Nhiều vụ nợ xấu đã được ra tòa và thi hành án nhưng vẫn khó thực hiện được việc thu hồi nợ bởi thiếu một tiếng nói chung từ nhiều phía.
Quan điểm của ngân hàng
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam cho thấy hiện có 12/25 tổ chức tín dụng (TCTD) tại Quảng Nam có phát sinh các vụ việc thi hành án dân sự. Tổng số vụ việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng là 143 trường hợp. Tổng số tiền gốc được thi hành án là hơn 331,9 tỷ đồng. Số tiền thi hành án được hơn 53,6 tỷ đồng. Số tiền còn phải thi hành án là gần 279 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Sương Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam nói, việc phối hợp giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng vẫn còn khá nhiều vướng mắc. Đó là cơ quan thi hành án dân sự chưa hướng dẫn chi tiết các văn bản, thủ tục pháp lý một cách rõ ràng, khoa học để bên khởi kiện có thể thu thập hồ sơ nhanh chóng, kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ khởi kiện. Việc thay đổi chấp hành viên thi hành án cũng đã khiến công tác xác minh tài sản thế chấp kéo dài, dẫn đến kê biên chậm trễ. Có những bản án phúc thẩm xét xử liên quan trực tiếp đến tài sản đảm bảo đang được thế chấp tại ngân hàng nhưng ngân hàng không được mời tham dự, không được thông báo. Quá trình thi hành án thường chậm, việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành về vấn đề xử lý tài sản đảm bảo tiền vay còn nhiều khó khăn, chưa có thời gian quy định thời gian cụ thể từ khi có bản án đến thi hành án xong bản án...
Xử lý nợ xấu còn gặp khó khăn nên các ngân hàng thận trọng hơn và tiến tới siết chặt tăng trưởng tín dụng. |
Nhiều TCTD cho hay, khởi kiện ra tòa để buộc các doanh nghiệp trả nợ là việc ít ngân hàng lựa chọn bởi thủ tục pháp lý khá rườm rà, thời gian thu hồi nợ quá dài… Một trong những giải pháp tốt nhất được vài ngân hàng lựa chọn là cơ cấu lại nợ bởi họ cho rằng doanh nghiệp tạm thời khó khăn đang dần qua khi lãi suất giảm, lạm phát giảm, tỷ giá ổn định và Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện các ngân hàng đang đối mặt với một tình trạng về mặt pháp lý liên quan đến các vấn đề xử lý nợ cũng như tài sản đảm bảo. Mặc dù khi cho vay, ngân hàng đã chủ động ràng buộc các điều kiện pháp lý với bên cho vay và các bên liên quan bằng nhiều hợp đồng như hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tín dụng… nhưng khi rủi ro phát sinh thì việc xử lý thu hồi nợ của ngân hàng luôn gặp khó khăn. Những khó khăn này không xuất phát từ các điều khoản hợp đồng mà chính là từ tính hiệu lực trong việc thực thi các điều khoản đó và khả năng cưỡng chế của hợp đồng. Phía ngân hàng cho rằng không hiểu lý do gì mà sự lúng túng, bị động luôn xảy ra trong hệ thống tòa án trong việc tiếp nhận, thụ lý các đơn đòi nợ cũng như vai trò mờ nhạt của các cơ quan này trong việc bảo đảm quyền lợi của các chủ nợ. Họ mong quá trình khởi kiện, thi hành án được cơ quan liên quan giải quyết thủ tục hồ sơ nhanh hơn để giúp ngân hàng sớm thu hồi vốn, giải quyết nợ xấu.
Cần tiếng nói chung
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế tài chính, không phải bây giờ mới có nợ xấu. Nó là sự tích lũy dồn tụ của một thập kỷ tăng trưởng tín dụng nóng. Một phần là do ngân hàng tạo nên. Nếu ngân hàng có đủ khả năng thẩm định dự án chính xác, giải ngân theo đúng quy trình quản trị rủi ro, liệu nợ xấu có giảm thiểu không? Điều này thì chính giới ngân hàng cũng đã thừa nhận là một trong những nguyên nhân phát sinh nợ xấu. Phía thi hành án, ông Trịnh Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết số liệu cơ quan có trong tay khoảng 212 vụ thi hành án với khoảng 507 tỷ đồng, nhưng mới thi hành án 446 tỷ đồng. Kê biên, đấu giá nhiều vụ không thành. Ông Nguyễn Bá Hóa - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh nói các vụ thi hành án không thành vì không có tài sản để thu. Nhiều ngân hàng khi thẩm định cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc quá cao so với giá trị tài sản. “Thẩm định lấy lệ, ẩu, vượt quá tài sản doanh nghiệp. “Tội” này là “tội” của các giám đốc ngân hàng” - ông Hóa nói.
Phía ngân hàng muốn đẩy nhanh công tác thi hành án đối với các bản án đã được tòa tuyên án, các bản án có đầy đủ tài sản đảm bảo, tiến hành kê biên, bán đấu giá để ngân hàng sớm thu hồi dứt điểm được nợ xấu, còn thi hành án nói là khó vì thiếu tài sản và nhiều lẽ. Vì vậy rất cần cả hai phía mở nhiều hội nghị, hợp tác để tìm được tiếng nói chung. Trên thực tế, khi cho vay, ngân hàng đương đầu với rủi ro là khoản nợ bị con nợ chiếm dụng và không thể thu hồi. Nếu việc chiếm dụng này trở nên phổ biến thì sẽ tạo ra những tác hại nghiêm trọng làm suy yếu hệ thống tài chính. Điều nguy hiểm không chỉ là sự phá sản của một vài ngân hàng đã cho vay rủi ro mà quan trọng hơn là chính niềm tin bị đánh mất. Khi những nhà đầu tư tiềm năng nhận thấy rằng có khả năng những khoản đầu tư của mình sẽ bị chiếm dụng thì họ sẽ hạn chế cung ứng vốn dưới bất kỳ hình thức gì dù trong vai trò chủ nợ hay cổ đông. Còn đứng ở góc độ doanh nghiệp, dù có dự án tốt thì việc tìm kiếm nguồn vốn cũng trở nên khó khăn hơn và đắt đỏ hơn.
TÙY PHONG