Chiều 5.11, Ấn Độ phóng lên không gian con tàu vũ trụ thăm dò sao Hỏa, trở thành quốc gia đầu tiên của khu vực Nam Á bước chân vào câu lạc bộ khám phá không gian quốc tế.
Con tàu vũ trụ mang tên Mars Orbiter hay Mangalyaan (theo tiếng Hindu), nghĩa là Tàu sao Hỏa, bắt đầu cuộc hành trình từ một hòn đảo nhỏ gần Chennai ở bờ biển phía nam Ấn Độ. Mars Orbiter có trọng lượng 1,35 tấn và rời trái đất trên một tên lửa đẩy 4 tầng PSLV cải tiến nặng 350 tấn, do Ấn Độ sản xuất. Theo dự kiến, Mars Orbiter sẽ mất khoảng 11 tháng để bay hết quãng đường 400 triệu kilomet xuyên không gian để đến được quỹ đạo hành tinh đỏ vào tháng 9.2014. Được trang bị với 4 thiết bị nghiên cứu và một máy ảnh, con tàu sẽ vẽ bản đồ bề mặt hành tinh đỏ, nghiên cứu bầu khí quyển và tìm kiếm khí metal- dấu hiệu cho thấy hành tinh có khả năng duy trì sự sống.
Giám đốc IRSO giới thiệu mô hình của Mangalyaan. |
Được khởi động từ 2012 với kinh phí 4,5 tỷ rupee, tương đương khoảng 73 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 671 triệu USD mà Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) đầu tư đưa tàu MAVEN lên sao Hỏa cùng thời gian, chương trình của Ấn Độ được mệnh danh “low cost” (giá thấp). Vì “low cost”, các kỹ sư của Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ (IRSO) đã phải sáng chế tìm ra mẹo kỹ thuật để nó quay quanh trái đất trong một tháng rồi tăng tốc, thoát khỏi sức hút của trái đất.
Ông Koppillil Radha Krishnan, Chủ tịch ISRO khẳng định, đây là bước ngoặt lớn trong chương trình không gian của Ấn Độ hướng tới hoạt động thám hiểm, sau thành công của tàu Chandrayaan-1 được New Delhi phóng lên quỹ đạo mặt trăng năm 2008. Được biết, Chính phủ Ấn Độ đang ưu tiên và gia tăng tiềm lực tập trung vào những mũi nhọn chiến lược như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nghiên cứu không gian, năng lượng hạt nhân để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, hiện thực hóa ước mơ trở thành một trong những cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020. Chỉ riêng các chương trình không gian, mỗi năm Ấn Độ đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD.
Chương trình vũ trụ của Ấn Độ thực ra đã có lịch sử 30 năm. Nhưng mãi đến gần đây, chủ yếu là phát triển chương trình có thể trực tiếp đem lại lợi ích cho dân nghèo. Chẳng hạn cải thiện hạ tầng cơ sở thông tin và vệ tinh giám sát môi trường. Ngoài ra, những thành công của chương trình không gian cho phép Ấn Độ cải thiện rõ rệt khả năng dự báo chính xác hiện tượng thời tiết như việc dự báo bão tấn công vào Odisha hồi tháng 10, giúp Ấn Độ di tản kịp thời hơn một triệu người.
Theo các nhà quan sát, vụ phóng Mars Orbiter được xem là “phát pháo” mới nhất trong cuộc chạy đua không gian đang hình thành giữa các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và một số nước khác. Nếu Mars Orbiter thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 đến được sao Hỏa sau Nga, Mỹ và một nhóm các nước thuộc liên minh châu Âu. Đây quả là một công trình phức tạp bởi đã có 23/40 sứ mệnh chinh phục sao Hỏa thất bại như trường hợp đã từng xảy ra tại Nhật Bản và Trung Quốc trước đây.
Hiện nay, Mỹ là quốc gia duy nhất đưa tàu thám hiểm robot hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa. NASA sẽ tiếp tục phóng tàu thăm dò nghiên cứu sao Hỏa vào ngày 18.11 tới, nhằm giúp ISRO trong khâu liên lạc và hai tàu hiện đóng ở Thái Bình Dương cũng sẽ giúp hỗ trợ giám sát.
NAM VIỆT