Ăn ngon, lành tính đồng thời ăn đúng là châm ngôn dẫn đường của phong trào Slow Food trên thế giới từ hơn 30 năm trước và đang dần quay trở lại trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan...
Giữ vị nguyên bản
Ngày xưa, bữa cơm trong gia đình thường với nguyên liệu tự cung tự cấp như rau trong vườn nhà, gà heo tự nuôi, tôm cá bắt từ đồng ruộng, sông suối...
Sau này, ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, bên cạnh ưu điểm cũng tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu, biến đổi gen trong cây trồng, thuốc tăng trọng đối với gia súc, gia cầm... khiến nhiều người ngày càng mong muốn và hướng đến tiêu dùng sạch - xanh.
Trong đó, việc phát huy những giá trị cơ bản của cây nhà lá vườn, tìm đến sản phẩm của nông dân, thương hiệu tin cậy được các bà nội trợ ngày càng chú trọng.
Hãy tập tìm đến thưởng thức hương vị nguyên sơ của nguyên vật liệu mà truyền thống tẩm ướp bao đời đã che lấp. Hãy nhìn lại những thói quen không tốt, ví dụ ăn nhiều dầu chiên, xào hoặc việc sử dụng nhiều mì chính, bột nêm cũng dần trở nên lạm dụng, phụ thuộc để tạo độ ngọt.
Ví như khi chế biến món gà xé phay, đôi lúc chúng ta chưa chú trọng giữ vị ngọt tự nhiên của gà nuôi thả nên khi trộn phải thêm mì chính; nấu canh cũng không thể thiếu gia vị này. Cuối cùng quen vị, mì chính, dầu chiên mọi nơi mọi món như nhau.
Ngoài giữ vị nguyên bản khi chế biến thức ăn, việc đầu tư vườn rau gia đình dù ở nông thôn hay thành phố cũng rất cần thiết. Mô hình này đã được hỗ trợ thực hiện nhiều nơi ở châu Phi của phong trào Slow Food.
Đối với người Việt, việc trồng rau, nuôi gà... cung cấp cho bữa ăn gia đình đã có từ lâu đời, sau quãng thời gian phai nhạt nay dần quay trở lại và trở thành xu hướng.
Rau nhà là của quý
Người Chăm có câu “rau trên rừng hái ăn trước, rau pakak nhà để dành ăn sau” hay “Nao pek njam di dalam pakak” - rau vườn nhà là của quý, là gia tài của bà, của mẹ.
Từ xưa đến nay người ta vẫn thường nghĩ dược liệu chỉ dùng để làm thuốc. Nhưng với người Chăm, “ăn rau như uống thuốc” đã có từ bao đời, họ đưa những vị rau là lá cây thuốc vào các món ăn truyền thống của mình.
Lúc nhỏ tôi hay theo bà hái rau, được bà chỉ dẫn từng loại lá rau và cách ăn, cách nấu và bà giảng giải rõ rau cũng là những vị thuốc nam. Có những cây rau có thể dùng ăn sống, có loại phải luộc hay nấu canh, hầm… mới phát huy tác dụng dược tính riêng và tùy cơ địa mỗi người mà chọn cách chế biến phù hợp. Người có cơ địa “nóng” nên ăn thực phẩm có tính hàn, ngược lại người có cơ địa “lạnh” nên ăn nhiều thực phẩm có tính nóng để cân bằng.
Ăn uống giản dị vừa khỏe và lành. Bà tôi thường hay dặn dò uống một ly nước lọc vào lúc thức dậy để thanh lọc cơ thể, bữa sáng cháo hay là khoai gì cũng được. Bà hay ăn tô cháo đậu với cá khô nướng vào buổi sáng, trưa ăn canh rau vườn, tối thì ăn chén cơm rau luộc và ăn sớm lúc 6 giờ chiều.
Tôi luôn nhớ hình ảnh của bà với rổ rau trong vườn. Trong các món cơm rau của bà tôi nhớ nhất là “lithei drau”, món cơm nguội trộn truyền thống. Với hàng chục loại lá cây dược liệu như lá da đá trị bệnh đường ruột, lá keo chữa táo bón và xổ giun, lá xào dông, lá me non, lá é, lá chùm ruột, lá húng chanh, lá lốt… Tất cả lá tươi xanh hòa quyện với món sốt hay món mắm Chăm trong thau cơm nguội trộn ngon bổ và lành. Chát, chua, đắng, cay chan hòa hương bản địa.
Tôi cũng nhiều lần theo ông lên rẫy. Khi nắng đổ xuống ngang lưng, tôi và ông cũng bắt đầu mang rổ đi quanh rừng hái rau đay, rau ngót rừng, rau chùm bát, đọt rau chùm bao, lá khổ qua rừng, bông bí.
Các loại rau nấu cùng bắp non giã nhuyễn như hòa quyện với cơn mưa, bên bếp lửa trong cái chòi tạm. Ông nói, mùa nào rau nấy, lá khổ qua vị đắng nhưng đó là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe, ổn định đường huyết, tốt cho gan mật; còn rau ngót rừng thì có tác dụng giải độc, hoạt huyết, lợi tiểu.
Vị khổ qua nếu ăn quen thì lại thấy ngon, là bài thuốc thanh lọc cơ thể, giải độc, như một món ăn detox.... Những chỉ dạy từ cây lá vườn nhà của ông cứ theo tôi trong mỗi bữa ăn sau này. Và tôi nhận ra nên ăn lành. Ăn lành để được ăn ngon lâu dài.