An lạc không đến từ những ồn ào

TRUNG VIỆT 03/01/2014 10:19

Vẫn con đường đó, vết bùn và màu nước lúc đục lúc xanh, đầu bờ suối lởm chởm đá, từ suối vào đến chỗ anh ở, bùn văng đến mặt, dọc đường chỉ có cây rừng và mấy con trâu thỉnh thoảng khua sừng. Chuyện cũ đã 7 năm trước, cũng tầm tháng này, chúng tôi đến thôn Cấm La, xã Quế Lâm, huyện Quế Sơn (nay thuộc huyện Nông Sơn). Lạnh cắt da. Cái đêm hôm đó, tôi, anh cùng hai đồng nghiệp mua được con vịt xiêm thuộc loại “bô lão”. Xúm lại thổi phù phù cho lửa bùng lên. Ánh sáng hắt đủ thấy một mảng gương mặt anh ám tối. Không điện. Kiểu này biết bao giờ mới mềm thịt mà ăn. Anh sáng kiến tìm trái đu đủ. Lại chạy tìm. Rửa sạch, để nguyên vỏ vào hầm thì chính cái vỏ xanh với mủ đắng ấy sẽ là “đặc nhiệm” làm thịt trở nên mềm. Hầm thí xác, nhưng vẫn nhai trệu mồm. Bóng tối dày đặc, phủ kín, như đông cứng lại. Xòe bàn tay trong đêm, như thấy mắt mình bị mắc ở kẽ tay nhưng tuyệt nhiên không thấy gì ngoài gió. Cấm La. Cái địa danh như phủ phục ráng chịu không thở than, không ý kiến, mặc định im lặng như đêm gói tròn vo kín phận người.

Thầy Phan Văn Mễ, hơn 30 năm ở rừng.
Thầy Phan Văn Mễ, hơn 30 năm ở rừng.

Tôi nghe đồng nghiệp thỉnh thoảng lên đây về nhắc: ‘Thầy Mễ hỏi thăm anh”. Tôi nghĩ anh về hưu rồi. Tôi đi gặp anh. Đường đó, giờ đã bê tông. Con suối  mà chúng tôi cởi quần dài lội qua, giờ đã có cây cầu. Lạ quá. Nhà anh đâu phải đây, mà chính đây. Nhà gỗ, nền đất ám tối, giờ là bê tông, nhưng nói như anh là “như nhà tình nghĩa”. Trường học với mấy miếng ván đám con nít áo quần te tua trong gió lạnh đâu mất rồi, giờ là trường kiên cố. Tôi vào lớp. Vẫn lớp ghép. Lớp 5 hai em, lớp 4 năm em. Cô giáo Mỹ Thảo mới ra trường hai tháng. “Ghép, nên khó lắm. Ví dụ em vận dụng phương pháp hay và tích cực cho lớp này thì ảnh hưởng lớp kia, hình ảnh sinh động lớp này thì lớp kia tập trung vào, rồi đồ dùng học tập không đủ, vở thiếu em phải mua cho”. Muôn năm cũ chuyện học vùng gian khó. “Thầy Mễ đâu?”. “Ba em về Thăng Bình rồi, chiều mới lên”. À, con gái anh. Hồi đó anh ở một mình, gia đình ở Điện Quang. Con gái có chồng ở đây, lên ở gần ba đã hơn 3 năm.

Đường qua Cấm La bây giờ đã có cầu.Ảnh: TRUNG VIỆT
Đường qua Cấm La bây giờ đã có cầu.Ảnh: TRUNG VIỆT
Xa rồi thời gian khó
Thôn Cẩm La “nổi tiếng” là vùng đất nghèo khó, bị chia cắt bởi khe Sé. Nằm trên vùng đồi núi thường bị sạt lở nên đường sá đi lại rất khó khăn, địa bàn không có điện thắp sáng, lại thiếu đất sản xuất nông nghiệp, người dân phải lên rừng đốn củi, bứt mây hoặc đi làm thuê khắp nơi. Từ khi chia tách khỏi huyện Quế Sơn (4.2008), Đảng bộ và chính quyền huyện Nông Sơn đã có những chủ trương thiết thực giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống. Hiện nay khe Sé đã có cây cầu Bến Đình bắc qua, giúp người dân Cẩm La đi lại thuận tiện, có điều kiện phát triển kinh tế; hơn 60 hộ dân nơi đây có điện thắp sáng từ tết năm ngoái; đã có đường bê tông trải dài dọc thôn. Nhờ sự hỗ trợ của cấp trên, chính quyền xã vừa đầu tư xây dựng 6 giếng nước sạch cho người dân trong thôn. Nhà kiên cố đang dần thay thế những nóc nhà tranh, đời sống từng bước ổn định... tạo cho người dân trong thôn yên tâm bám trụ với vùng đất này.(Q.N)

Anh ngồi sát tường ốp gạch đen. Già đi nhiều quá. Vẫn cái cười nhẹ nhõm, u buồn, giọng nhỏ nhẹ muôn thuở như là dấu vết không xóa được của mấy mươi năm ở rừng không đèn điện, có nói to cũng chỉ có bóng tối nghe và hiểu. Tóc, râu bạc nhiều, hồi đó tóc anh còn xanh. Tuổi trẻ đi chậm, chứ tuổi già là phi mã. “Ừ, mấy  năm ni tóc bạc nhiều, nhưng anh thấy vẫn vậy”. Hố mắt trũng sâu. Tôi giỡn: “Anh có thay tên đổi họ chi không?”. “Y rứa, vẫn Phan Văn Mễ”. “Chừng đó năm, thay đổi chi nhiều không?”. “Nhiều chứ. Em thấy rồi đó, có đường, cầu, điện”. “Bao nhiêu năm anh ở rừng rồi hè?”. “Từ 1977”. “Sao anh không thay đổi lớp dạy, mà cứ dạy ghép?”. “Anh em trẻ nói dạy mấy lớp đó khó, mình thì quen rồi, nên cứ dạy”. “Sao anh không xin chuyển?”. “Quen rồi. Mấy năm nữa về hưu thôi”. Rồi anh bật cười: “Sống đó, chết đó”. “Anh có mong muốn chi không?”. “Hãy tăng cường cơ sở vật chất cho các lớp, vì đó thiếu rất nhiều trang thiết bị. Lớp ghép quá nhiều bất cập, nhưng giải tỏa nó là không đơn giản. Còn mình ư? Vui vẻ, chẳng có chi đáng phàn nàn”.

Cấm La. Anh em nói ai đó đổi thành Cẩm La, nhưng Cấm hay Cẩm, vẫn vậy. Một địa danh hút mắt thượng nguồn Thu Bồn, nhưng giờ từ Trung Phước chạy xe lên đến đó đâu chừng 15km. Thay đổi nhiều quá, dù đời sống bà con vẫn chưa hết khốn khó. Cao su phải vài năm nữa mới thu hoạch, nên bây giờ bà con đang ở giai đoạn “mai phục”. Hình như chỉ có anh Mễ là… cũ, vì nói như anh là đã tụt hậu, do  công nghệ thông tin nhanh quá, mà Cấm La mới có điện từ 2012. Làm thầy giáo cắm bản, trọn vẹn một đời nhà giáo không về xuôi. Tôi nghĩ đến chuyện đi - ở, cũ - mới. Căn bản và sau cùng chính là thức nhận thân phận. Ở đâu, làm chi, cũng vậy thôi. Những lấp lánh niềm vui và âu lo cho cuộc sống, cho kẻ khác chứ không phải là mình, chính là sự rốt ráo của tận hiến lương thiện, vô ngã. Hình như những người đó không cần lên tiếng, mong chờ thiên hạ gọi tên, ghi tên mình. Sự an lạc không đến từ những ồn ào…

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An lạc không đến từ những ồn ào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO