“Ăn no” và “ăn ngon”

H.Q 15/11/2019 13:22

Giống gạo ST25 của Việt Nam đã vượt qua gạo của các nước như Thái Lan, Campuchia để lần đầu tiên được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World’s Best Rice vừa tổ chức tại Philippines. Thông tin này khiến những nhà xuất khẩu gạo của nước ta phấn khích. Nhiều người kỳ vọng sự kiện này sẽ tạo ra một hiệu ứng để thay đổi phương thức sản xuất của “cường quốc” xuất khẩu gạo Việt Nam, hoặc chí ít cũng có cái nhìn mới mẻ hơn về quan niệm “ăn ngon” trong chiến lược “ăn no” mà lâu nay hạt lúa đảm nhận sứ mệnh cao cả.

Việt Nam được biết đến là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với trung bình khoảng 5,8 - 6 triệu tấn hằng năm, chiếm khoảng 9% sản lượng gạo xuất khẩu thị trường toàn cầu. Nhiều năm qua, hạt gạo trong nồi cơm của người Việt không còn căng thẳng như trước đây. Nghề trồng lúa được cho là còn bấp bênh, chưa tạo ra giá trị kinh tế cao cho nông dân nhưng thành quả nổi bật là đảm bảo được an ninh lương thực. Trong tâm lý của nhiều người, nước ta vẫn đang dư dả lúa gạo, và nếu bỏ nghề trồng lúa mà thay bằng các công việc chân tay thì chuyện được “ăn no” là không quá khó bởi giá gạo hiện vẫn còn thấp.

Thế nhưng, theo thống kê, sản lượng lúa Việt Nam hiện đạt khoảng 42,8 triệu tấn một năm, tương đương với 26,7 tấn gạo đã xay xát. Mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 285kg gạo mỗi năm, tính theo dân số 96,2 triệu người thì hằng năm nhu cầu tiêu thụ khoảng 27,4 triệu tấn. Tức là sản lượng gạo sản xuất hằng năm chỉ đang đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước. Vì vậy, theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng thu hẹp diện tích trồng lúa rất đáng lo. Kế hoạch giảm dần diện tích đất sản xuất lúa cả nước khoảng 0,5 triệu héc ta, theo các chuyên gia, đều này sẽ tác động không nhỏ đến việc đảm bảo an ninh lương thực. Chưa kể, trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng lúa có thể “bất ngờ” thu hẹp.

Việc “ăn no” có thể đang đảm bảo, nhưng còn “ăn ngon” thì hiện chưa được quan tâm đúng mức. Danh hiệu gạo ngon nhất thế giới dù gây phấn khích cho nhiều người, nhưng thực chất chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực của một mô hình sản xuất lúa gạo ở Sóc Trăng chứ chưa mang tính rộng rãi. Cụ thể, gạo TS24 được sản xuất từ giống lúa thơm nổi tiếng của vùng đất Sóc Trăng, được cho là đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa. Trong khi đó, theo một tài liệu, gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng (chiếm 95 - 97%), còn lại là gạo thơm. Theo các nhà khoa học, nhược điểm của một số gạo thơm Việt Nam dẫn đến không đạt chuẩn xuất khẩu là giữ mùi thơm không lâu. Và đặc biệt, việc nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo bằng cách áp dụng quy trình thực hiện tốt (GAP) cho sản xuất vẫn chỉ giới hạn ở một số mô hình.

Quảng Nam được tiếng là vùng sản xuất lúa hàng hóa, nhưng mặt hàng gạo thậm chí còn khó hòa nhập với thị trường chứ chưa nói là loại đặc sản. Và đặc biệt, yếu tố sản xuất sạch thì chỉ mới “sơ khai” ở các mô hình... rau quả. Vậy muốn “ăn ngon” thì chỉ còn cách là phải thay đổi phương thức sản xuất, nhưng phải ở quy mô lớn, chứ không phải mỗi nhà dành một khoảnh ruộng để sản xuất và tự cấp cho gia đình!


(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Ăn no” và “ăn ngon”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO