An nhiên một cõi

KHẢI KHIÊM 16/02/2015 11:51

Tọa lạc giữa vùng quê nông thôn mới Điện Quang (Điện Bàn) thanh bình; đình Bảo An là địa điểm ghi lại bao dấu ấn qua nhiều giai đoạn lịch sử, cùng đặc trưng sinh hoạt văn hóa của cư dân làng quê Việt. Ngày 27.3.2013, UBND tỉnh đã ký quyết định công nhận đình Bảo An là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Bảo An là một làng cổ của đất Gò Nổi. Theo gia phả của các tộc họ ở làng, các bậc tiền nhân trong hành trình mở cõi đã vào đây định cư, khai cơ lập nghiệp. Từ vùng đất hoang vu, nhờ sức người khai phá qua mấy trăm năm, ruộng vườn đã xanh tốt, mang vẻ đẹp của làng quê Việt cùng những nét riêng biệt của địa danh Bảo An đi vào lịch sử, thơ ca. Để thờ tự, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai cơ, khai canh lập nghiệp, tô bồi cảnh sắc làng quê và các chư tộc của làng vừa làm nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, cư dân Bảo An tiến hành xây dựng đình vào năm Nhâm Ngọ (1702). Đình có 5 gian 2 chái, làm bằng gỗ tốt, lợp ngói âm dương; mặt hướng về phía bắc, nhìn ra dòng sông Thu Bồn.

Sân đình là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Ảnh: KHẢI KHIÊM
Sân đình là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Ảnh: KHẢI KHIÊM

Qua lời kể của các cụ cao niên, “ngôi nhà chung” đơn sơ ấy bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1846. Năm 1848, đình được phục dựng có phần bề thế hơn xưa trên diện tích đất 4.000m2. Cột đình to, kèo chạm rồng, bình phong che chắn, tường hoa bao bọc, bàn án sơn son thếp vàng, hạc chầu cao trọng hai bên, tả hữu các gian đều đặt bàn thờ vọng tổ tiên. Ngôi đình mới xoay về hướng nam, nhìn ra trục đường chính. Tết âm lịch 1946, tại đình tổ chức hội chợ, có mời đoàn kịch Anh Vũ ở Hà Nội về biểu diễn. Năm 1947, giặc Pháp tấn công Gò Nổi. Chúng ngang nhiên tháo dỡ đình làm vật liệu xây dựng đồn trú. Sau kháng chiến chống Pháp, đình Bảo An được dân làng  khôi phục nhưng sau năm 1967 lại bị bom Mỹ đánh sập hoàn toàn. Quê hương hoàn toàn giải phóng, người dân Bảo An lại chung tay góp sức 4 lần trùng tu, tái tạo từ sườn tre lợp tranh, đến sườn gỗ lợp ngói và xây gạch. Giữa năm 2011, cư dân trong làng và bà con đồng hương khắp mọi miền đất nước đồng lòng ủng hộ kinh phí khởi công trùng tu đình. Tháng 3.2013, ngôi đình kiên cố tọa lạc trên nền đất cũ diện tích 1.500m2 được khánh thành.

Đình Bảo An là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Đặc biệt, trong Cách mạng Tháng Tám, vào 2 ngày 17 và 18.8.1945, nhân dân tập trung về đình chuẩn bị lực lượng, gậy gộc, giáo mác để khởi nghĩa giành chính quyền. Sau Tổng khởi nghĩa thành công, nhiều sự kiện tổ chức tại sân đình, như “Tuần lễ vàng”, mít tinh kêu gọi toàn dân kháng chiến kiến quốc, phong trào “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… Ông Trần Tống - một trong 14 ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu đã đến đình làng để tuyên truyền cổ động Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I. Cũng ở đình, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh mở phiên tòa xét xử bọn làm bạc giả và in truyền đơn chống Chính phủ, do ông Phạm Phú Tiết làm chánh án. Năm 1946 - 1947, đình Bảo An trở thành bệnh viện tiền phương của Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, bác sĩ Lê Đình Thám (em ruột chí sĩ Lê Đình Dương) giữ chức trưởng bệnh viện. Khi kinh lý qua các tỉnh miền Nam Trung Bộ, cụ Huỳnh Thúc Kháng - nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ghé thăm, ủy lạo thương bệnh binh và thầy thuốc tại bệnh viện này.

Giai đoạn 1957 - 1963, ngôi đình bị chính quyền Ngô Đình Diệm dùng làm nơi tố cộng. Đồng chí Phan Niên - nguyên Huyện ủy viên, Trưởng ban An ninh Điện Bàn đã về đây hoạt động. Từ năm 1965 - 1967, đình Bảo An là nơi in ấn tài liệu, báo chí tuyên truyền của cơ quan tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Sau khi Mỹ đánh bom làm sụp đổ hoàn toàn đình vào năm 1967, cán bộ và du kích của làng tận dụng vật liệu đổ nát để làm hầm trú ẩn và nuôi giấu cán bộ, bộ đội cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Suốt gần 40 năm qua, cụ ông Nguyễn Trình (năm nay 82 tuổi) là người thường xuyên chăm lo việc sửa soạn, hương khói trong đình. Cụ cho hay, vào dịp xuân về tết đến, dân làng tổ chức lễ kỳ yên từ ngày 12 đến hết 13 tháng Giêng âm lịch cầu mưa thuận gió hòa, cầu cho quê hương thịnh vượng, dân làng yên vui...

Sau bao dâu bể biến thiên, Bảo An được phù sa bồi đắp, giờ đây an nhiên một cõi.

KHẢI KHIÊM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An nhiên một cõi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO