(QNO) - Ấn Độ - một quốc gia đang phát triển nhưng tỷ lệ nghèo đói vẫn ở mức rất cao, vệ sinh môi trường còn kém. Chính vì muốn thay đổi lối tư duy cũ của người dân, đồng thời xây dựng hình ảnh mới mẻ về đất nước đa sắc màu, nhiều đền đài trong mắt bạn bè thế giới, Chính phủ Ấn Độ đã có hẳn một chương trình quốc gia xây dựng làng mẫu, hướng đến chuyển biến về nhận thức, nâng cao cuộc sống người dân. Ngôi làng xây dựng trên nền tảng chính quyền các cấp không can thiệp vào những quyết định, kế hoạch của dân làng, mà chỉ hỗ trợ kinh phí, định hướng thêm để ngôi làng hoàn thiện, hướng đến sự hài lòng chính người dân ngôi làng đó. Chuyện từ làng Malkapur...
Đường làng luôn sạch sẽ, không khí trong lành. Ảnh: CHÂU TẤN |
Công việc của mọi người
Sáng nào cũng vậy, cậu bé Bahaskar (9 tuổi) luôn quét dọn khuôn viên và đoạn đường phía trước ngôi nhà mình, gom lá rụng vào góc đường rồi mới đến trường. Nhìn cậu bé cần mẫn quét những chiếc lá khô và âm thanh tiếng chổi kéo lên nên đường làng nghe vui vẻ. Tôi bắt chuyện với bé Bahaskar, cậu ấy vừa làm vừa nói: “Công việc này không chỉ mình con làm mà các bạn nhỏ trong làng đều thực hiện hơn năm nay. Có bạn làm sớm, có bạn làm trễ hơn, ngày nào cũng vậy, như thói quen ấy mà…”.
Người lớn trong gia đình tiếp tục công việc dọn sạch sẽ nhà cửa, đưa rác đến nơi tập kết để những người phụ trách vận chuyển rác đến khu vực xử lý tập trung. Đây là ngôi làng mẫu không sử dụng túi ni lông nên rác thải sinh hoạt được phân loại, xử lý vi sinh để phục vụ việc sản xuất của người dân. Công việc này được phân công theo hình thức luân phiên nên mọi người ai cũng có trách nhiệm và không phải trả kinh phí.
Trường bán trú ở làng Malkapur chú trọng dạy học sinh ý thức tự lập và bảo vệ môi trường. Ảnh: CHÂU TẤN |
Để thay đổi được ý thức giữ gìn vệ sinh cho dân làng, người trẻ là yếu tố quyết định đến sự thành bại trong xây dựng làng mẫu. Bắt đầu khởi điểm xây dựng làng mẫu, chỉ có 40% hộ gia đình có công trình phụ, trong khi đó người dân vẫn giữ thói quen đi vệ sinh ngoài đồng, vứt rác ra ngoài đường. Những bạn trẻ bắt đầu công việc tình nguyện của mình theo từng nhóm, chia nhau giúp người dân nhận thức những tác hại của vệ sinh môi trường không đảm bảo đối với cuộc sống dân làng, nguy cơ của dịch bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe. Công việc này được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần, thậm chí đến từng nhà, gặp gỡ những người phụ nữ trong gia đình để thuyết phục họ không vức rác ra đường và xây nhà vệ sinh.
Cùng với công tác tuyên truyền, những người trẻ giúp những hộ dân xây dựng công trình phụ, trồng và chăm sóc cây xanh dọc theo các tuyến đường từ nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Anh P.Srinivas - thành viên nhóm tuổi trẻ hào hứng nói: “Bây giờ các con đường trong làng luôn sạch sẽ, không bao giờ thấy rác vứt bừa bãi trên đường. Môi trường không khí cũng vì thế trong lành hơn, hầu như rất ít ruồi, muỗi. Người dân cũng vì thế ít bệnh tật hơn như những năm trước đây. Buổi tối hệ thống đèn điện bằng năng lượng mặt trời do nhà nước hỗ trợ thắp sáng, ngôi làng trở nên mới mẻ hơn…”.
Chúng tôi ghé thăm trường làng vào cuối giờ buổi trưa, học sinh đọc theo thầy giáo bài học tiếng Anh cho cảm giác vui vẻ, âm thanh rộn ràng xua tan không khí bình yên của ngôi làng vùng sâu. Thầy giáo Lingam phụ trách lớp ghép 4 và 5 cho biết, học sinh ở đây còn thiếu thốn nhiều thứ, việc học của các em còn khó khăn. Tuy nhiên điều đáng mừng là tất cả các em đều ra lớp, học bán trú được nhà nước hỗ trợ ăn trưa. Đây là điều mà người dân và chính quyền địa phương mong muốn.
“Cơ sở vật chất, trường lớp còn hạn chế nên các em ngồi học dưới nền, học lớp ghép, điều này không phải là vấn đề lớn. Quan trọng là tất cả các em đều được đến trường. Chúng tôi nỗ lực đưa môn Tiếng Anh vào nhà trường với hy vọng giúp các em sẽ tiếp cận gần hơn với thế giới, xây dựng một thế hệ tương lai đủ tự tin hòa nhập và thay đổi cách nghĩ, cách làm, cải thiện cuộc sống, biết quý trọng tài nguyên đất nước” - thầy Lingam chia sẻ thêm.
Bữa cơm trưa của học sinh bán trú tuy không có nhiều món nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho các em một ngày học tập, vui chơi như trứng luộc, cơm và món cà ri truyền thống. Sau bữa trưa các em đều tự đi rửa đĩa của mình và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Điều này cho thấy, ý thức tự lập, tự chịu trách nhiệm của thế hệ trẻ đang được khẳng định như mong muốn của thầy Lingam.
Mọi quyết định đều từ dân làng
Làng mẫu Malkapur bắt đầu triển khai xây dựng vào năm 2015 dựa trên nguyên tắc: Người dân tự nguyện đóng góp, lên kế hoạch và đưa ra quyết định cuối cùng, chính quyền hoàn toàn không can thiệp mà chỉ định hướng. Đây là yếu tố quan trọng đưa đến kết quả xây dựng làng mẫu thành công tại Ấn Độ.
Do xuất phát điểm rất thấp nên người dân trong làng Malkapur chỉ đưa ra các tiêu chí: xây dựng hạ tầng giao thông công cộng; nước sạch và vệ sinh môi tường; giáo dục, sức khỏe và dinh dưỡng cộng đồng; an ninh trật tự và giảm tỷ lệ hộ nghèo; bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên; sản xuất nông nghiệp bền vững.
Người dân làng Malkapur. Ảnh: CHÂU TẤN |
Hơn 2 năm xây dựng làng mẫu, tất cả 500 hộ gia đình với hơn 2.000 nhân khẩu đều bỏ thói quen cũ, sử dụng nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch sinh hoạt được đưa đến tận hộ gia đình, an sinh tại cộng đồng được cải thiện, người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng bảo vệ môi trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể nhưng quan trọng vẫn là sự hài lòng của chính người dân trong ngôi làng này.
Ông J.Swamy - người đứng đầu làng Malkapur cho rằng, ở làng Malkapur dọn dẹp là một việc mà mọi người, từ đứa trẻ cho đến người lớn đều coi là việc rất quan trọng và như thế nhận thức người dân đã thay đổi, hành vi cũng thay đổi theo hướng tích cực. Làng nhỏ của huyện Medak, bang Telangana bây giờ nổi tiếng hơn, cuộc sống người dân bắt đầu dần dần thoát bớt nghèo đói.
“Từ đây mọi công việc của làng tuân theo một hệ thống, nhưng gây ấn tượng hơn là việc xây dựng làng mẫu đã tạo thành một quy tắc. Sự sạch sẽ thay thế dần những quan điểm cũ đã ăn sâu bám rễ vào lối sống ở đây. Đó chính là điều phải làm ở xã hội hiện nay. Đây là tín hiệu tốt để chúng tôi tiếp tục xây dựng làng mẫu của mình phát triển bền vững trong những năm đến” - ông J.Swamy hào hứng nói.
Trước khi rời làng, tôi đã ghé thăm nhà cậu bé Bahaskar, ngôi nhà cấp bốn xây theo kiểu chỉ có ở chính nơi này nhằm hạn chế sức nóng của khí hậu vùng Tây Á. Tường nhà dày 30 - 40cm, mái ngói nhiều lớp, các phòng đều sạch tinh tươm, sàn nhà sạch sẽ, bát đĩa bóng loáng, chăn gối ngăn nắp. Đây là thành quả của cả cộng đồng làng Malkapur và quan trọng là chính quyền đã cho người dân quyết định cuộc sống của mình, lựa chọn cách phát triển phù hợp thực tế của ngôi làng.
CHÂU TẤN