(QNO) - Sáng nay 18.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Ở đầu cầu Quảng Nam, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, an ninh lương thực quốc gia đã đạt được nhiều thành quả trong 10 năm qua. Toàn quốc có đủ nguồn cung lương thực đa dạng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng. Nhờ sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn đã giảm tỷ lệ tiêu thụ ngũ cốc, tăng tỷ lệ thịt, cá, sữa, trứng...
Cả nước đã chú trọng quy hoạch đất trồng lương thực, không chỉ đủ khả năng tự cung lương thực mà còn đảm bảo an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác, xuất khẩu 5 - 7 triệu tấn gạo mỗi năm. Thông qua đề án, hệ thống đường sá, bến bãi, sân bay, chợ, siêu thị được đầu tư đồng bộ đã giúp người dân nông thôn tăng thu nhập gấp 4,3 lần, khả năng tiếp cận lương thực ở vùng sâu, vùng xa được cải thiện rõ rệt.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành nông nghiệp, các địa phương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, cơ cấu lại trồng trọt theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến gắn với bảo quản, chế biến nông sản theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu cùa thị trường. Về chăn nuôi, phát triển theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, phát triển trang trại gắn với chăn nuôi truyền thống, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
Cả nước cần tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Ngành nông nghiệp, các địa phương cần chọn, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy trình thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, con vật nuôi. Cùng với đó là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sản xuất nông nghiệp, phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực cho người dân mọi lúc, mọi nơi...