(QNO) - Chiếc vệ tinh mang tên Sứ mệnh quỹ đạo Sao Hỏa (MOM) của Ấn Độ có thể đã kết thúc hoạt động sau tám năm quay quanh Hành tinh Đỏ.
Các trạm mặt đất do Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) vận hành đã mất liên lạc với tàu vũ trụ MOM. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định rõ ràng; nhưng có khả năng vệ tinh này đã hết thuốc phóng, pin của MOM có thể cạn kiệt vượt quá giới hạn hoạt động an toàn, hoặc cơ động tự động có thể đã cắt đứt liên lạc, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.
Các quan chức ISRO viết trong một tuyên bố: “Tàu vũ trụ này không thể phục hồi được và đã hết tuổi thọ”. Tuyên bố của ISRO không nêu rõ thời điểm nhóm nghiên cứu mất liên lạc với tàu vũ trụ.
Đã hoạt động tại sao Hỏa được tám năm, MOM - còn được gọi là Mangalyaan - đã vượt xa thời gian thực hiện sứ mệnh dự kiến chỉ từ 6 đến 10 tháng. Tàu được phóng vào tháng 11.2013 và đi vào quỹ đạo xung quanh sao Hỏa vào tháng 9.2014.
Một cánh của MOM chứa mảng pin năng lượng mặt trời có kích thước 1,4 x 1,8 mét, bao gồm ba tấm được gắn ở một bên của tàu vũ trụ. Mảng pin này có thể tạo ra công suất 800w tại sao Hỏa và sạc pin lithium-ion.
Nhưng tàu vũ trụ gần đây đã gặp phải một loạt các hiện tượng nhật thực, có lần kéo dài đến bảy tiếng rưỡi, có thể ảnh hưởng đến khả năng sạc lại của nó. Pin vệ tinh được thiết kế để xử lý thời lượng nhật thực chỉ khoảng một giờ 40 phút, thời gian nhật thực lâu hơn sẽ tiêu hao pin vượt quá giới hạn an toàn.
Ở thời điểm phóng, MOM mang theo khoảng 852kg nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho động cơ đẩy chính và tám động cơ đẩy nhỏ hơn được sử dụng để kiểm soát độ cao.
Cũng có khả năng sự cố mất liên lạc có thể là do hệ thống tự động của MOM đưa nó ra khỏi một lần nhật thực khác, theo bình luận của một quan chức giấu tên trên tờ Times of India. Hệ thống có thể đã yêu cầu tàu thực hiện một động tác quay để thay đổi hướng, dẫn đến việc ăng-ten hướng về Trái đất của MOM hướng ra xa hành tinh của chúng ta và tàu vũ trụ rơi vào im lặng.
MOM trước đó đã sống sót sau những lần mất điện trong năm đầu tiên và năm thứ hai xung quanh sao Hỏa, phục hồi hoàn toàn tự động mà không cần sự hỗ trợ từ mặt đất. Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu cho thấy sự cố mất điện mới này là vĩnh viễn và không thể phục hồi.
MOM là sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của Ấn Độ, đưa nước này trở thành quốc gia thứ tư đạt được quỹ đạo quay quanh Hành tinh Đỏ và là quốc gia đầu tiên của châu Á làm được điều này. Tàu vũ trụ đến sao Hỏa đúng lúc nó bắt kịp hành trình của Sao chổi Siding Spring vào ngày 19.10.2014.
Mục tiêu chính của sứ mệnh là kiểm tra công nghệ cần thiết cho việc thăm dò liên hành tinh và sử dụng các thiết bị của nó để nghiên cứu cả bề mặt và bầu khí quyển của sao Hỏa từ quỹ đạo.
Các thiết bị trên tàu bao gồm một máy ảnh màu, một cảm biến hồng ngoại nhiệt, một máy quang phổ tử ngoại dùng để nghiên cứu đơteri và hydro trong bầu khí quyển trên của sao Hỏa. MOM cũng mang một bộ cảm biến được thiết kế để tìm kiếm khí mê-tan, một phân tử giúp chứng minh sự sống đã từng tồn tại trên Hành tinh Đỏ.