An cư vùng đất mới

HỒ YÊN NGỌC 04/08/2023 07:36

Không còn chen chúc bám víu trên những sườn đồi dốc để rồi nơm nớp lo lắng với sạt lở và khó nghèo, lần lượt từng nhà, từng làng dọn về nơi ở mới, “sắp xếp” lại cuộc sống mới khi đã an cư...

>> Như dáng pơmu...

Với cách bố trí phù hợp, nhiều khu tái định cư ở Tây Giang trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Ảnh: C.N.Q
Với cách bố trí phù hợp, nhiều khu tái định cư ở Tây Giang trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Ảnh: C.N.Q

Ngày khác, ở làng tái định cư

Những ngôi nhà “di động” trên vai người, cả làng già trẻ, đàn bà, đàn ông cùng chung sức đưa từng cái cột, mảnh ván theo cuộc di dân. Di dân, không phải là lang thang du canh du cư như câu chuyện của những ngày khốn khó, mà là đi theo chủ trương lớn, gần như chưa có tiền lệ: sắp xếp dân cư vào các mặt bằng mới.

Đó là câu chuyện của Tây Giang suốt hành trình dài. Năm 2013, chúng tôi vào xã Dang, con đường mới mở vẫn ngổn ngang bùn lầy, nhưng đã thấy hàng dài những túp lều của bà con dựng sẵn.

Không ai than phiền về những gian khó. Tất thảy đều biết, một cuộc sống mới đang đến rất gần rồi, khi nhà cũ đã được dỡ, đưa về chờ ngày dựng lên ở mặt bằng mới.

Đúng mười năm, trở lại xã Dang, khó có thể hình dung nơi này từng là một dấu chấm lặng buồn miên man giữa núi rừng. Nóc nhà sáng màu tôn mới, quây quần bên nhau, như hình ảnh của lũ làng xếp thành vòng tròn đều nhịp chân theo điệu tâng tung bên cột x’nur. Vòng tròn của kết đoàn, yên ấm.

An yên trên vùng định cư mới. Ảnh: C.N.Q
An yên trên vùng định cư mới. Ảnh: C.N.Q

 Abing Chính, người làng K’xêêng (xã Dang) vẫn còn giữ những hình ảnh về ngôi làng cũ, vách nứa lợp tranh trên nền đất nện, không khác mấy so với một mái “duông” (nhà canh rẫy). Chừng ba chục hộ của làng cũ, cùng một kiểu, chen chúc nhà gần nhà.

Ký ức của Abing Chính và bao người K’xêêng cùng một mẫu số chung: sống khổ trong căn nhà xập xệ, đêm xuống trở lưng cũng đụng người, mùa mưa đi đâu cũng dột. Ánh sáng duy nhất, là bếp lửa.

“Hồi đi học dưới xuôi, tôi mua điện thoại di động mang về nhưng chỉ dùng được một ngày rồi cất, vì không có chỗ sạc pin. Nghèo lắm, nên cái đầu cũng không sáng ra được mà lo chuyện làm ăn, lo chuyện của ngày hôm nay đã khó có lối ra, nói chi đến ngày mai. Mọi thứ chỉ thực sự bắt đầu được gỡ, từ khi chuyển về làng mới” - Abing Chính tâm sự.

So chiếu với bước khởi đầu của hai mươi năm trước, từ rất nhiều “con số không”, đến nay Tây Giang đã san ủi được 123 mặt bằng, với tổng diện tích 374ha, bố trí cho hơn 5.300 hộ dân cư có đất ở ổn định lâu dài gần khu sản xuất, chăn nuôi.

Từ giã những ngôi nhà bám víu mỏng manh trên sườn đồi sườn dốc hay nằm ngay bên khe suối chực chờ những hiểm họa, bà con đã đồng lòng dọn về những khu dân cư mới được san ủi bằng phẳng, có điện, có nước sạch và cả đường giao thông. Đồng bào Cơ Tu vùng biên đã thực sự sống những ngày rất khác, từ khi dọn về khu tái định cư mới.

Kinh nghiệm cho miền núi

Trò chuyện cùng ông Bhriu Liếc - nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang, ngày cũ như những thước phim được tua lại trong trí nhớ của người cán bộ một đời gắn bó với vùng cao.

“Khi mới đưa chủ trương san ủi mặt bằng, di dời, tái định cư cho dân, chúng tôi vấp phải nhiều hoài nghi, thậm chí có ý kiến cho rằng không được đụng đến đất rừng, đất núi.

Quan trọng nhất và vẫn là yếu tố cốt lõi nhất chính là sự đồng thuận của lòng dân. Chúng tôi làm và làm được vì đúng ý, đúng mong mỏi, đúng nhu cầu của bà con và bà con đều hết mình ủng hộ” - ông Liếc chia sẻ.

Vỡ ra nhiều bài học từ chính câu chuyện của ông Liếc, từ những ngày đầu tái lập còn chất chứa khó khăn. Mặt bằng đầu tiên được làm ở Tây Giang là Pơr’ning (xã Lăng), vào năm 2005. Dân tình nguyện hiến rất nhiều cây quế, cây ăn quả để san ủi mặt bằng.

Đến mặt bằng thứ hai ở thôn Aréc (xã A Vương), già làng của thôn nói chắc nịch: Nhà nước đã lo cho dân hơn một nửa, cây quế, cây mít, cây ổi của làng cũng là từ Nhà nước cho. Bây giờ Nhà nước làm, mình có chỗ ở đẹp, có ruộng đẹp, cớ gì không làm. “Tôi là già làng, đất, cây cối của nhà tôi, tôi cho”, vị già làng đã khẳng định như thế trước cuộc họp dân, cả làng đồng lòng ủng hộ.

“Muốn làm, phải thuận lòng dân. Mặt bằng do Tây Giang quy hoạch đều do dân chọn, tính ổn định từ lòng dân. Chúng tôi làm, giữ được kiến trúc truyền thống, giữ được gươl theo ý nguyện bà con. Cơn bão số 5 xảy ra vào cuối năm 2020, cả Tây Giang chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ quét hung tợn như thế.

Nếu không có hơn 100 mặt bằng tái định cư, di dời dân từ lòng sông lòng suối, từ những sườn đồi, chắc dân số Tây Giang đã bị thiệt hại một nửa. Thiên tai như một bài kiểm tra khắc nghiệt, nhưng cũng qua thiên tai mà chúng tôi nhận thấy được tính bền vững, thích ứng của việc tái định cư, sắp xếp dân cư kịp thời. An cư rồi mới lạc nghiệp, bài học đó đã và đang được thể hiện rất rõ, rất chính xác ở Tây Giang” - ông Liếc nói.

Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, câu chuyện sắp xếp dân cư vừa là điểm sáng, vừa là kinh nghiệm của huyện vùng biên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai khốc liệt và dữ dội hơn đang xảy ra.

“Chúng tôi đã kiên định mục tiêu ngay từ đầu, làm bài bản, đồng bộ hạ tầng, lấy người dân làm trung tâm và luôn tôn trọng tri thức, nguyện vọng của đồng bào bản địa. Đó là tiền đề, là khởi nguồn để có được những sức bật mới cho huyện hôm nay và cho những ngày sắp tới” - ông Blúi nhấn mạnh.

Hôm nay đến vùng phên dậu, bắt gặp cảnh khói bếp bảng lảng trong chiều, bay lên từ những ngôi nhà xếp thành hình cánh cung, như một nhận diện ấm êm và bình yên của núi. Một kỳ tích được viết nên từ mảnh đất biên giới Tây Giang bằng những miệt mài không ngừng nghỉ, bằng chủ trương hợp với lòng dân, sát thực tiễn.

Về Tây Giang như trở về nhà

Gần như, lần nào lên Tây Giang công tác, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cũng bày tỏ niềm vui như “được trở về nhà”. 

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thăm, trò chuyện với người dân Tây Giang. Ảnh: Đ.N
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thăm, trò chuyện với người dân Tây Giang. Ảnh: Đ.N

Nhớ đợt gặp mặt các già làng tiêu biểu, lão thành cách mạng và nguyên lãnh đạo huyện Tây Giang mới đây, đồng chí Phan Việt Cường xúc động kể lại ngày tháng gắn bó “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với chính quyền và người dân địa phương những ngày đầu tái lập. Đồng thời xem đó như một phần ký ức không thể nào quên trong nhiệm vụ công tác của mình, những năm sau này.

“Tôi nhớ mãi thời điểm mới nhận công tác tại Tây Giang. Hồi đó, Tây Giang mới vừa tái lập nên điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở đều thiếu thốn. Con đường từ thị trấn Prao lên xã Lăng bùn đất trơn trượt; chuyện ăn ở, sinh hoạt của cán bộ đều mượn tạm nhà dân.

Dù khó khăn bộn bề nhưng cán bộ và cộng đồng Cơ Tu luôn phát huy tình thần đoàn kết, vượt qua thử thách, cùng góp sức xây dựng Tây Giang đổi mới từng ngày, nhất là việc đi đầu trong ổn định dân cư gắn với phát triển sản xuất.

Bây giờ, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, tôi vẫn luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt với Tây Giang, xem nơi này là quê hương thứ hai của mình, cộng đồng Cơ Tu là anh em ruột thịt hết sức quý mến và từ hào, đã cùng sinh sống và làm việc trong những buổi đầu gian khó nhất” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh. (ALĂNG NGƯỚC)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An cư vùng đất mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO