(QNO) - Ngày 15/1/2025, Ấn Độ lần đầu tiên thành công trong việc ghép nối vệ tinh trong không gian, chính thức trở thành quốc gia thứ tư đạt dấu ấn lịch sử này.
Hành trình chinh phục không gian
Thêm bước tiến đáng kể cho chương trình không gian, Ấn Độ thành công công nghệ ghép nối trong không gian thông qua thí nghiệm ghép nối trong không gian (SpaDeX) của Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO).
Nhiệm vụ SpaDeX có hai vệ tinh nhỏ gồm SDX01 (Chaser) và SDX02 (Target) được phóng vào ngày 30/12/2024 trên tên lửa PSLV C60 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota của Ấn Độ. Mỗi vệ tinh nặng khoảng 220kg.
Ngày 15/1 vừa qua, Target và Chaser bắt đầu dịch chuyển, thành công thu hẹp khoảng cách từ 15m xuống còn 3m, duy trì khoảng cách này trong thời gian ngắn, sau đó hoàn tất quá trình ghép nối. Sau khi ghép nối, việc điều khiển hai vệ tinh như một vật thể duy nhất cũng thành công.
Mục tiêu chính của SpaDeX là giới thiệu công nghệ ghép nối trong không gian tiết kiệm chi phí, rất cần thiết cho các nỗ lực không gian sắp tới của Ấn Độ như đưa người lên mặt trăng, xây dựng trạm vũ trụ, đưa các mẫu vật từ mặt trăng về trái đất cũng như cho phép chuyển vật liệu từ vệ tinh hoặc tàu vũ trụ này sang vệ tinh hoặc tàu vũ trụ khác, vận hành robot trong không gian...
Việc Ấn Độ trình diễn thành công công nghệ ghép nối trong không gian thông qua SpaDeX không chỉ là cột mốc lịch sử đối với ISRO mà còn mang lại hàm ý quan trọng đối với xã hội, văn hóa và nền kinh tế toàn cầu.
Việc làm chủ công nghệ ghép nối không gian đưa Ấn Độ lên vị trí tiên phong trong nền kinh tế không gian mới nổi và nâng cao vị thế toàn cầu của Ấn Độ trong nghiên cứu và phát triển khoa học.
Hơn nữa, việc ứng dụng thành công công nghệ không gian đặt nền tảng cho các sáng kiến quản lý và giám sát môi trường trong tương lai, cho phép theo dõi chính xác hơn diễn tiến biến đổi khí hậu và thiên tai, tạo điều kiện cho nỗ lực ứng phó nhanh chóng.
Tham vọng của Ấn Độ
Tham vọng không gian của Ấn Độ thực sự tăng tốc dưới thời Thủ tướng Narendra Modi - người đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 6 năm ngoái và nỗ lực khẳng định vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế.
Năm 2023, Ấn Độ chính thức gia nhập câu lạc bộ vũ trụ ưu tú và trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh tàu vũ trụ lên mặt trăng. Nhiệm vụ lịch sử Chandrayaan-3 thu thập các mẫu vật giúp các nhà khoa học hiểu được cách mặt trăng hình thành và phát triển theo thời gian.
Cạnh đó, Ấn Độ có kế hoạch đưa các mẫu vật từ mặt trăng trở về trái đất vào năm 2027, phóng sứ mệnh quỹ đạo đầu tiên lên sao Kim vào năm 2028, xây dựng trạm vũ trụ vào năm 2035, phóng sứ mệnh có người lái đầu tiên lên vũ trụ trong vài năm tới và đưa một phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2040.
Ấn Độ cũng có động thái lớn nhằm thương mại hóa lĩnh vực vũ trụ trong những năm gần đây, cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia và nới lỏng các thủ tục phê duyệt đầu tư nước ngoài, tập trung vào việc xây dựng và phóng các vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo trái đất thấp với chi phí thấp hơn.