ăn”.
Và nữa, anh mời độc giả món bánh bột lọc hay “Bánh canh cá lóc” - niềm tự hào của người Huế, hay mời “Về Huế ăn bún bò” - món ăn vừa bình dân vừa sang trọng.
Nhưng Huế của Phi Tân đâu chỉ nổi tiếng với bún bò, mà còn có “Bún cá ngừ xứ Huế” - “món bún mang hương vị của biển xứ Huế”, là “món gói ghém cốt cách của người Huế trong hương vị”, bởi món này cần cay và thơm. Chưa hết, còn có món “Bún mắm nêm ăn ngậm mà nghe”, đúng là ngậm mà nghe thiệt, khi ăn đừng trò chuyện chi cả, ăn xong một tô còn muốn kêu thêm một tô nữa, vừa ăn vừa xuýt xoa, hít hà vì cay và ngon. Và tất nhiên, còn rất nhiều món ngon dân dã khác.
Rồi anh về làng, vì “hơi hám, mùi vị của làng ở trong tôi chính là bữa cơm cuối năm dưới ngọn đèn dầu”. “Bữa ăn không có những thức, những vị cao sang, nhưng luôn thấm tháp từ bàn tay và tấm lòng của mạ. Đó là cũng là thời gian ấm áp nhất trong những ngày cuối năm của tôi”.
Còn tôi, tôi đọc “Về Huế ăn cơm” khi thời gian còn lại của năm âm lịch vơi dần, vơi dần. Tết đang đến gần. Phải rồi, gần cuối năm, về làng ăn bữa cơm cuối năm với mẹ thôi!
Phi Tân hiện làm việc tại Đài PT-TH Huế. “Về Huế ăn cơm” (NXB Lao động, Chibooks xuất bản quý 3.2021) là tập tản văn thứ 3 của anh, và là tập thứ 2 do Chibooks xuất bản. Trước đó là tập “Ngoại ô thương nhớ” (2020) và “Bên sông Ô Lâu” (2021).
Như lời giới thiệu, nếu đã đọc “Bên sông Ô Lâu", nhất định bạn nên đọc “Về Huế ăn cơm” để được thêm lần nữa qua những trang văn vừa mộc mạc gần gũi, vừa mênh mông da diết của Phi Tân, cảm về Huế sâu đậm hơn, với nhiều thích thú hơn…