Ăn khoai lang trả tiền bánh rán

ĐĂNG QUANG 17/09/2018 02:18

Khoai lang chế biến ra bánh rán nên ăn bánh thực chất cũng là ăn khoai. Nhưng tiền bánh chắc đắt hơn khoai. Tương tự vậy, bao nhiêu loại bánh được làm từ nông sản thực phẩm, công chế biến được tính vào giá thành. Đơn cử mỗi dịp Tết Trung thu, bánh đủ loại, đủ hạng, mà giá cả cũng vô chừng.

Sang trọng có các loại bánh của hàng hiệu Kinh Đô, Long Đình…

Bình dân có các loại quen thuộc như bánh chưng, bánh ít, bánh nướng, bánh dẻo…

Cũng là nếp, trứng, thịt, bột mì… gì gì đấy thôi nhưng chế biến tinh xảo hơn, mẫu mã sang trọng hơn thì giá phải cao, có hộp bánh đến cả triệu đồng. Cho nên thức quà trung thu cho trẻ con mà đôi khi người lớn mua tặng cho người lớn để “quan hệ”. Thân phận trẻ con cũng vì thế mà khác nhau, nhà giàu ăn bánh sang, nhà quan ăn bánh biếu, nhà nghèo thiếu thì  ăn… bánh vẽ. Trẻ ở quê chỉ ăn bánh loại thường thường, bánh các bà các mẹ tự làm.

Cái sự ngon của bánh trung thu cũng đa dạng, tùy chất liệu và tùy cảm xúc nữa. Không phải cứ sang trọng là ngon. Người ở quê có câu ca về cái ngon bình dị: “Em đây như chiếc bánh gai/ Áo nâu phai nắng, da thời lại đen/ Ai ơi ăn thử mà xem/ Ăn rồi mới biết là em ngọt bùi”. Còn người đi xa quê cũng nhớ thức quà mang hương vị ký ức: “Đi xa nhớ bánh tráng mè/ Mùi quê phảng phất dặm hòe hương đưa”. Đó là thứ hương vị níu kéo người ta về với cội nguồn, nhắc nhớ về cha mẹ, về khu vườn đong đầy ánh trăng kỷ niệm. Cái bánh trung thu ngon là mang cả giá trị tinh thần, thấm tình mẹ, tình bà truyền qua câu chuyện kể. Xem thế, cái ngon đôi khi từ tâm lý, tình cảm mà xét đoán vậy. Ngày nay, những người làm bánh giữ được thương hiệu nhiều đời còn được tôn vinh là nghệ nhân, mang đến thức quà đại diện cho cả vùng đất, thì cái ngon của bánh là ở giá trị ẩm thực, giá trị văn hóa nữa.

Bàn chuyện ngon dở còn mông lung đủ chuyện, nhưng việc làm bánh và đưa đến người tiêu dùng, có tiêu chí tối thượng là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải rõ nguồn gốc xuất xứ. Xưa cũng như nay đều đặt ra yêu cầu đó, nhưng thực tế không như mong đợi vì cái lợi làm cho mờ mắt đi. Vì thế, mỗi dịp tết nhứt lễ lạt lại thấy phát hiện những cơ sở làm bánh, buôn bán bánh vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mới và gần đây nhất là tại Quảng Nam, cơ quan chức năng đã phát hiện hai cơ sở bánh vi phạm, phải đình chỉ. Đáng sợ hơn, báo chí đưa tin trên thị trường xuất hiện bánh trung thu nhập lậu từ nước ngoài, giá thành rất rẻ, không nhãn mác. Nổi cộm như tại chợ Bình Tây (TP.Hồ Chí Minh), cơ quan chức năng phát hiện có quầy bày bán bánh trung thu nướng loại nhỏ, giá 3.000 đồng/chiếc mà bao bì toàn in chữ Trung Quốc, không có thông tin về loại bánh, nơi sản xuất hay thành phần dinh dưỡng. Hay có loại bánh trung thu được quảng cáo nhập từ Đài Loan về, bán 70.000 – 90.000 đồng/kg. Ở Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra đột xuất cơ sở bánh trung thu nằm trên địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức, thu giữ 14.000 chiếc bánh trung thu không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Chủ cơ sở này cho biết, bánh ở đây nhập với giá từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/chiếc.

Rõ ràng với những chiếc bánh trung thu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không công khai thành phần dinh dưỡng trên bao bì tiềm ẩn nguy cơ về chất bảo quản, phẩm màu, phụ gia vượt quá mức cho phép hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, có thể gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
Ăn khoai lang trả tiền bánh rán có thể không sao, nhưng phải trả - đánh đổi sức khỏe vì thực phẩm bẩn thì thậm nguy. Vậy nên, cần cảnh giác với chiêu trò quảng cáo “ngon, bổ, rẻ” khi mua bánh trung thu.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ăn khoai lang trả tiền bánh rán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO