Ấn Độ với chính sách hướng Đông

QUỐC HƯNG 24/01/2018 14:48

Hội nghị Cấp cao kỷ niệm Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ sẽ diễn ra vào ngày mai 25.1 tại New Delhi của Ấn Độ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ tại Manila, Philippines vào năm 2017.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ tại Manila, Philippines vào năm 2017.

Năm 1991, Ấn Độ chính thức công bố chính sách hướng Đông và được Nội các Ấn Độ tiếp tục theo đuổi trong hai thập niên sau đó. Đến năm 2014, tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ diễn ra ở Myanmar, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi quyết định đổi tên chính sách hướng Đông thành hành động hướng Đông. Ấn Độ mong muốn sẽ hành động nhiều hơn để kết nối với khu vực ASEAN - một trụ cột trong chính sách hướng Đông. Qua đó tăng cường sự can dự nhiều mặt của Ấn Độ đối với ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng hơn, tìm cách tăng cường hội nhập kinh tế, hợp tác chính trị - an ninh và đối thoại văn hóa - xã hội với các nước trong khu vực. Ngoài ra, Ấn Độ khẳng định vai trò, vị thế nhằm bảo đảm các lợi ích chiến lược của mình cũng như duy trì sự hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ và Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 24 đến 26.1 tại New Delhi.

Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ năm 2018 với chủ đề “Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh”. Sự kiện này diễn ra ngay sau khi ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập; Ấn Độ và ASEAN kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với ASEAN; 15 năm đối thoại ASEAN - Ấn Độ ở cấp hội nghị cấp cao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN vào năm 2017. Trước thềm hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran khẳng định, ASEAN là “một đối tác không thể thiếu của Ấn Độ”.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, kim ngạch song phương ASEAN - Ấn Độ đều tăng mỗi năm, đạt mức 76 tỷ USD vào năm ngoái. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ và Ấn Độ là đối tác thương mại đứng thứ 7 trong khối ASEAN. Hai bên đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để tiến tới mốc kim ngạch song phương đạt 200 tỷ USD vào năm 2025. Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới trong những năm gần đây được đánh giá là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất. Trong khi đó, ASEAN được đánh giá là một thực thể kinh tế ổn định, năng động và thích ứng cao. Những ngày đầu tháng 1.2018, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj có chuyến công du 3 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Singapore và Indonesia, trong khuôn khổ chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ. Ngoại trưởng Sushma Swaraj bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, thương mại, đầu tư, giáo dục và văn hóa.

Đặc biệt, nhân Lễ kỷ niệm lần thứ 69 ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ (26.1.2018), Ấn Độ lần đầu tiên mời toàn bộ 10 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Brunei, Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Đây sẽ là khách mời danh dự của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong dịp Quốc khánh này. Điều này thể hiện vị trí và vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và một hình ảnh ASEAN thống nhất, đoàn kết trong quan hệ với Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ cho biết, ngày 26.1.2018 sẽ là “ngày Quốc khánh đáng nhớ trong lịch sử Ấn Độ” với sự tham gia đầy đủ của các nhà lãnh đạo ASEAN.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấn Độ với chính sách hướng Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO