Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương củng cố chuỗi cung ứng hàng thiết yếu

NAM VIỆT 29/05/2023 16:20

(QNO) - Mười bốn quốc gia bao gồm Việt Nam tham gia sáng kiến kết nối kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vừa đạt được thỏa thuận về hợp tác đa phương đầu tiên về chuỗi cung ứng hàng hóa quan trọng.

 
Đại diện các nước tham gia thảo luận IPEF vào ngày 27/5 vừa qua. Ảnh: Twitter

Cuối tuần qua, các bộ trưởng của Mỹ, Nhật Bản và 12 quốc gia khác thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhất trí tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng cho các mặt hàng quan trọng như chất bán dẫn và thuốc men, thiết bị y tế để ứng phó kịp thời hơn với các trường hợp khẩn cấp.

Theo tờ Mainichi (Nhật Bản), thỏa thuận vừa đạt được là kết quả thực tế đầu tiên nằm trong sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ dẫn đầu kể từ khi khởi động vào tháng 5 năm ngoái.

Sau khi kết thúc đàm phán, Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói với các phóng viên rằng đây là "thỏa thuận đầu tiên kiểu này về chuỗi cung ứng".

Theo đó, các quốc gia đối tác của IPEF có kế hoạch phát triển một hệ thống để xác định chung các rủi ro chuỗi cung ứng quan trọng nhằm đảm bảo giao hàng kịp thời các mặt hàng thiết yếu trong các cuộc khủng hoảng bằng cách cải thiện các quy trình phối hợp và ứng phó giữa các nước tham gia thảo luận sáng kiến IPEF.

Dược phẩm
Dược phẩm là một trong những mặt hàng thiết yếu trong chuỗi cung ứng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Shutterstock

Mặc dù tuyên bố không đề cập cụ thể hàng hóa nào được coi là thiết yếu, một quan chức Nhật Bản cho biết mục tiêu là nhằm vào các khoáng sản quan trọng, chất bán dẫn, công nghệ năng lượng mới và các tài nguyên hoặc thiết bị khác có thể tác động đáng kể đến xã hội nếu nguồn cung bị ngừng.

Cạnh đó, thỏa thuận này nhằm tăng cường khả năng phục hồi, hiệu quả, năng suất, tính bền vững, minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, công bằng và tính toàn diện của chuỗi cung ứng. Điều này sẽ đạt được thông qua các hoạt động hợp tác và hành động cá nhân của từng quốc gia tham gia.

Vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt liên quan đến hàng hóa như thực phẩm, năng lượng và các sản phẩm công nghiệp chủ chốt trở thành tâm điểm chú ý sau đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine. 

Do đó, thỏa thuận cũng liên quan đến việc chia sẻ thông tin và phối hợp ứng phó với khủng hoảng để đáp ứng những thách thức của chuỗi cung ứng trong tương lai.

Về năng lượng sạch, các quốc gia tham gia IPEF đồng ý thành lập sáng kiến hydro khu vực để khuyến khích triển khai rộng rãi hydro tái tạo và các-bon thấp...

Sáng kiến IPEF được xem là sự trở lại của Mỹ trong khu vực sau khi nước này tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Các nước tham gia thảo luận IPEF hiện gồm Mỹ, Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. IPEF đại diện cho khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. IPEF có 4 trụ cột chính gồm thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch (kinh tế phi các-bon) và kinh tế công bằng.
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương củng cố chuỗi cung ứng hàng thiết yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO